Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 22/8/2008 14:22'(GMT+7)

Quảng Ninh đẩy mạnh phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá”

Cầu Bãi Cháy-Quảng Ninh (Ảnh minhhoạ)

Cầu Bãi Cháy-Quảng Ninh (Ảnh minhhoạ)

Từ khi thực hiện phong trào, bộ mặt nông thôn Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân được cải thiện và từng bước nâng cao. Nhiều làng văn hoá, khu phố văn hoá thực sự là hình ảnh sinh động của nông thôn mới, đô thị văn minh, nhất là sự nhận thức về vị trí, vai trò của việc xây dựng đời sống văn hoá gắn liền với việc phát triển kinh tế- xã hội. Từ trong phong trào này, ý thức của người dân đã được nâng cao rõ rệt, các gia đình đã chấp hành tốt các quy ước về xây dựng gia đình văn hoá, đời sống văn hoá. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo từ các chương trình vay vốn, đường giao thông được nâng cấp, bộ mặt nông thôn dần được khởi sắc.

Thực tế ở Quảng Ninh cho thấy, mỗi gia đình văn hoá là những tấm gương trong đời sống thường ngày của cộng đồng dân cư. Rất nhiều gia đình đã trở thành điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nuôi dạy con ngoan học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, sống có tình, có nghĩa với xóm giềng, trọng đạo lý nghĩa tình, trọng quan hệ họ hàng dòng tộc và có trách nhiệm trước xã hội. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Anh Đào, Khu 5, xã Đại Yên, thành phố Hạ Long là một điển hình về làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cháu ngày càng tiến bộ, tích cực tham gia công tác xã hội và hoạt động nhân đạo từ thiện; gia đình ông Lý Văn Bảo, thôn Thống Nhất, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên là một gia đình dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp (chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ chăm lo làm giàu cho bản thân, gia đình ông còn giúp đỡ bà con địa phương, cho vay vốn không lấy lãi hàng trăm triệu đồng để phát triển sản xuất. Gia đình bà Đinh Thị Diệp, Khu Vĩnh Trung thị trấn Mạo Khê, Đông Triều là một gia đình mẫu mực về việc thực hiện toàn diện các tiêu chí gia đình văn hoá, có ba thế hệ cùng chung sống nhưng đã phát huy tốt những giá trị tích cực của gia đình truyền thống, nuôi dạy con cháu thành đạt, giàu lòng nhân ái, đã nêu tấm gương sáng về tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết gắn bó với láng giềng, khu phố...

Cũng từ phong trào “xây dựng gia đình văn hoá” đã phát huy được sự tự chủ, sáng tạo của nhân dân trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí lao động, tổ chức sản xuất, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần mạnh mẽ vào việc mở mang ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với nhu cầu thị trường. Vì vậy, số hộ khá, hộ giàu ngày càng tăng, số hộ đói nghèo ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng giảm. Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, các gia đình văn hoá luôn quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình hoà thuận, hạnh phúc, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống. Nhiều gia đình là tấm gương sáng trong phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, là đầu tầu trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là những hạt nhân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và đi đầu trong thực hiện các hương ước, quy ước của làng, bản, khu phố.

Trong những năm gần đây các ngành, đoàn thể ở Quảng Ninh còn lồng ghép những nội dung, tiêu chuẩn gia đình văn hoá vào các phong trào thi đua của ngành, đoàn thể mình, như: Phong trào “Xây dựng gia đình nông dân văn hoá, Gia đình cựu chiến binh văn hoá, Gia đình thể thao”... Từ việc thực hiện tốt phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá” đã góp phần tích cực vào xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế -xã hội ở các địa phương, thúc đẩy phong trào xây dựng làng, thôn, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hoá phát triển mạnh.

Qua 5 năm thực hiện, đến nay số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, đạt tiêu chuẩn văn hoá ngày càng tăng, năm 2001, số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá là 84%, thì đến năm 2006, con số này đã tăng lên  93,6%; năm 2001, toàn tỉnh có 56,27% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, năm 2006, số gia đình này đã tăng lên 73,2%. Toàn tỉnh hiện có 1176/1508 thôn, làng, bản, khu phố đăng ký xây làng, khu phố văn hoá, đạt 78%, 613/1508 thôn, làng, bản khu phố được cấp bằng công nhận thôn, làng, bản, khu phố văn hoá, đạt 40,6%; 636/1508 thôn, làng, bản, khu phố đã xây dựng được nhà văn hoá, đạt 42%...

Từ thực tiễn đó, Quảng Ninh đã rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai phong trào mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo, đó là: 
   - Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền là nhân tố quan trọng, quyết định đến sự phát triển của phong trào “xây dựng gia đình văn hoá”. Vì vậy, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ và chính quyền. Tăng cường phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể. Phát huy tính tích cực chủ động và hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp.
    - Để phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá” phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, có chất lượng và có hiệu quả, cần quan tâm đẩy mạnh phong trào ở khu vực miền núi, biên giới hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Phát triển số lượng phải đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào.
     - Gắn liền phong trào “Xây dựng gia đình văn hoá” với phong trào “Xây dựng làng khu phố văn hoá, khu dân cư tiên tiến”, phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá”. Tiếp tục lồng ghép, bổ sung, đưa nội dung, chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hoá vào phong trào thi đua của các ngành, đoàn thể, như xây dựng gia đình nông dân văn hoá, gia đình cựu chiến binh văn hoá, gia đình sức khoẻ...
    - Tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước đi đôi với đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác xây dựng gia đình văn hoá. Tập trung xây dựng, quản lý và tổ chức tốt hoạt động của các thiết chế văn hoá thể thao ở cơ sở như nhà văn hoá thôn, khu, trung tâm văn hoá thể thao cấp xã, điểm vui chơi cho trẻ em...
    - Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào “xây dựng gia đình văn hoá” nói riêng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp nói chung, nhất là cán bộ văn hoá cơ sở.
     - Xây dựng các mô hình văn hoá tiêu biểu, xuất sắc ở các vùng, miền, các ngành nghề khác nhau. Luôn luôn cải tiến và có hình thức hoạt động thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị ở từng địa phuơng phù hợp với từng đối tượng.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào trong giai đoạn sắp tới, Quảng Ninh đề ra một số nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể:
  - Nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá lành mạnh từ trong mỗi gia đình. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước và của các gia đình văn hoá tại cộng đồng dân cư; 
   - Tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Quảng Ninh giai đoạn 2006- 2010. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng gia đình văn hoá với ba tiêu chuẩn: Gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua; hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng dân cư.
   - Tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh đạt năng xuất, chất lượng, hiệu qủa; gia đình có đời sống kinh tế ổn định và ngày càng phát triển; Gắn chặt phong trào “xây dựng gia đình văn hoá” với phong trào “xây dựng khu dân cư tiên tiến, làng văn hoá, khu phố văn hoá, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá”. Tiếp tục lồng ghép, bổ sung, đưa nội dung, tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá vào nội dung thi đua của các ngành, đoàn thể.
   - Đưa nội dung tiêu chuẩn gia đình văn hoá vào nội dung trong các hương ước, quy ước để nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện, đảm bảo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đi đôi với việc thực hiện nghiêm minh pháp luật của Nhà nước.
   - Tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở, nhất là các nhà văn hoá thôn-khu phố, các điểm vui chơi cho trẻ em. Vận động và tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi thành viên trong các gia đình được tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, đáp ứng các nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá của nhân dân.
  - Phấn đấu đến năm 2010: Có 95% số hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hoá; 80% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá; 80% số khu dân cư đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến; 60% thôn, bản, làng khu phố được cấp bằng công nhân danh hiệu làng, khu phố văn hoá;  70% thôn, làng, bản, khu phố có nhà văn hoá;  80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; 50% xã, phường, thị trấn có nhà văn hoá hoặc trung tâm văn hoá thể thao; 100% cán bộ văn hoá thông tin cấp xã, phường, thị trấn có trình độ trung cấp văn hoá nghệ thuật trở lên./.

 Ngô Văn Dương
 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất