Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 28/3/2009 15:54'(GMT+7)

Tiếng đàn dân tộc của Già làng Coor Nhứt

Già làng Coor Nhứt cho chúng tôi xem cây đàn Tâm Brêê, có thân là ống trãy nhỏ, dài gần một mét, một đầu xuyên qua một vỏ trái bầu khô đã cưa 1/3 miệng, đầu còn lại, có một cái chốt xuyên qua thân đàn để lên dây, dây đàn bằng dây thép nhỏ. Đàn Tâm Brêê đánh theo nhịp vũ điệu “tung tung – dá dá” vào dịp lễ đâm trâu, lễ cúng mừng cơm mới hằng năm. Còn cây sáo nhỏ có tên Rahêm làm từ một ống trúc nhỏ, dài khoảng 1 gang tay, lớn chỉ bằng ngón tay út người lớn có nhiều lỗ hơi. “khi thổi, phát ra một âm thanh quyến rũ, làm mê hoặc lòng người. Nhiều sơn nữ Cơ-tu si tình vì tiếng sáo Rahêm. Kèn Cabluôc làm bằng sừng trâu có chiều dài gần 1 gang, một đầu nhọn và kín, đầu to (loa) phát ra âm thanh, ở giữa thân kèn có gắn gà bằng miếng đồng mỏng, chung quanh miếng đồng được trít một loại keo đặc biệt màu đen, để khô rất cứng, đó là sáp con ong rú, lấy ở rừng sâu. Chỗ này là nơi thổi hơi vào kèn. “Thứ âm thanh trầm hùng của kèn này nghe rất xa, dội lại qua bao thung lũng, con suối con khe của núi rừng Trường Sơn hoang dã. Ngày xưa, tổ tiên dùng để thổi trong dịp tấn công hoặc rút quân trong các cuộc đi săn tập thể... Gần đây, thổi kèn Cabluôc báo hiệu giờ nghỉ trưa và nghỉ chiều khi lao động trên nương rẫy. Còn cây đàn Abel (H’ra) có chiều dài khoảng 50cm, được chia làm hai phần chính: Đế đàn làm bằng một mảnh gỗ mỏng, gần 1cm, dài hơn 1 phân, có chạm trổ hoa văn họa tiết rất đẹp... Khi chơi đàn, có thể dùng hai ngón chân cái và trỏ kẹp vào phần dưới của đế đàn để định vị cho cây đàn. Thân đàn gồm một ống nứa nhỏ, đường kính dưới 30cm, đầu dưới được gắn vào đế đàn, phần trên để trống và cũng là nơi chứa cần đàn (cần kéo) khi không sử dụng. Gần đầu đàn có một cái chốt bằng tre xuyên qua thân đàn để lên dây đàn. Dưới chốt, trên thân ống có gắn 3 cái núm nhỏ làm bằng chai chò (nhựa cây chò), hoặc sáp loại ong rú, gọi là vú đàn và gắn theo chiều dọc của ống, có khoảng cách 1cm giữa các vú. Ngoài ra, có một sợi chỉ (dài hơn thân đàn một chút), nối từ nơi tiếp giáp giữa đế đàn và thân đàn, đoạn cuối sợi chỉ xuyên qua giữa mảnh vảy con trút, cắt theo hình tròn.

Đàn được chơi hai cách. Cách thứ nhất: Dùng cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời các ngón tay của bàn tay trái “luyến láy” dây đàn. Cách thứ hai (là điểm rất đặc biệt và độc đáo của cây đàn này), người sử dụng dùng hai hàm răng cắn miếng vỏ trút và giữ cho sợi chỉ nằm trong tình trạng căng ra đồng thời hát (hát trong khi hai hàm răng vẫn cố định, không há miệng). Âm thanh lúc bấy giờ nghe lớn hơn và không còn nghe tiếng nhạc đơn thuần nữa mà nghe hòa quyện lời ca lồng trong tiếng nhạc, âm thanh phát ra nghe tựa như tiếng nước chảy róc rách của con suối, con khe... “Đây là cây đàn để tâm sự về tình yêu, nỗi nhớ mà trai làng thổ lộ tình yêu với bạn gái của mình khi không thể nói bằng lời được. Ngày trước, thời còn trai trẻ, lớp đàn anh chúng tôi thường rũ bạn gái trèo lên nhà Moong, hoặc ra bờ suối, dưới ánh trăng rừng huyền hoặc, hai người tha hồ chơi đàn Abel và “hát không hả miệng”. Hồi đó, lớp trai trẻ yêu nhau cũng có chút “ướt át” lắm. Nghe các “ổng” kể rằng: Ngoài việc chơi đàn, nam - nữ có thể hôn, vút ve, âu yếm nhau. Tuy nhiên, những cử chỉ này chỉ được phép trong phạm vi từ lổ rún trở lên của người phụ nữ. Nếu người nào đó do không làm chủ được mình mà “vi phạm” thì sẽ bị dân làng phạt những hình phạt rất nặng như có thể bị giết, cô lập ở rừng sâu. Còn nhẹ thì bị phạt cúng trâu, heo...Do đó, rất hiếm người vượt qua cái ngưỡng “rún” ấy…”- Già làng Coor Nhứt vui vẻ nói.

Các loại kèn, sáo, đàn trống, tạ... không thể thiếu được trong các lễ hội truyền thống, văn hoá của đồng bào dân tộc Cơ-tu. Theo già làng Coor Nhứt : Người biết chơi các loại nhạc cụ này và hát lý hiện nay rất hiếm, phải khơi dậy cho lớp trẻ thôn làng niềm tự hào và âm nhạc dân tộc Cơ-tu để chúng lưu giữ phát triển, tránh nguy cơ thất truyền. Ngoài chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ Cơ tu, Già Coor Nhứt trãi qua hơn 10 năm được dân trong thôn bầu làm già làng. Với cương vị ấy, Già đã sát cánh cùng các đoàn thể thể tuyên truyền, giáo dục, vận động dân làng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, bãi bỏ hủ tục về ma chay rườm rà, cưới xin tốn kém, phát động phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Vận động người dân hưởng ứng tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chính sách hậu phương quân đội không còn cảnh rượu chè bê tha, không trông chờ ỷ lại cấp trên.

Nhờ vào uy tín, gương mẫu của mình, già làng Coor Nhứt đã tham gia hoà giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong bà con dân tộc với nhau, giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ngoài sở thích chơi các loại nhạc cụ người Cơ tu ra, Già còn thích xem báo, xem ti vi, nghe đài. “Người Cờ tu, qua hai cuộc kháng chiến, dù gian khổ, hy sinh, mất mát rất nhiều, nhưng họ vẫn một lòng kiên trung đi theo Đảng, Bác Hồ, đi theo Cách mạng, rất đáng trân trọng và tự hào. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện, trình độ… có hạn nên hiểu biết về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật…của Đảng và Nhà nước mình còn hạn chế, nên mình phải tranh thủ đọc thêm báo, nghe thêm đài, tiếp thu thêm các kiến thức để nói lại cho bà con mình nghe. Người Cơ tu không có tục thờ cúng ông bà, nhưng mỗi nhà Gươl, mỗi nhà đều dành nơi trang trọng nhất để đặt bàn thờ Bác Hồ, có ảnh Bác, nồi hương, bát nước, hoa quả…để tỏ lòng tôn kính và nhớ công ơn trời biển của Bác Hồ đối với nhân dân Việt Nam, trong đó có người Cơ tu….”- Già làng Coor Nhứt tâm sự.

Với những thành tích nói trên, già làng Coor Nhứt nhận được giấy khen của UBND huyện Đông Giang tặng với nội dung:” Hộ gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc 5 năm liền 2001 – 2006.

Tiên Sa (CTV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất