Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 4/11/2012 10:32'(GMT+7)

Hai mặt của một bức tranh

 

Luồng gió mới

Ðược xếp chung vào khái niệm THTT có nhiều dạng chương trình: từ khai thác đời sống con người trong những môi trường sống đặc biệt tới những cuộc thi kiếm tìm tài năng trong một lĩnh vực cụ thể; từ trò chơi truyền hình thực tế (gameshow) tới những cuộc đối thoại trực diện (talkshow); từ chiếc máy quay được giấu kín tới những trò chơi khăm, đánh lừa...  

Như vậy, có thể thấy sự bùng nổ các gameshow, sự gia tăng theo cấp số cộng những talkshow đình đám trong mọi lĩnh vực, sự phát triển của các chương trình tìm kiếm tài năng nghệ thuật (ca hát, nhảy múa, trình diễn thời trang)... trên kênh sóng của hàng loạt đài truyền hình trung ương lẫn địa phương đều nằm đúng trên một lộ trình: thâm nhập - làm quen - phát triển và lên đến đỉnh cao của THTT (như một xu hướng tất yếu trong hội nhập từng bước với công nghệ truyền hình thế giới). Về bản chất, THTT là dạng chương trình chân thực và hấp dẫn với những tình huống, hoàn cảnh và sự kiện không hề (hoặc làm ra vẻ) sắp đặt trước trong kịch bản. Chính vì thế những gì diễn ra hoàn toàn (hoặc trông có vẻ) tự nhiên, từ cảm xúc cho tới bối cảnh. Chính nhờ thế mạnh chân thực này, nó mang lại luồng gió mới hấp dẫn thay thế cho các chương trình thiếu sáng tạo và một mầu tồn tại bao năm nay.

Guồng máy hoàn hảo - sức hấp dẫn không thể chối từ

Ðánh trúng tâm lý khao khát được thể hiện cái tôi, được dễ dàng nổi tiếng của số đông, những chương trình "đãi cát tìm vàng" đình đám trên thế giới đang theo các đơn vị truyền thông năng động lần lượt "nhập tịch" vào Việt Nam. Nhìn vào danh sách những chương trình đã và đang chọn Việt Nam làm điểm đến, công chúng dễ dàng nhận ra chúng chỉ thuộc hai nhóm. Một lấy "giấc mơ vươn tới một ngôi sao" luôn tiềm ẩn trong mỗi người trẻ làm đích ngắm như Thần tượng âm nhạc, Người mẫu Việt Nam, Tìm kiếm tài năng, Giọng hát Việt, Hợp ca tranh tài, Thử thách cùng bước nhảy... Một lấy việc tạo cơ hội cho người hâm mộ được song hành với một bầu trời ngập tràn ngôi sao showbiz trong những cuộc thi khai thác "sở đoản" của người nổi tiếng làm lực hút như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo...   

Dạng chương trình THTT này có tất cả những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút sự chú ý của đám đông, khi đặt công chúng lên ngôi vị tối thượng. Họ chính là ngôi sao, là nhân vật chính. Họ được quyền bình luận, phán xét, được giải trí, được thể hiện cái tôi, được mơ ước và tìm kiếm cơ hội nổi danh. Ai cũng có thể đi thi, ai cũng có thể xem truyền hình và đóng vai trò giám khảo. THTT khôn khéo tạo nên sự kết hợp ngoạn mục giữa chất lượng nghệ thuật kiểu showbiz và khả năng kích thích công chúng cực mạnh.

Không thể bỏ qua độ phủ sóng rộng khắp mà không một phương tiện truyền thông nào "đọ" nổi với truyền hình, nhất là khi đó đều là chương trình "đinh", luôn được ưu ái truyền trực tiếp trên những kênh TH giải trí lớn, vào những "khung giờ kim cương" đẹp như mơ (từ khoảng 20 đến 23 giờ hai ngày nghỉ cuối tuần). Và cũng vì sức lan tỏa trên phạm vi toàn cầu từ những phiên bản gốc quá nổi tiếng nên đương nhiên, những chương trình này luôn nhận được sự ưu ái, chăm sóc vô cùng nhiệt tình của cả một bộ máy truyền thông hùng hậu, ngay từ khi manh nha đặt chân vào thị trường Việt Nam. Ðặc điểm của truyền hình thực tế là luôn đặt tính tương tác với người xem lên hàng đầu. Vì thế, bên cạnh điểm số của Ban giám khảo, khán giả luôn giữ vai trò quyết định 50% thành công của thí sinh, khi sử dụng những tin nhắn bình chọn giúp các bạn trẻ có thêm cơ hội bước tiếp. Có bình chọn tức là có thích - không thích, có các nhóm fan và cả anti- fan trên mạng xã hội, có sự tranh giành quyết liệt giữa người hâm mộ thí sinh này với thí sinh khác. Từ đó, hình ảnh, thông tin và sức nóng từ những cái tên tham dự càng có điều kiện "tăng nhiệt"...

Khai thác tối đa hiệu ứng truyền thông, THTT giúp tạo nên một vòng tròn tương tác rất nhịp nhàng giữa khán giả - thí sinh - nhà tổ chức - đài truyền hình. Guồng máy được tính toán và vận hành vô cùng hoàn hảo, để sau những chương trình được truyền hình trực tiếp tối thứ bảy, chủ nhật, báo chí sáng thứ hai sẽ tràn ngập tin tức về những thí sinh và sự gay cấn của cuộc thi. Năm ngày trong tuần tiếp tục là thời gian khai thác các câu chuyện ngoài lề, những vụ lùm xùm cả vô tình lẫn cố ý giúp độ nóng được bảo toàn cho tới buổi phát hình kế tiếp. Báo giới hỉ hả với con số phát hành, với lượng người truy cập tăng vọt. Ðài truyền hình, nhà sản xuất xoa tay hài lòng với tỷ suất người xem cao ngất, với số spot quảng cáo ồ ạt đổ vào. Khán giả được giải trí miễn phí, được cảm giác mình đang có trong tay quyền lực tối thượng. Thí sinh nhờ sức mạnh lan tỏa của sóng truyền hình mà dễ dàng được nhớ mặt thuộc tên, được nổi tiếng chỉ sau một cuộc thi...

Rắc rối - thật giả bất phân

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra gần đây ở hàng loạt các chương trình đình đám đang khiến công chúng ít nhiều vỡ mộng. Trên thực tế, nói là không có kịch bản, không có sắp xếp nhưng những vụ lùm xùm diễn ra trong hàng loạt các chương trình vừa qua đã khiến cho người ta hiểu, rằng "nói vậy mà không phải vậy". Mọi thứ diễn ra đều theo kịch bản, thậm chí kịch bản ấy còn được dàn dựng một cách chuyên nghiệp và tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất. Những sắp xếp và tiêu cực bị phanh phui bởi chính những người trong cuộc đã khiến người xem thất vọng. Giọng hát Việt, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo... đều bị nhuộm đen bởi nghi án dàn xếp kết quả. Thần tượng Việt Nam, Người mẫu Việt Nam, Tìm kiếm tài năng... song hành cùng đủ loại rắc rối, lùm xùm. Ðám mây đen scandal phủ cái bóng u ám lên mọi cuộc thi tài, như thể thiếu nó, bộ mặt một chương trình THTT đình đám không thể định hình. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi nhạc sĩ Tuấn Khanh bày tỏ: "Chỉ nên xem THTT là trò vui trước khi đi ngủ". Còn với nhạc sĩ Quốc Bảo: "Ðó chỉ là công cụ để nhà sản xuất kiếm tiền".

Nhưng mặc những rắc rối, những hệ lụy, những cơn bão dư luận sau câu chuyện "thật giả bất phân", THTT quốc tịch ngoại vẫn đang là thỏi nam châm với lực hút khó cưỡng với số đông công chúng Việt Nam. Và họ, sau những bực bội, nghi ngờ vẫn không thể rời mắt khỏi màn hình TV, cho dù chỉ để chờ đợi kết cục của một chương trình đã mang lại cho bản thân không ít nỗi thất vọng. Một nhà báo Mỹ cho rằng "THTT vẫn đang gặm nhấm vinh quang trong thời hoàng kim của mình. Và khi cuộc sống ngày càng mang tính hưởng thụ hơn, reality- show sẽ không bao giờ chết". Sau những chương trình nổi tiếng kể trên, mới đây Master Chef cũng vừa được nhập tịch và chuẩn bị lên sóng. Và một ngày không xa, những Strictly Come Dancing, Big Brother, X- Factor... nổi tiếng cũng sẽ có phiên bản Việt. Giấc mơ ấy xem ra cực kỳ "thực tế". Khi nhìn đi nhìn lại, vị trí số một của những "kẻ ngoại lai" này còn khá vững chắc và chưa thể bị xô đổ, ít ra là trong một vài năm tới.  

* Ông Lưu Vũ Hải (Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình - Bộ Thông tin Truyền thông):Truyền hình thực tế là một loại hình mới, có nhiều yếu tố hấp dẫn người xem. Trong quá trình phát triển, bên cạnh mặt được thì còn mặt chưa được, và mặt chưa được đó bản thân các đài phải theo dõi phản ánh dư luận để điều chỉnh. Các cơ quan chức năng cũng trao đổi, nhắc nhở, còn trường hợp nào sai phạm thì phải xử lý theo pháp luật.

Ðối với vấn đề nhập khẩu các format chương trình, về nguyên tắc bao giờ chúng ta cũng khuyến khích tự sáng tạo và sản xuất các format trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm xây dựng các chương trình giải trí hiện đại của nước ngoài. Chừng nào khi trong nước chưa làm ngay được, cũng có thể bắt đầu bằng việc mua các format đã thành công ở nước ngoài. Nhưng quan trọng là khi Việt hóa nó, phải tính đến bản sắc văn hóa dân tộc và nhu cầu thực tế của ta làm sao cho phù hợp.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất