Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 24/8/2008 21:50'(GMT+7)

10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về việc cưới, việc tang và lễ hội ở Quảng Trị

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong đêm lễ hội "Huyền thoại Trường Sơn" tháng 7-2004

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trong đêm lễ hội "Huyền thoại Trường Sơn" tháng 7-2004

Từ khi Chỉ thị 27- CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ra đời cho đến nay, các cấp uỷ từ tỉnh tới cơ sở, các ban, ngành của Quảng Trị đã chỉ đạo tổ chức quán triệt và tạo được sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các cấp chính quyền đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần đưa việc cưới, việc tang và lễ hội trong tỉnh dần đi vào nề nếp.

Xác định xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội là một trong những khâu then chốt để thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng " Làng văn hoá- Gia đình văn hoá", nay là phong trào " Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Chỉ thị, Quảng Trị xây dựng đề tài khoa học cấp tỉnh mang tên " Bảo tồn giá trị truyền thống trong cưới xin, đình đám, bài trừ hủ tục mê tính dị đoan. Định hướng mô hình trong cuộc vận động xây dựng Làng văn hoá- Gia đình văn hoá" và tổ chức cuộc điều tra xã hội học với 4.000 phiếu. Kết quả cho thấy đa số ủng hộ những điều hay, điều tốt, những phong tục truyền thống tốt đẹp; không đồng tình với những biểu hiện lai căng, thiếu văn hoá, phô trương hình thức, lãng phí...

Quán triệt tinh thần đó, đến nay việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở Quảng Trị đã trở thành một cuộc vận động lớn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và đã trở thành quy định chung mà mọi gia đình, mọi dòng tộc nghiêm túc điều chỉnh thực hiện.

- Về việc cưới: Trong 10 năm qua, điều kiện kinh tế- xã hội có bước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng lên, việc tổ chức lễ cưới ngày càng đàng hoàng, chu đáo và lớn hơn. Chỉ thị 27- CT/TW là cơ sở vững chắc định hình cho việc cưới trên địa phương những năm qua. Việc cưới hiện nay đã đơn giản hoá về thủ tục và tổ chức, quy mô vừa phải, tiết kiệm thời gian, nội dung gọn nhẹ, thường được diễn ra qua các bước như lễ hỏi, đăng ký kết hôn, liên hoan và trao giấy đăng ký kết hôn. Tiêu biểu như huyện Hải Lăng và thị xã Đông Hà đã xây dựng mô hình tổ chức việc cưới theo nếp sống mới vừa hạnh phúc, đầm ấm, vừa gìn giữ được những giá trị văn hoá truyền thống và có ý nghĩa đới với mọi người.

Đối với vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, PaCô đã không còn tình trạng thách cưới, bỏ của, nạn tảo hôn... Đôi nam nữ lập gia đình đã biết đến UBND để thực hiện Luật hôn nhân gia đình bằng việc đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh cho con cái. Điển hình như huyện Đakrông 14/14 xã không có tình trạng tảo hôn.

- Về việc tang: Chỉ thị 27- CT/TW được triển khai đã dần dần loại bỏ các nghi lễ phiền phức, mang tính hủ tục, mê tín dị đoan trong đám tang, ma chay. Nhiều địa phương đã xây dựng được quy định cụ thể như: Thành lập Ban Tổ chức lễ tang do Hội người cao tuổi đảm trách, việc phúng viếng, tiễn đưa và chôn cất... thời gian một đám tang không quá 48 giờ, những người chết mang bệnh truyền nhiễm thường tổ chức mai táng trong 24 giờ. Không tổ chức ăn uống tại chỗ, không tổ chức tiệc mời khách... các đội cổ nhạc phục vụ phải là những câu lạc bộ có đăng ký hoạt động. Việc phân biệt "chết lành" hay "chết dữ" và ăn uống dài ngày của đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi được loại bỏ hoàn toàn.

Nhiều hủ tục mê tín như chống gậy, đi giật lùi, đội mũ rơm, lăn đường dần được loại bỏ , lệ cúng 30 ngày, 50 ngày, 100 ngày... được tổ chức gọn nhẹ, không phô trương, rườm rà, tốn kém. Trong tang lễ, tinh thần tương thân, tương ái được đề cao, vài trò của các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là Ban điều hành các đơn vị văn hoá được thể hiện rõ. Có địa phương đã cải tiến hình thức tổ chức tang lễ dân gian theo nghi thức mới (lập đội tang lễ phục vụ) để đảm bảo tính đơn giản, gọn nhẹ, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, trở thành mô hình để các địa phương khác trong tỉnh học tập.

