Giáo sư, viện sĩ Trần Ngọc Thêm, người có nhiều công trình nghiên cứu về bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài kể rằng, ông rất cảm động khi ra nước ngoài mà vẫn có cảm giác ấm cúng như ở quê mình khi được sống trong tình cảm của bà con Việt kiều, được ăn món ăn Việt Nam, được nghe âm nhạc dân tộc Việt Nam. Và trong mỗi gia đình người Việt, ông vẫn bắt gặp hình ảnh lá cờ Tổ quốc, chân dung Bác Hồ trên bàn thờ. Trong nhiều gia đình vẫn luôn có những tà áo dài, nón lá, nón quai thao, rồi thì tương, cà, mắm, muối... Những em bé khi sinh hoạt trong gia đình vẫn nói tiếng Việt, thích hát dân ca quan họ, ca vọng cổ, hát ví dặm v.v...
Mặc dù đã phát triển đến thế hệ thứ 3, thứ 4..., nhưng đa phần cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn gìn giữ những phong tục sinh hoạt theo bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Phẩm chất con Lạc, cháu Hồng không những không bị nhạt phai, đồng hóa mà ngày càng sâu đậm, trở thành cốt cách của con người Việt Nam, dù họ đang sinh sống ở đâu.
Giáo sư, viện sĩ Trần Ngọc Thêm, người có nhiều công trình nghiên cứu về bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài kể rằng, ông rất cảm động khi ra nước ngoài mà vẫn có cảm giác ấm cúng như ở quê mình khi được sống trong tình cảm của bà con Việt kiều, được ăn món ăn Việt Nam, được nghe âm nhạc dân tộc Việt Nam. Và trong mỗi gia đình người Việt, ông vẫn bắt gặp hình ảnh lá cờ Tổ quốc, chân dung Bác Hồ trên bàn thờ. Trong nhiều gia đình vẫn luôn có những tà áo dài, nón lá, nón quai thao, rồi thì tương, cà, mắm, muối... Những em bé khi sinh hoạt trong gia đình vẫn nói tiếng Việt, thích hát dân ca quan họ, ca vọng cổ, hát ví dặm v.v...
Hiện nay, chúng ta có gần 4,5 triệu kiều bào sinh sống tại 101 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nuôi dưỡng được cái khí chất Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, chính là nhờ ý thức giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc của kiều bào, trong đó vai trò của những “sứ giả” văn hóa là vô cùng quan trọng. Họ là những giáo sư, học giả, là các văn nghệ sĩ, là những người công tác trong các tổ chức hội, đoàn; là đội ngũ trí thức trẻ... nhưng cũng có khi họ chỉ là những người chủ quán ăn, người nội trợ trong gia đình... Vì tình yêu Tổ quốc, vì nỗi nhớ quê hương, vì ân đức với tiên tổ, giống nòi... bằng khả năng và nhiệt huyết của mình, họ đã chủ động xây dựng không gian văn hóa Việt, truyền dạy tiếng Việt, giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa dân tộc bằng những hình thức phong phú và sinh động. Càng ở những quốc gia, vùng lãnh thổ xa Tổ quốc, ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc của kiều bào ta càng cao. Từ cầu nối của những “sứ giả” văn hóa, tình quê hương, nghĩa đồng bào trong mỗi người dân Việt Nam xa quê, như được tiếp lửa, khơi nguồn, trở thành một giá trị văn hóa đặc trưng. Các “sứ giả” văn hóa còn là lực lượng nòng cốt quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.
Đảng và Nhà nước ta lúc nào cũng coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc. Trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế, vai trò của kiều bào ở nước ngoài ngày càng quan trọng và sự đóng góp của kiều bào cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước càng lớn. Chúng ta đã có nhiều hình thức tôn vinh công lao đóng góp to lớn của kiều bào dành cho đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thiếu những hình thức tôn vinh đối với các “sứ giả” văn hóa.
Nhiều nhà nghiên cứu đã kiến nghị, bên cạnh việc điều chỉnh chính sách, bổ sung, thiết lập, hoàn thiện các thiết chế văn hóa Việt Nam thì cần định kỳ 2 hoặc 3 năm một lần tổ chức tôn vinh những “sứ giả” văn hóa trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đó vừa là cách để Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao đóng góp trên lĩnh vực văn hóa của những kiều bào xuất sắc, vừa tạo động lực động viên, khích lệ để các “sứ giả” văn hóa ngày càng hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình.
QĐND