Mùa hè đến cũng là
thời điểm mang theo khá nhiều căn bệnh nguy hiểm cho trẻ em mà các bậc
phụ huynh cần đề phòng, trong đó có bệnh viêm não. Bệnh này thường xuất
hiện vào đầu tháng 5, bùng phát vào tháng 6 đến hết tháng 8 hàng năm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó
trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, từ đầu năm
tới nay bệnh viện đã tiếp nhận hơn 70 ca viêm não, trong đó có 3 ca viêm
não Nhật Bản, còn lại là các ca viêm não khác do virus khác như sởi,
thủy đậu...
Tại Khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai, đến thời điểm này cũng đã có khoảng gần chục ca mắc viêm não Nhật Bản nhập viện khám và điều trị.
Theo các bác sĩ, phần lớn trẻ nhập
viện mắc bệnh viêm não đều không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không
đầy đủ. Tuy nhiên, cũng theo các bác sĩ, căn nguyên chính dẫn đến chứng
bệnh viêm não ở bệnh nhi là virus (virus viêm não Nhật Bản, virus gây
bệnh sởi, tay chân miệng… dẫn đến biến chứng viêm não), và cũng có nhiều
trường hợp không phát hiện được căn nguyên gây bệnh. Những triệu chứng
ban đầu của viêm não thường là: Sốt cao, co giật, cứng cổ, buồn nôn… Vì
vậy, nhiều người thường nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Do vậy, nhiều
trường hợp khi nhập viện thì đã quá muộn, dẫn đến để lại nhiều di chứng
sau này.
Chăm con 5 tháng tuổi mắc bệnh viêm não
không xác định được nguyên nhân đã hơn 1 tuần nay tại Khoa Truyền
nhiễm-Bệnh viện Nhi Trung ương, anh Đặng Công Đức (TP Nam Định-tỉnh Nam
Định) mới nhận thấy hết được mức độ nguy hiểm của bệnh.
Anh Đức cho biết, cách đây 2 tuần, anh
đưa con trai đi tiêm phòng. Sau khi đi về, cháu bị sốt và đến sáng hôm
sau thì trên cơ thể nổi dày đặc nốt mẩn đỏ và tự biến mất sau 1-2 ngày.
Tuy nhiên, sau đó cháu lại sốt cao, mắt trợn ngược, mặt mũi tím tái, có
biểu hiện co giật. Gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Nhi Nam Định khám
nhưng không tìm thấy bệnh nên cho cháu về nhà. 5 ngày sau, cháu bé tiếp
tục sốt, cường độ co giật nhiều hơn trước. Lúc này, vợ chồng anh Đức mới
tá hỏa chuyển con xuống bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Vừa nhập viện
xong, con trai anh đã rơi vào trạng thái mê man, mất tri giác.
Sau một thời gian điều trị tại bệnh
viện, đến nay sức khỏe cháu bé đã ổn định trở lại, ăn được và nhận thức
dần linh hoạt. Ẵm cậu con trai trên tay, anh Đức xót xa nói: “Vợ chồng
trẻ lại chưa có nhiều kinh nghiệm chăm con, nên chưa lường hết được mức
độ nguy hiểm của bệnh tật. Theo các bác sĩ, cháu được gia đình cho nhập
viện kịp thời, nếu không thì tình hình bệnh còn nguy hiểm hơn”.
Ở giường bên cạnh, con trai mới được 1,5
tháng tuổi của chị Đỗ Thị Duyên (ở Phủ Lý, Hà Nam) cũng có những triệu
chứng như con anh Đức. Chị Duyên cho hay, ban đầu bé nhà chị bị sốt cao,
đi ngoài, nôn. Sau đó, gia đình đưa bé vào điều trị tại bệnh viện tỉnh
nhưng vẫn không hết sốt, gia đình liền chuyển bé xuống Bệnh viện Nhi
Trung ương. Sau khi có các xét nghiệm, chọc tủy, các bác sĩ xác định con
chị Duyên bị viêm màng não mủ. Chị Duyên chia sẻ: “Những dấu hiệu ban
đầu của cháu rất giống với bệnh cảm cúm thông thường nên tôi rất khó
phân biệt với bệnh khác. Đã mấy ngày nằm viện nhưng sức khỏe của cháu
vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển”.
Chị Duyên đang rất lo lắng cho sức khỏe của con trai mới được 1,5 tháng tuổi
Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh viêm não hữu hiệu nhất
Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, bệnh viêm
não là tình trạng nhiễm trùng thần kinh trung ương. Bệnh rất nguy hiểm
đối với trẻ nhỏ. Bệnh này thường bùng phát trong mùa hè do thời tiết
nóng ẩm, muỗi phát triển nhiều, trong khi nhiều người ngại mắc màn khi
ngủ đã tạo điều kiện cho muỗi đốt nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Nếu
không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại những biến
chứng nặng nề như điếc, rối loạn tâm thần, động kinh, liệt, tăng cơ xoắn
vặn… và có thể gây tử vong.
Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao
và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung
ương như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, quấy khóc, co giật, rối loạn
ý thức, đờ đẫn, hôn mê...
Viêm não ở trẻ nhỏ thường có những triệu
chứng không điển hình và khó phát hiện, vì vậy khi trẻ bị sốt cao mà
không hạ kèm một số dấu hiệu quan trọng như nôn mửa, thóp phồng (nếu còn
thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên
hoặc thay đổi tư thế, gồng cứng người, bỏ ăn, bỏ chơi… Nhất là khi trẻ
kêu đau đầu nhiều, cần nghĩ ngay đến bệnh viêm não và đưa trẻ đến cơ sở y
tế để khám và điều trị kịp thời, không được tự điều trị tại nhà. Điều
này rất nguy hiểm vì nếu điều trị muộn có thể dẫn đến tử vong, còn nhẹ
thì nhiều khả năng bị di chứng ảnh hưởng thần kinh, trí não kém phát
triển, thậm chí tâm thần.
Bệnh viêm não cho tới nay chưa có thuốc
điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa bằng cách cha mẹ cần đưa trẻ
đi tiêm phòng vaccine phòng viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản đầy đủ.
Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần cho trẻ ngủ màn để tránh muỗi truyền
bệnh. Ngoài ra, cần ăn uống hợp vệ sinh, dọn dẹp nơi ở sạch sẽ, thông
thoáng, thực hiện vệ sinh môi trường, khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm,
khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng
quăng./.
Theo VOVnews