Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 6/11/2012 15:11'(GMT+7)

Bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nước nhà

Một cảnh trên sân khấu Cải lương.(ảnh minh họa)

Một cảnh trên sân khấu Cải lương.(ảnh minh họa)

Tôi được mời tới dự hội thảo "Âm nhạc dân tộc với cuộc sống con người hôm nay". Tôi thấy vấn đề đặt ra rất đúng lúc, đúng thời điểm đất nước đang mở cửa, hội nhập, cùng lúc có cả luồng gió mát và cả luồng gió độc thổi vào đất nước ta tạo thành cuộc đối đầu: một bên ra sức bảo vệ nền văn hóa truyền thống, lành mạnh của dân tộc, và một bên là sự len lỏi, pha trộn, thậm chí có lúc văn hóa xấu độc ngoại lai lấn lướt và đã gây nên hậu quả không phải nhỏ. Hiện tượng này ở nước phương Ðông nào cũng có, nhưng có lẽ ở Việt Nam ta càng bộc lộ rõ nét hơn, tức là sự xâm nhập của văn nghệ nước ngoài ngày càng mạnh, càng sâu hơn.  Ðiều đó rất dễ thấy trên các sân khấu biểu diễn, trên màn ảnh nhỏ và trong sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nhất là tuổi trẻ. Các loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc như: tuồng, chèo, cải lương, dân ca không còn diễn thường xuyên và không có được người xem đông như trước đây. Mặc dù ai cũng nói nghệ thuật truyền thống là cái hồn của dân tộc, nhưng ai giữ cái hồn cốt ấy? Theo tôi không phải chỉ có nghệ nhân, nghệ sĩ mà phải toàn Ðảng, toàn dân cùng vào cuộc.

Nghệ thuật dân tộc của chúng ta như tuồng, chèo, cải lương và các loại hình dân ca đã có tuổi đời hàng mấy trăm năm, thậm chí cả ngàn năm... Ðó là sản phẩm văn hóa của nhân dân ta sáng tạo ra và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được của đại đa số nhân dân lao động. Ðó cũng chính là nhân tố tạo nên cái chất, góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc bền vững, cùng với các nhân tố kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội. Ví dụ như ca Huế, hò Huế, ở Thanh Hóa quê tôi có hát tuồng từ thời Ðào Duy Từ cho đến hôm nay vẫn là môn nghệ thuật yêu thích nhất của người dân xứ Thanh. Ngoài ra, Thanh Hóa còn có hát chèo, có múa hát Xuân Phả, có hò sông Mã và nhiều làn điệu dân ca đặc sắc khác mà từ nhỏ tôi đã biết, đã xem và rất thích, thậm chí trong những năm tháng ở chiến trường chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, tôi và các chiến sĩ cùng chiến hào đã coi hát tuồng, chèo, cải lương và dân ca thông qua Ðài Tiếng nói Việt Nam hoặc qua sân khấu dã chiến là nguồn động viên, cổ vũ lớn. Có thể nói sống ở chiến trường không thể thiếu được văn nghệ, nhất là văn nghệ dân tộc, vì vậy mà đã có câu "tiếng hát át tiếng bom". Chiếc ra-đi-ô nhỏ đeo bên mình cũng là để sau những đợt bom ác liệt được nghe những khúc hát dân ca mượt mà, sâu lắng, hoặc chèo, tuồng, cải lương, bài chòi... Tiếng hát ấy làm cho đời sống tinh thần người chiến sĩ càng thêm phong phú hơn, nắm chắc tay súng mà chiến đấu cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Tôi đã đến thăm những người lính ở Trường Sa và tôi cũng đã đi thăm nhiều đơn vị bộ đội cho nên thấy được rằng, đời sống vật chất của người lính hôm nay đã tốt lên nhiều, nhưng đời sống tinh thần thì hãy còn nghèo, đơn điệu hơn thời kháng chiến, bởi nguồn giải trí chủ yếu bây giờ là ở màn ảnh nhỏ, còn ca hát dân ca, biểu diễn tuồng, chèo, cải lương thì quá ít, trong khi tuổi trẻ trong quân đội cũng phải là lực lượng bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, bởi còn nền văn hóa là còn tất cả mà mất nền văn hóa là mất nước, trong bối cảnh các thế lực thù địch muốn làm cho thế hệ trẻ chúng ta lãng quên quá khứ, lãng quên lịch sử, lãng quên bản sắc văn hóa dân tộc. Ðiều đó chúng ta có thể thấy nghệ thuật dân tộc ngày càng thưa vắng khán giả, trong khi đó thì nghệ thuật hiện đại lại chiếm lĩnh trận địa và lên ngôi. Ví dụ rạp Hồng Hà ở gần nhà tôi chuyên diễn tuồng, ngày xưa khán giả rất đông nhưng bây giờ người xem lại thưa thớt, thậm chí mời xem miễn phí cũng không đi, trong khi mới đây lại có hàng nghìn người sắp hàng mua mỗi đôi vé có giá lên đến hàng triệu đồng để xem chương trình của Bằng Kiều (ca sĩ Việt kiều Mỹ) tại sân khấu Mỹ Ðình, Hà Nội. Ta nghĩ gì về hiện tượng này?

Vì vậy tôi đến thăm, gặp các đồng chí là để chia sẻ cùng các nghệ sĩ đàn hát dân ca, đàn hát tuồng, chèo, cải lương, bài chòi... Những người rất yêu nghề và hết lòng học tập, phát huy vốn nghệ thuật quý giá của cha ông, nhưng cuộc sống thật quá chật vật. Tiêu biểu như nghệ sĩ trẻ Mai Tuyết Hoa đã mất 17 năm học âm nhạc dân tộc nay lại lĩnh trách nhiệm Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc để tập hợp lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc dân tộc cùng bảo tồn và phát huy và quảng bá vốn âm nhạc quý báu của cha ông.

Tôi nhiệt liệt chúc mừng các nghệ sĩ, các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu tài năng và tâm huyết với nền văn nghệ dân tộc nói chung và âm nhạc dân tộc nói riêng cùng thực hiện tốt sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) đã nêu.

Theo NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất