Theo các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, cách đây hơn 2.000 năm, trước khi có sự xâm nhập của văn hóa Hán, người Việt đã sinh tồn trên nền tảng một cơ tầng văn hóa Nam Á được xây dựng từ trước. Sau hàng nghìn năm, người Việt đã giải quyết một cách xuất sắc bài toán tưởng như khó có lời giải là vừa bảo lưu, phát triển nền văn hóa của mình, vừa tiếp nhận và biến đổi một số giá trị có nguồn gốc từ văn hóa nước ngoài. Từ việc giải quyết hài hòa mối liên hệ giữa văn hóa nội sinh với văn hóa ngoại sinh, người Việt đã tìm thấy động lực quan trọng cho sự phát triển của văn hóa dân tộc.
Ðộng thái văn hóa này còn diễn ra cả sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Sau hàng trăm năm bị thống trị, người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình, đồng thời tiếp nhận một số thành tựu của văn hóa phương Tây, trực tiếp là văn hóa Pháp.
Trên phạm vi thế giới, tình huống văn hóa này là rất phổ biến khi các dân tộc (dưới hình thức tự giác, tự phát hoặc bị cưỡng bức) đã cố gắng làm giàu văn hóa bản địa qua tiếp xúc và giao lưu với văn hóa thế giới. Vì thế có thể nói, tiếp nhận - biến đổi văn hóa đã trở thành một công cụ rất hiệu năng của các dân tộc trong giao lưu để phát triển.
Ở thời đại trình độ nhận thức đã có bước phát triển cao, tiếp nhận - biến đổi văn hóa cũng không còn ở trong tình trạng tự phát mà đã trở thành hành vi tự ý thức của con người, trở thành xu thế tất yếu đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa của mọi dân tộc. Do vậy, việc xử lý các vấn đề liên quan tiếp nhận - biến đổi văn hóa cũng cần phải được quy chiếu từ nhãn quan của hành vi tự ý thức, phải trở thành bộ phận của một hoạch định văn hóa có ý nghĩa chiến lược và lâu dài.
Ngày nay trong bối cảnh mới của lịch sử, ở Việt Nam, một cuộc giao lưu văn hóa mới đang diễn ra mạnh mẽ, đồng thời cũng đặt ra một số vấn đề mà nếu tiếp nhận - biến đổi văn hóa không được chú ý đúng mức, thì hoàn toàn có thể đưa lại các tác động tiêu cực. Bởi, hoặc là chúng ta sẽ tiếp nhận theo lối cưỡng bức một số giá trị văn hóa không phù hợp, hoặc là chúng ta sẽ tẩy chay một số giá trị văn hóa khi mới chỉ tiếp xúc hình thức tồn tại của chúng chứ chưa tìm hiểu nội dung của chúng là gì.
|
Những phiên chợ vùng cao là một nét văn hoá độc đáo mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam (Ảnh minh hoạ) |
Ngay lúc này, khái niệm tiếp nhận - biến đổi văn hóa chưa phải là một khái niệm được tìm hiểu tường tận, thậm chí trong một số người nghiên cứu văn hóa. Như cách đây không lâu, một nhà nghiên cứu văn hóa còn viết trên một tờ báo rằng người Việt Nam "tiếp biến" văn hóa với thế giới qua việc đưa chèo, tuồng, rối nước ra biểu diễn ở nước ngoài, trong khi về thực chất, các hoạt động này chỉ là giao lưu, giới thiệu văn hóa chứ không phải là tiếp nhận - biến đổi văn hóa! Tiếp nhận - biến đổi văn hóa, dưới bất kỳ dạng thức và nội dung nào cũng cần có thời gian, nghĩa là một giá trị văn hóa ngoại nhập chỉ có thể cộng sinh rồi trở thành tài sản văn hóa của một dân tộc sau khi đã trải qua một thời gian thích nghi (thậm chí cải biến) để được công chúng trong xã hội tiếp nhận.
Ở thế kỷ 20, không phải ngay thời kỳ đầu, trang phục comple và ca-vát đã được người Việt tiếp nhận là trang phục của nam giới. Ngoài các ông "tây", ngoài một số trí thức và công chức, comple vẫn là xa lạ với số đông. Một thời gian dài, comple và ca-vát phải chung sống cùng khăn xếp, áo the, nên một người vừa mặc quần ta lại vừa mặc vét-tông cũng không là lạ mắt, đến đầu những năm 60 của thế kỷ trước, một hình ảnh như vậy vẫn có thể bắt gặp ngay tại Bờ Hồ (Hà Nội).
Thời gian giao thời diễn ra trong gần một thế kỷ, để rồi một ngày khăn xếp, áo the trở nên vắng bóng và "bộ đồ Tây" lên ngôi. Tương tự, đối với kiến trúc, người Việt đã đi từ ngôi nhà tre gỗ với ngói âm-dương, với vì kèo, câu đầu, rui mè để đến với ngôi nhà xi-măng cốt thép, đổ mái bằng và hơn nữa, là biệt thự "kiểu tây", rồi nhà vài ba chục tầng.
Với văn hóa ẩm thực cũng vậy, phải sau một thời gian, xà-lách, súp-lơ, khoai tây... mới trở thành một thành phần trong bữa ăn của người Việt Nam và để đi từ sang trọng đến bình dân, bánh mì (một thời được gọi là bánh tây) cũng phải trải qua nhiều năm tháng, dù trường hợp này còn liên quan việc cung cấp nguyên liệu ngày càng nhiều hơn và rẻ hơn.
Nhìn rộng sang các lĩnh vực khác như văn học, âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật tạo hình, múa... chẳng hạn, các loại hình nghệ thuật này đã đi từ truyền thống tới hiện đại, nói cách khác thì sau một thời gian học hỏi và tiếp nhận, yếu tố phương Ðông đã phối kết với yếu tố phương Tây để làm nên diện mạo mới cho nghệ thuật Việt Nam. Như khi nói tới sự tiếp nhận - biến đổi trong văn chương, không thể không nhắc tới sự ra đời của thơ mới, của truyện ngắn, tiểu thuyết viết theo lối mới.
Trên lĩnh vực sân khấu, từ kịch hát với tuồng, chèo, cải lương đi tới kịch nói và sáng tác sân khấu ở mấy thập kỷ đầu thế kỷ 20 của Vũ Ðình Long, Nam Xương... đã đặt nền móng cho sự ra đời của sân khấu Việt Nam. Rồi từ tranh Ðông Hồ, tranh Hàng Trống tới sơn dầu, tranh khắc kim loại... với bút pháp từ tả thực tới ấn tượng, lập thể... là một quãng đường mà nhiều thế hệ họa sĩ người Việt đã chung sức để làm nên nền mỹ thuật hôm nay.
Tuy nhiên do các biến thiên phức tạp của lịch sử, trong hơn một thế kỷ giao lưu và tiếp xúc với văn hóa phương Tây, văn hóa Việt Nam đã không chỉ có quan hệ với văn hóa Pháp mà trong thực tế còn giao lưu, tiếp xúc với một số nền văn hóa lớn khác... Vì thế trong văn hóa của người Việt Nam hôm nay, còn có sự hiện diện của một số giá trị thuộc về các nền văn hóa này.
|
Chương trình giao lưu văn hoá Việt -Nhật (Ảnh minh hoạ) |
So với trước đây, cuộc giao lưu hiện nay diễn ra mạnh mẽ hơn, tần suất xuất hiện của các giá trị (cả tích cực lẫn tiêu cực) cũng cao hơn, các phương tiện để truyền tải văn hóa cũng đa dạng, phong phú hơn. Và phải nói rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới hết sức phức tạp mà bất cứ sự tiếp xúc nào cũng đều có thể đưa tới khả năng truyền bá văn hóa. Ðó là một thế giới chằng chịt các quan hệ hay và dở. Ðó là một thế giới chằng chịt các giá trị và "phản giá trị". Ðó là một thế giới chất ngất và ngồn ngộn đủ loại hàng hóa tiêu dùng từ cao cấp đến thứ cấp luôn bủa vây, cám dỗ con người. Ðó là một thế giới luôn náo động, ẩn chứa đầy cạm bẫy, sẵn sàng "chụp" lấy con người, biến họ trở thành cá thể thụ động. Ðó là một thế giới mà các thành tựu văn minh đã đưa tới sự liên tục xuất hiện các mẫu mã hàng hóa và vật dụng ngày càng hiện đại hơn từ máy vi tính, ô-tô, máy bay tới nhà cửa, đồ gia dụng... Ðó là một thế giới mà sự liên thông thông tin đã thu hẹp đến mức chỉ cần có internet và biết "nhấn chuột" thì ở bất cứ nơi nào người ta có thể tiếp xúc với vô vàn thông tin, kể cả thông tin cập nhật nhất. Ðó là một thế giới mà mỗi hành vi hay - dở của con người đều có thể hiện diện trước mắt đồng loại, nghĩa là con người luôn ở trong tình thế phải đối diện với chính mình trong tương quan với mọi góc nhìn của xã hội...
Tóm lại, đó là một thế giới đã và đang đặt con người trước vô số lựa chọn, có thể giúp họ ngày càng hoàn thiện hoặc có thể đẩy họ trượt dài trong sự tha hóa. Bên cạnh đó, tiết tấu nhanh mạnh, dứt khoát của nhịp sống xã hội cũng là yếu tố không kém quan trọng và tác động trực tiếp tới sự thâu nạp văn hóa của con người.
Do vậy, bối cảnh xã hội - văn hóa phức tạp đã đẩy tới một nghịch lý mà khi bàn tới tiếp nhận - biến đổi văn hóa không thể không bỏ qua là: một mặt nó tạo điều kiện cho tiếp xúc văn hóa tăng lên, một mặt nó lại hạn chế khả năng tiếp nhận - biến đổi văn hóa từ mỗi cá nhân tới mỗi cộng đồng, bởi khi thời gian đã trở thành một thứ tài sản hết sức quý giá thì người ta có xu hướng tiết kiệm nó ở mức tối thiểu. Và để tiết kiệm thời gian, con người lại nảy sinh đòi hỏi về tính tiện dụng trong sự thực hành, thông qua hai kiểu lựa chọn: hoặc nhanh chóng chấp nhận hoặc nhanh chóng loại bỏ và không có gì khác, biểu hiện cực đoan của tính tiện dụng chính là một trong các nguyên nhân đẩy tới xu hướng thực dụng.
Tất cả những điều đó cho thấy ngày nay quỹ thời gian dành cho tiếp nhận - biến đổi văn hóa không còn như các thời kỳ như trước, tức là xã hội - con người không có nhiều thời gian để lựa chọn. Nên chỉ trong một thời gian ngắn, một số nội dung văn hóa có nguồn gốc bên ngoài đã tìm được chỗ đứng trong sinh hoạt xã hội, như lễ Valentin, chẳng hạn. Chỉ sau vòng vài năm, ngày lễ này tỏ ra hấp dẫn nhiều người, nhất là giới trẻ. Và khi những người Việt Nam cho nhau bông hoa hồng và thanh sô-cô-la, hẳn là không ai đặt ra câu hỏi rằng tại sao lại sử dụng hai tặng phẩm này mà không phải là tặng phẩm khác.
Tương tự như thế, trên bàn thờ tổ tiên của người Việt xưa kia vốn chỉ có chai "quốc lủi" nút lá chuối khô và rượu Tây chưa bao giờ có chỗ đứng bên bát hương các cụ. Vậy rồi, gạt sang một bên quan niệm về sự sang trọng, đến nay sự có mặt của rượu ngoại trên bàn thờ tổ tiên và thịt hun khói, ngô ngọt xào, xúc-xích đã trở thành điều bình thường, giống như trước đây xà-lách, súp-lơ, khoai tây, su-hào từ phương Tây đã từng bước xâm nhập vào bữa cơm của người Việt. Thậm chí một phong tục cổ truyền như chúc Tết, vốn là thủ tục có liên quan đạo nghĩa và yêu cầu trực tiếp, thì hôm nay cũng tìm thấy sự giản tiện khi mọi người có thể gửi lời chúc Tết qua email, qua YM, qua điện thoại... và hầu như ít người coi đó là sự "thất lễ". Vậy nhưng cần phải nói rằng, thời gian qua đã có những tiếp nhận không bình thường trong giao lưu văn hóa.
Ðó là khi các kiểu lối nói năng, ăn mặc lố lăng, không phù hợp với mỹ tục truyền thống đã du nhập và còn trở thành mode trong nhiều người trẻ. Ðó là khi các thứ "rác rưởi" đã bị chính người phương Tây phê phán rồi thải loại như thơ ca tục tĩu, văn chương sex, phim ảnh đồi trụy... lại được một số người tiếp nhận, truyền bá. Chưa kể tới sự xuất hiện theo lối tự phát của một số lề thói xấu như chạy theo hưởng thụ thô thiển, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, đua đòi và phóng chiếu cái tôi ích kỷ ra trước cộng đồng để rồi triệt tiêu luôn khả năng tự vấn về các chuẩn mực đạo lý. Sự sa sút của đạo đức xã hội, trong chừng mực nhất định, ngoài căn nguyên từ năng lực điều chỉnh, còn có căn nguyên từ việc tiếp nhận các "phản giá trị" từ bên ngoài một cách vô trách nhiệm.
Và phải chăng ở đây còn do thiếu vắng một dự báo có tính chủ động của các cơ quan văn hóa? Nói cách khác, chúng ta chưa lường trước được tốc độ xâm nhập và khả năng lan tỏa, chưa lường hết được sự hấp dẫn và khả năng cuốn hút của các "phản giá trị" trong quá trình hội nhập kinh tế - văn hóa với thế giới. Ðặc biệt, chúng ta chưa xây dựng được các chỉ báo văn hóa như là kết quả của sự khảo sát, đánh giá các nội dung văn hóa ngoại nhập trong sự biến đổi đến chóng mặt của chúng thông qua hệ thống phương tiện chuyển tải luôn kịp thời và cập nhật như in-tơ-nét hay máy thu hình. Tình trạng đó đã ảnh hưởng tính chủ động, sự linh hoạt trong ứng xử văn hóa.
Với nhãn quan khoa học và xét từ xu hướng vận động phát triển của văn hóa, cần khẳng định rằng, trước đây và cho tới ngày nay, dân tộc nào "bế quan tỏa cảng", đứng ngoài các quan hệ với văn hóa nhân loại là dân tộc đó tự đẩy văn hóa của dân tộc mình tới sự trì trệ.
Trước các yếu tố mới nảy sinh trong chuyển dịch của văn hóa - văn minh nhân loại và trước một số xu hướng tinh thần mới lạ, quá trình mở cửa giao lưu và đặt văn hóa dân tộc vào quá trình tiếp nhận - biến đổi văn hóa như là biểu thị cho khát vọng lành mạnh về sự hoàn thiện, chúng ta cần tới bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo.
Ðể văn hóa thật sự trở thành "động lực tinh thần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội" chúng ta phải làm rất nhiều việc cho văn hóa, trong đó nổi lên là giải quyết thấu đáo, có hiệu quả đối với vấn đề tiếp nhận - biến đổi trong giao lưu văn hóa với nhân loại. Trong bối cảnh văn hóa đã và đang là mục tiêu của "xâm lăng văn hóa" thì ngoài sự cảnh giác, chúng ta cần chấn hưng chính mình để tạo dựng một nội lực văn hóa đủ sức đương đầu thắng lợi trước âm mưu sử dụng văn hóa - văn minh làm công cụ làm chệch hướng xã hội.
Như vậy, nếu các cơ quan tổ chức, lãnh đạo văn hóa có vai trò quan trọng về mặt xã hội, thì mỗi con người cũng giữ vai trò không kém, bởi con người chính là chủ nhân của văn hóa, là chủ thể của mọi sáng tạo văn hóa và do đó, xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ xây dựng con người văn hóa./.
(Nguồn: Báo Nhân Dân)