- Về lễ hội: Quảng Trị có không nhiều lễ hội dân gian truyền thống, mỗi lễ hội đều mang những ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước, của những cư dân đất Việt qua quá trình Nam tiến mở mang xây dựng bờ cõi nhưng vẫn luôn hướng vọng về quê cha đất tổ. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đối với các lễ hội dân gian truyền thống, Quảng Trị đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học văn hoá phi vật thể " Lễ hội chợ đình Bích La" nhằm tạo tiền đề để đưa lễ hội này ngày càng có tầm vóc cao hơn, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Ngoài ra, các lễ hội dân gian truyền thống diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh như: Hội cù, hội vật, hội thi sinh vật cảnh, hội chèo cạn, cầu ngư... ở vùng đồng bằng, đô thị; Hội đâm trâu, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội bốc mả, lể hội ariêuping, lễ hội arapượt... ở vùng núi được tổ chức có định hướng, mang lại niềm vui, khí thế cho quần chúng nhân dân trong cuộc sống.

Ngoài những lễ hội truyền thống trong phạm vi địa phương, những năm qua Quảng Trị đã tổ chức tri ân bằng việc hình thành ba lễ hội cách mạng, đó là: "Lễ hội thống nhất non sông"; "Lễ hội đêm Thành Cổ" "Lễ hội huyền thoại Trường Sơn". Tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực, tổ chức lễ hội Văn hoá- Du lịch mang tên " Lễ hội nhịp cầu xuyên Á". Đây là một lễ hội có quy mô lớn, có tầm khu vực, huy động được nhiều nguồn lực. Qua 2 lần tổ chức đã thành công rực rỡ, gây được tiếng vang và để lại ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè trong và ngoài nước.

Quảng Trị cũng là một tỉnh có nhiều tôn giáo cùng đồng hành tồn tại phát triển trong đời sống tâm linh. Bên cạnh phục vụ tín ngưỡng của tôn giáo đã hình thành nên nhiều hoạt động lễ hội như: Lễ Noel, Lễ kiệu La Vang, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Giổ tổ Tổ đình sắc tứ tịnh quang tự của đồng bào Phật giáo, cùng nhiều lễ hội tôn giáo khác diễn ra thường xuyên trong năm. Tất cả các hoạt động này trước khi diễn ra đều có sự chỉ đạo hướng dẫn của các cơ quan liên quan. Nhìn chung, các lễ hội tôn giáo đều thực hiện theo đúng nếp sống văn minh theo đúng tinh thần Chỉ thị 27- CT/TW và Pháp lệnh tôn giáo.

Từ năm 2000 việc thực hiện Chỉ thị 27- CT/TW của Bộ Chính trị được triển khai sâu rộng hơn kết hợp lồng ghép với việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá". Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 1.703 làng, bản, khu phố, cơ quan và 111.355 gia đình đăng ký cam kết và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đã có 3 huyện phát động xây dựng huyện điển hình văn hoá là Hải Lăng, Vĩnh Linh và Thị xã Quảng Trị. Đặc biệt, năm 2007 tỉnh Quảng Trị đã tổ chức hội nghị biểu dương, khen ngợi những gia đình gương mẫu thực hiện tốt các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hoá, trong đó có việc cưới, việc tang và lễ hội.

Tuy nhiên, thời gian qua việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc đang đặt ra là: Do điều kiện nhận thức còn hạn chế của một bộ phận dân cư vùng núi nên vẫn còn những hủ tục lạc hậu hoặc chưa có nhiều tiến bộ. Mặt khác sự chuyển biến nhận thức trong nhân dân còn chậm, một số cán bộ công-CNVC thiếu gương mẫu nên có sự lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Nhiều đám cưới đã tổ chức quá lớn và chi phí tốn kém, đám tang nhiều nơi còn để quá 48 tiếng, tệ "ăn no to đám" vẫn còn diễn ra ở một số nơi trong tỉnh; các quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội hiện vẫn còn chung chung, nhiều nội dung rất khó thực hiện, nhất là việc kiểm tra giám sát, đội ngũ cán bộ-CNVC chấp hành chưa nghiêm túc bằng quần chúng nhân dân lao động ở nông thôn và miền núi...

Vì vậy để khắc phục những tồn tại, vướng mắc nêu trên nhằm thực hiện một cách có hiệu quả Chỉ thị 27-CT/TW, Quảng Trị cần phải tiến hành đồng bộ và sâu rộng cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá. Đây chính là một trong những biện pháp nhằm thực hiện chiến lược về con người của Đảng ta. Phải tiến hành đồng thời việc phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến với việc phê phán những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội. Vận động nhân dân thực hiện những quy ước, cách thức tổ chức việc cưới, tang mới sao cho chu đáo, tiết kiệm, không rườm rà và gây phiền hà; ban hành những văn bản quy định cụ thể hơn nữa trong việc tổ chức lễ hội và biến những ý tưởng tốt đẹp thành phong tục tập quán trong đời sống hàng ngày. Và cũng đến lúc các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu bổ sung các chế tài xử lý nghiêm những trường hợp cố ý vi phạm các quy định của Chỉ thị.

Có thể thấy, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, Quảng Trị đã có những tiến bộ nhất định trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều đó thể hiện qua chất lượng và số lượng công nhận danh hiệu đơn vị văn hoá và gia đình văn hoá. Nhiều hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội hầu như được hạn chế và xoá bỏ. Các mô hình mới được hình thành và dần thu hút được đại đa số các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi./.

 Hồ Văn Chính
 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất