Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 26/8/2008 15:27'(GMT+7)

Bảo tồn văn hóa phi vật thể

Hát Then - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày

Hát Then - nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày

Ra đời từ quá khứ, vận hành cùng lịch sử cho đến ngày nay, dù ở giai đoạn nào, văn hoá phi vật thể cũng luôn đồng hành và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng, dân tộc. Do đó, muốn phát huy ý nghĩa tích cực của văn hóa phi vật thể trong xã hội hiện đại thì trước hết, cần quan tâm việc bảo tồn nó như thế nào.

Ðặc trưng dễ nhận biết của văn hóa phi vật thể là nó không tồn tại dưới dạng vật chất, vật thể cụ thể (không kể một số hình thức đã được văn bản hóa) mà tiềm ẩn trong trí nhớ, tâm thức của con người và chỉ bộc lộ thông qua hành vi và hoạt động của con người. Nói cách khác, nếu văn hóa vật thể được khách thể hóa, tức tồn tại như một thực thể ngoài bản thân con người, thì văn hóa phi vật thể lại tiềm ẩn trong bản thân con người và thông qua diễn xướng, các hiện tượng vốn tiềm ẩn ấy mới có thể bộc lộ, thể hiện ra như một hiện tượng văn hóa.

Văn hóa nói chung, nhất là văn hóa phi vật thể, đều là của cộng đồng (gia tộc, làng xã, địa phương, tộc người), nhưng tiềm ẩn trong trí nhớ và tâm thức của từng con người cụ thể, qua sự tiếp nhận và thể hiện của từng con người, cho nên nó mang dấu ấn cá nhân và vai trò sáng tạo của cá nhân rất rõ rệt. Bởi thế sự sáng tạo, bảo tồn và trao truyền của văn hóa phi vật thể lại phụ thuộc vào cuộc đời của từng cá nhân. Vì vậy, nó vừa mang tính bền chắc (tiềm ẩn trong tâm thức dân tộc) lại vừa mỏng manh dễ bị biến dạng(phụ thuộc cuộc sống của một cá nhân với bao may rủi, bất ngờ).

Cũng chính vì đặc trưng nêu trên, văn hóa phi vật thể không chỉ phụ thuộc từng cá nhân, mà còn phụ thuộc các nhóm xã hội khác nhau (nông thôn, đô thị, già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân),... Tính cá nhân và tính nhóm xã hội đã khiến cho văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng hơn nhiều, nói cách khác tính dị bản của nó cao hơn so với văn hóa vật thể.

Từ những đặc tính trên ta thấy vai trò to lớn của giáo dục gia đình và cộng đồng đối với việc trao truyền và tiếp nhận của mỗi cá nhân đối với các di sản văn hóa phi vật thể, mà nhiều nhà nghiên cứu đã ví nó như là một hình thức của "gien di truyền xã hội".

Sự phân biệt văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể là một sự giả định chủ quan của con người, giúp con người có thể nhận thức bản chất thực tại khách quan. Văn hóa với tư cách là khách thể, tồn tại và phát triển trên cơ sở kết hợp hữu cơ giữa mặt vật thể và mặt phi vật thể. Mặt này là tiền đề tồn tại của mặt kia và ngược lại. Do vậy, trong tư duy cũng như trong hoạt động thực tiễn, tránh sự cô lập, đối lập một cách tuyệt đối giữa mặt vật thể và phi vật thể của một hiện tượng văn hóa.

Văn hóa truyền thống nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng của các tộc người ở nước ta, nhất là với các dân tộc thiểu số ở vùng núi còn chưa được chú ý sưu tầm, nghiên cứu. Hơn thế nữa, các hiện tượng văn hóa phi vật thể này lại đang đứng trước nguy cơ mai một, mất đi vĩnh viễn bởi thử thách của thời gian, bởi sự phá hoại vô ý thức của chính  con người.

Công tác sưu tầm một số hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu ở Tây Nguyên gần đây như về sử thi và luật tục cho thấy, đối với các hiện tượng ngữ văn truyền miệng này, nếu không nhanh chóng điều tra, sưu tầm thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Những người còn nhớ được hàng chục bộ sử thi đồ sộ dài hàng vạn câu, hiện nay số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay và đều ở độ tuổi khoảng 70.

Như đã phân tích, văn hóa phi vật thể vừa mang tính bền chắc lại vừa mang tính mỏng manh, dễ bị thương tổn. Những đặc tính này gợi cho chúng ta những cách thức hữu hiệu trong việc sưu tầm và bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể này. Những năm vừa qua, ngành văn hóa đã có cố gắng lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu các hiện tượng văn hóa phi vật thể như ngữ văn dân gian, diễn xướng dân gian, ứng xử và quan hệ xã hội, tri thức dân gian...

Tuy nhiên, việc sưu tầm, nghiên cứu còn chưa tuân thủ các phương pháp khoa học nghiêm túc và chặt chẽ, do vậy chất lượng công tác sưu tầm và nghiên cứu chưa cao.

Thí dụ, việc sưu tầm, nghiên cứu các hiện tượng văn hóa phi vật thể chưa tuân thủ nguyên tắc diễn xướng một trong những môi trường cần thiết để các hiện tượng văn hóa phi vật thể từ chỗ tiềm ẩn trong tiềm thức, tâm thức con người bộc lộ ra như là một thực thể. Hay việc sưu tầm ca dao, dân ca, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ của các dân tộc thiểu số vẫn chưa tuân thủ nguyên tắc song ngữ, tức là được thể hiện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của chủ thể sáng tạo ra các hiện tượng văn hóa đó và ngôn ngữ phổ thông.

Ngày nay, việc bảo tồn các hiện tượng văn hóa cổ truyền, trong đó có văn hóa phi vật thể, cần được quan tâm nhiều hơn nữa trước nguy cơ bị mất đi nhanh chóng trong sự biến đổi xã hội theo hướng CNH, HÐH. Có nhiều cách bảo tồn, nhưng chung quy có hai hướng chủ yếu:

Bảo tồn trong dạng "tĩnh": Tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập các dạng thức văn hóa phi vật thể như nó hiện có theo quy trình khoa học nghiêm túc, chặt chẽ, "giữ" chúng trong sách vở, các ghi chép, mô tả trong các băng hình (vi-đê-ô), băng tiếng (audio), ảnh...

Tất cả các hiện tượng văn hóa phi vật thể này có thể lưu giữ trong các kho lưu trữ, các viện bảo tàng, các viện nghiên cứu ở trung ương và địa phương. Ðó là "phiên bản" giúp chúng ta sau này căn cứ vào đó có thể nghiên cứu, phục hồi các hiện tượng đã bị mai một. Thí dụ, những thập kỷ vừa qua Trung Quốc tiến hành sưu tầm tất cả các hiện tượng ca, múa, nhạc theo quy trình tỉ mỉ, nghiêm túc, rồi xuất bản thành sách.

Sau này, trải qua hàng trăm năm, nếu có hiện tượng ca, múa, nhạc của dân tộc nào đó bị mất, thì căn cứ vào sách vở đã ghi chép có thể phục hồi một cách dễ dàng.

Bảo tồn "động": Là bảo tồn các hiện tượng văn hóa phi vật thể đó ngay  trong đời sống cộng đồng. Cộng đồng chính là môi trường không chỉ sản sinh ra các hiện tượng văn hóa phi vật thể, mà còn là nơi tốt nhất bảo tồn, làm giàu và phát huy nó trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, hiện tại có một nghịch lý là nhiều hiện tượng văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể vốn là của nhân dân sáng tạo ra, nay lại "xa lạ" với chính họ, thậm chí chỉ tìm thấy trên sách vở của các nhà nghiên cứu. Do vậy, để bảo tồn chúng trong đời sống, chúng ta phải đưa nó trở lại với nhân dân, "xã hội hóa" nó. Hãy lấy thí dụ về việc phục hồi các lễ hội truyền thống hiện nay.

Sau một thời gian dài, các di tích, đền, đình, chùa  nay được tu bổ, các lễ hội được mở lại sau mấy thập kỷ vắng bóng. Do vậy, từ cách bày đặt cúng lễ trong di tích, đến các nghi lễ, sinh hoạt trong lễ hội đã bị quên lãng. Từ đó dẫn đến một số hiện tượng sinh hoạt nghi lễ trong lễ hội được phục hồi một cách méo mó, sai lạc. Nhiều nơi đã phải căn cứ vào việc sưu tầm, nghiên cứu của các nhà khoa học trước đây để giúp cho việc phục hồi lễ hội đúng quy cách đã định hình như trước kia.

Hiện tượng phục hồi các loại hình dân ca cổ truyền cũng đang được thực hiện theo hướng phổ cập trở lại cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Như cùng với dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên, đã tiến hành thử nghiệm mở các lớp truyền dạy hát, kể sử thi, để thế hệ nghệ nhân cao tuổi truyền lại việc diễn xướng sử thi cho thế hệ trẻ.

Như trên đã nói, văn hóa phi vật thể là văn hóa tiềm ẩn trong tâm thức và trí nhớ của một số người, mà lâu nay chúng ta vẫn tôn vinh họ là những nghệ nhân hay là những "báu vật sống". Do vậy, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể còn đồng nghĩa với việc "bảo tồn" các "báu vật sống" đó.

Ðó chính là việc Nhà nước, cộng đồng thừa nhận những tài năng dân gian, tôn vinh họ trong cộng đồng, tạo những điều kiện tốt nhất trong hoàn cảnh có thể, để họ sống lâu, sống khỏe mạnh, phát huy khả năng của mình trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ CNH, HÐH ngày nay./.
 (Nguồn: Báo Nhân Dân)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất