Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 7/4/2009 14:30'(GMT+7)

Sẽ có danh mục 200 kịch bản để lựa chọn?

“Thầy khoá làng tôi” – một trong số 200 tác phẩm để lựa chọn

“Thầy khoá làng tôi” – một trong số 200 tác phẩm để lựa chọn

Đó là những nội dung đề xuất mới nhất của Cục Nghệ thuật biểu diễn đối với Đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Thời gian vừa qua sau khi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản về ban soạn thảo đề án và những góp ý trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có công văn số 165/NTBD gửi NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL đề xuất một số ý kiến chỉnh sửa đề án. Những điểm cần chỉnh sửa này là những khúc mắc của giới sân khấu đối với việc dàn dựng các kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Theo đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đề xuất: Đề án đưa ra danh mục 200 kịch bản (150 kịch bản trong nước, 50 kịch bản nước ngoài) để các đơn vị lựa chọn dàn dựng 100 kịch bản thuộc các loại hình theo số lượng đã quy định; Đổi tên “Đề án dàn dựng 100 kịch bản nổi tiếng của Việt Nam và thế giới” thành “Đề án dàn dựng 100 kịch bản chọn lọc của Việt Nam và thế giới”; Trong những trường hợp đặc biệt, đơn vị nghệ thuật có thể đề xuất dàn dựng kịch bản ngoài danh mục. Những kịch bản này phải đạt các tiêu chí đề án đã nêu và phải được Bộ VH,TT&DL chấp thuận; Bộ VH,TT&DL hỗ trợ 50% kinh phí phổ biến tác phẩm tới công chúng cho các đơn vị kịch nói (tiền xăng xe, thuê địa điểm, thù lao cho nghệ sĩ); Thời gian thực hiện đề án là 11 năm, vì vậy mức kinh phí hỗ trợ sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn. Thời gian điều chỉnh là 3 năm một lần.

Qua trao đổi, rất nhiều nghệ sĩ đã tỏ rõ sự mong chờ đề án được thực hiện. Các lãnh đạo đơn vị thì hi vọng sẽ có thêm lực để dàn dựng những tác phẩm kinh điển mà đơn vị lâu nay vẫn tâm đắc bởi trong thời “thóc cao gạo kém” như hiện nay để dàn dựng những tác phẩm này phải có sự đầu tư thích đáng chứ không thể dàn dựng như những vở diễn thường mới có thể làm nổi bật được giá trị vốn có của tác phẩm. Cá nhân nhiều nghệ sĩ cũng sẵn sàng gác bỏ những show diễn hoặc tham gia các chương trình hài kịch giải trí để bỏ thời gian tập luyện, sắm những vai diễn cổ điển, mẫu mực của sân khấu. Đề án sẽ biến nhiều giấc mơ của nghệ sĩ thành hiện thực bởi trong tình hình hiện nay người diễn viên rất ít có cơ hội được thử sức, thử tài trong những vai diễn đầy số phận và tính cách như trong tác phẩm cổ điển.

Nhà nước đã bỏ tiền ra đầu tư để nhằm tạo nên những tác phẩm cổ điển có giá trị vì vậy dĩ nhiên phải có sự “chọn mặt gửi vàng”, phải là đơn vị thực sự có khả năng mới được lựa chọn. Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí dựng vở, kinh phí phổ biến cho tác phẩm tới với công chúng với những con số cụ thể thì việc đặt ra các con số biểu diễn cụ thể và cả hạn định thực hiện cũng cần phải có hợp đồng chặt chẽ là đương nhiên.

Rõ ràng lúc này hoạt động sân khấu đang vô cùng khó khăn, đề án được thực hiện sẽ là cơn mưa lúc trời hạn hán. Có thể gọi đây là một trong những giải pháp kích cầu cho sân khấu.

Theo VanHoa Online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất