Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 4/11/2012 12:16'(GMT+7)

Nhận diện phê bình văn học trẻ hiện nay

(Hình minh hoạ)

(Hình minh hoạ)

1. Từ khi chúng ta tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ mặt chung của đất nước có nhiều thay đổi với những thành tựu lớn về kinh tế và văn hóa.

Có thể ví nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế như một trận cuồng phong nhân tạo đang diễn ra với tốc độ chóng mặt trên phạm vi toàn cầu, cùng với việc đem lại nhiều cơ hội cho các nước đang phát triển như nước ta, thì nhiều hệ luỵ và "gió độc" cũng ùa theo, làm cho bộ mặt đời sống tinh thần của xã hội có những vết hoen ố khó tránh khỏi.

Văn học trong "cơn lốc thị trường" cũng không tránh khỏi quy luật đó.

Thời gian qua đã có không ít những ý kiến trái chiều "bàn luận" về những xu hướng được gọi là "mới lạ" "đột phá" của một số tác giả khi họ đưa vào văn chương những chủ đề "mới lạ", hoặc là sex một cách trần trụi; hoặc là moi móc các chuyện đời tư của mình và của người; bày biện đủ thứ "rác rưởi" trên mặt các tác phẩm mà họ gọi là văn chương hoặc là những bài viết chửi bới lung tung, bất chấp luân thường đạo lý, đạo đức nghề nghiệp và ranh giới đúng sai, thích vọng ngoại, phủ nhận tất cả những thành tựu của đất nước... Những điều đó có thể là cái mà những kẻ nhân danh dân chủ và tự do ở đâu đó rất cần. Làm như vậy, dù vô tình hay cố ý họ cũng đã khơi nguồn cho một dòng tư tưởng đi ngược lại những thành tựu của văn chương nước nhà và văn hóa dân tộc Việt, cái mà bao lớp cha anh và tất thảy chúng ta đã từng đổ máu và đang ngày đêm chung tay xây dựng, dù chưa được như ý muốn, nhưng cũng có những thành quả rất đáng trân trọng.

Phê bình văn học hiểu một cách nghiêm túc theo đúng nghĩa của nó, trước hết nó là một công việc khó, không phải là một loại hình diễn xướng dân gian theo kiểu “Hát đúm”, “Hát dô”, “Hò giật chài” hay “Hô bài chòi”,… cứ tiền hô, hậu ủng hoặc là dùng một vài thủ thuật nói ngược, nói lái theo kiểu “nói nôm” dân dã là được, mà nó là một hoạt động mang tính khoa học cao, đòi hỏi người tham gia phải được đào tạo một cách quy chuẩn, am hiểu chuyên môn, phải có đạo đức nghề nghiệp và thực sự tâm huyết thì mới có thể làm được.

Chỉ tiếc rằng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong một thời gian dài hoạt động phê bình văn học ở ta đã được xã hội hóa một cách vô bờ bến, đến mức ai, bất kỳ lúc nào, ở đâu cũng có thể viết phê bình, nên đã dẫn đến một số yếu kém và bất cập nhất định.

Nhiều người đã từng ví sáng tác và phê bình văn học như đôi chân của cơ thể con người. Chỉ cần một chân ngắn, một chân dài, dù chỉ vài mi li mét, đã khiến sự chuyển động của cơ thể trở nên ngượng ngùng và khó khăn hơn.

2. Câu chuyện phê bình văn học trẻ tuy không phải là vấn đề mới mẻ, nhưng luôn là sự trăn trở đối với những ai quan tâm đến văn chương nước nhà hôm nay và cả tương lai, khi mà sáng tác trẻ thì ồ ạt tung ra thị trường một khối lượng khổng lồ tác phẩm đủ loại, còn phê bình trẻ cứ ngày một "teo tóp" dần đi.

Nhà lý luận phê bình Nguyễn Đình Tú, nhớ lại: “Hội nghị 5 (Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc - TG) chỉ có 3 đại biểu phê bình. Hội nghị 6 và Hội nghị 7 số lượng đại biểu viết phê bình cũng không nhích lên được bao nhiêu. Đã có thời điểm nhiều diễn đàn lên tiếng về việc thiếu hụt lực lượng phê bình trẻ. Đến Hội nghị 8 lần này (tháng 8-2011 - TG), chỉ lướt qua các đề cử đã thấy số đại biểu viết phê bình bỗng tăng đột biến, có tới hơn chục người"(1).

Còn Nhà văn Trương Quốc Anh, trong một bài viết của mình đã bày tỏ thẳng thắn quan điểm: “Những “nhà” phê bình tự phong to tiếng không biết đã đọc được bao nhiêu cuốn sách mà luôn bắt người khác phải có gu thẩm mỹ giống mình dù rằng họ chỉ thích mặc áo ca rô hay chim cò trong lúc người khác mặc đồ vét. Lúc nào họ cũng dẫn ra những tác phẩm lớn… rồi hỏi các cây bút trẻ hiện nay sao không viết được như thế! Họ là những người chẳng biết quả bóng tròn hay méo nhưng với họ người sáng tác văn học cứ phải là… Maradona"(2).

Vậy đâu nguyên nhân khiến phê bình văn học trẻ hiện nay đang ngày càng trở nên "khập khiễng" so với thực tiễn sáng tác?

Trước hết là bắt nguồn từ khâu đào tạo. Không thể nói ai thích cũng có thể viết phê bình văn chương được, đặc biệt với giới trẻ điều này lại càng không thể. Bởi lẽ, ngoài năng khiếu, lòng đam mê, phê bình văn học là một bộ môn khoa học, cần được đào tạo một cách bài bản, như bất cứ một chuyên ngành nào của khoa nghiên cứu - lý luận- phê bình và lịch sử văn học (gọi là khoa Văn học). Thế nhưng, khoa Văn học trước đây, trong một thời gian dài do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan không cho phép, ở tất cả các trường Đại học và Cao đẳng nước ta không có chuyên ngành đào tạo riêng cho những người làm phê bình văn chương đương đại, mà chỉ có bộ môn văn học hiện đại. Tuy nhiên, cái gọi là văn học hiện đại ở nước ta vẫn còn "lạ lẫm" và không rõ ràng. Người ta chỉ coi văn học hiện đại là một đoạn của lịch sử văn học, không phải của lý luận văn học, chứ chưa nói gì đến phê bình văn học.

Theo đó, tiến trình văn học sử Việt Nam hiện đại được dạy trong hầu hết các trường là giai đoạn đổi mới, mốc cuối dừng lại ở 1991- 1992, với các tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường,... còn từ 1993 đến nay nó đã bị các nhà biên soạn chương trình “đuổi” ra khỏi giai đoạn văn học hiện đại.

Hai là, khâu quảng bá tác phẩm phê bình trẻ - tức "đầu ra" vẫn là điều vô cùng nan giải. Có một thực tế là đa số các Tòa báo và Nhà xuất bản vì nhiều lý do khác nhau mà hầu như không có nhu cầu đưa lên mặt báo những tác phẩm thuộc về lĩnh vực phê bình văn học. Bởi vậy, các nhà phê bình trẻ vẫn luôn "loay hoay" "chật vật" trong việc tìm kiếm "đất" để đăng tải, quảng bá sản phẩm.

Cũng cần phải thừa nhận rằng hiện có một số báo chuyên ngành văn chương có dành một "miếng đất" gọi là “xen kẹt” nào đấy cho phê bình văn học, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 1/8- 1/16 hoặc 1/32, có khi là 1/50 diện tích báo, tức là không quá từ 1/3- 2 trang. Ấy là chưa kể đến thù lao, nhuận bút cho một bài phê bình thường rất thấp. Vì phần lớn các báo hiện nay thường trả nhuận bút theo thứ hạng và thương hiệu tác giả.

Trong lĩnh vực xuất bản cũng vậy, tiểu thuyết hoặc truyện ngắn thì được quan tâm in ngay, nhưng với phê bình thì phần lớn các tác giả chỉ được cấp giấy phép, rồi tự in và tự phát hành, trừ những tác giả có tên tuổi có thể có tài trợ của Nhà nước, thông qua một nhà xuất bản nào đấy (điều mà đối với các nhà phê bình trẻ là không tưởng). Đó là một sự thật không thể phủ nhận được.

Cuối cùng, vẫn là chuyện đầu ra. Tâm lý của số đông người Việt Nam ta từ xưa đến giờ thích đàm tiếu, chuyện phiếm chứ ít khi thích bàn luận một vấn đề thật sự nghiêm túc cho đến đầu ra đũa, đi đến tận cùng để tìm căn nguyên, gốc rễ sự việc, hiện tượng, vấn đề. Các chuyện phiếm tếu táo, gây sự tò mò, hiếu kỳ thì người ta thích đọc, thích nghe, còn những chuyện luận lý nghiêm túc thì phần lớn ít hấp dẫn được người đời.

Điều này khiến đa số các báo, nhà xuất bản cứ nhìn thấy các nhà phê bình văn học, nhất là phê bình trẻ chỉ muốn lắc đầu! Người ta vẫn thường nói vui với nhau rằng, in phê bình nhiều chỉ tổ ế báo, sách giảm số lượng phát hành, đói là cái chắc. Một dẫn chứng cực kỳ sinh động là vào khoảng cách đây gần chục năm, nhà xuất bản nọ quảng cáo rùm beng rằng cuốn sách “có một lối phê bình, có một giọng điệu riêng, mới mẻ, độc đáo”,... nhưng khi đọc cuốn sách thì người ta thấy toàn chuyện tếu táo ngoài văn chương. Thế nhưng nghe nói “bà đỡ” cho cuốn sách đã thu hoạch được gần nửa tỉ, vì được phát hành với số lượng rất lớn.

Một bộ phận công chúng chỉ thích xài món văn chương “mì ăn liền” như loại phim sitcom kiểu “Thư giãn cuối tuần”, nhưng oái oăm thay phê bình hay phê bình trẻ đích thực lại không phải là thứ hàng hóa đó thì ngày càng "teo tóp" đi.

3. Thời gian gần đây trong không ít các hội nghị của hội chuyên ngành và cơ quan quản lý thường tỏ ra không mấy lạc quan về công tác phê bình từ đội ngũ, đến công trình, tác phẩm; từ định hướng đến việc quan tâm đầu tư đào tạo bồi dưỡng thế hệ những người làm công tác phê bình văn học trẻ.

Có thể tạm hình dung ra rằng mặt trận phê bình từ trước đến giờ được sinh ra giống như sân bóng đá ở một làng quê nào đấy. Cả năm chỉ thi đấu một vài trận vào dịp lễ tết hay hội hè gì đó. Còn các nhà phê bình trẻ thì giống như những cầu thủ mới chơi bóng, người nhiều được đá vài trận, người ít một hai trận, thậm chí có người chưa được ra sân lần nào, vì mỗi năm ở cái sân bóng làng này chỉ có thể tổ chức thi đấu được một vài trận. Có người tuổi đã ngoại tam tuần rồi mà vẫn mãi ngồi trên ghế dự bị.

Ai cũng biết, lý luận và phê bình văn học là hai chuyên ngành tuy rất gần nhau nhưng không phải là một, vì có những điểm khác nhau, nhất là khâu “tác chiến” tại những điểm nóng của đời sống văn chương. Vì thiếu vắng lực lượng phê bình văn học nói chung và phê bình trẻ nói riêng, nên việc bám sát đời sống văn chương nhiều khi phó mặc cho công chúng.

Trong những năm trở lại đây, đang tồn tại một sự thật rất khó hiểu, thậm chí là rất khôi hài, đó là những cuốn sách có rất ít chất văn chương, thậm chí có cuốn mà cơ quan chức năng cấm không cho phát hành, hoặc khuyên không nên bàn đến nhiều thì công chúng lại đổ xô đi tìm đọc.

Vô hình cái sự “đổ xô đi tìm đọc” ấy của công chúng lại đã nói lên hai vấn đề: Thứ nhất, để thỏa chí tò mò xem trong cuốn sách ấy tác giả viết gì, viết như thế nào mà các nhà chức trách lại cấm. Thứ hai, tạo áp lực làm đối trọng trong đời sống sinh hoạt văn chương thời mở cửa hội nhập, như là một nhu cầu tự thân muốn văn chương nước nhà thời nay phải đổi mới, chứ không thể xài mãi món “ta thắng địch thua” được. Cũng vì thế nhiều cuốn sách loại này đắt như tôm tươi. Vô hình chung sự cấm kỵ đã tạo cơ hội cho các tay in lậu sách tha hồ mà nối bản, kiếm lời, còn công chúng chẳng biết tin vào đâu.

Trong khi đó, các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp cả trẻ lẫn già đành phải đứng ngoài cuộc mà nghe công chúng bàn tán.

Đa số các cây viết phê bình văn học trẻ hiện nay đang phải lo "cuộc mưu sinh" bằng viết báo, hoặc phải đảm trách công tác biên tập ở các tòa báo, các nhà xuất bản, hay bận công việc giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng, khi nào nhàn rỗi và cao hứng viết được một bài phê bình thì lại bị phê phán là chưa đủ kinh nghiệm, sao chê nhiều thế, khen nhiều thế... Thậm chí có người đã về hưu vài năm rồi, từng cầm bút viết phê bình vài chục năm, có vài ba cuốn sách đã in, được dư luận đánh giá tốt vẫn bị coi là “nhà phê bình trẻ” chỉ vì ông ta viết có vẻ gây “sốc” cho người đọc, cứ như là các nhà phê bình trẻ chỉ thích sinh sự (!?). Như vậy, mặt trận phê bình văn học bị bỏ trống là điều không thể nào tránh khỏi và nền văn chương nước nhà chắc là còn phải đợi một thời gian dài nữa mới hy vọng thoát khỏi tình trạng “xô lệch”, giống như những bước chân của những người đi cà nhắc.

Cần nhớ rằng cả nền văn học cổ điển Nga mới sinh ra được một thần đồng phê bình văn học Biêlinxki. Cả một thế kỷ văn học Việt Nam (thế kỷ XX) mới có hai thần đồng phê bình văn học Hoài Thanh - Hoài Chân và Vũ Ngọc Phan. Điều ấy nói lên một thực tế là công việc phê bình văn học luôn phải đối mặt với không ít khó khăn.

Đội ngũ phê bình văn học, trong đó có các nhà phê bình trẻ vẫn tin tưởng, và hy vọng vào một sự "khởi sắc" hơn nữa, khi mà xã hội và các nhà chức trách có một cái nhìn "đúng tầm", đưa ra được định hướng cụ thể cùng với cơ chế thỏa đáng cho phát triển phê bình văn học. Đó sẽ là điều kiện và động lực quan trọng thúc đẩy, khuyến khích những cây bút trẻ đã được đào tạo và có niềm đam mê tham gia vào mặt trận này, khắc phục được tình trạng tụt hậu, hụt hẫng và yếu kém diễn ra không chỉ đối với phê bình văn học, mà còn làm phương hại đến thị hiếu thẩm mỹ của công chúng, với tư cách là người thụ hưởng và thẩm định cuối cùng tác phẩm văn chương./.

Nhà văn  Đỗ Ngọc Yên

_____________________

(1) Nguyễn Đình Tú: Tản mạn về Hội nghị những người viết văn trẻ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 730 (tháng 8-2011).

(2) tonvinhvanhoadoc.vn.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất