Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 12/4/2009 17:44'(GMT+7)

Phim tài liệu Việt Nam 2008: Dư vị đến từ sự giản dị

Đạo diễn Đào Bá Sơn – Cánh diều vàng, Đạo diễn xuất sắc nhất thể loại Phim tài liệu nhựa. Phim: "Đám mây không dừng lại". Ảnh khai thác tư liệu

Đạo diễn Đào Bá Sơn – Cánh diều vàng, Đạo diễn xuất sắc nhất thể loại Phim tài liệu nhựa. Phim: "Đám mây không dừng lại". Ảnh khai thác tư liệu

Mỗi năm, vào tháng 4, Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương lại tổ chức một buổi chiếu toàn bộ số phim làm được trong năm trước cho những người làm nghề và báo giới xem. Và mỗi năm, hãng cũng có một cuộc "nhìn lại".

14 bộ phim tài liệu và khoa học (trong đó có 11 phim video và 3 phim nhựa), được thực hiện theo đúng chỉ tiêu. Hãng này cũng đang triển khai từng bước các dự án làm phim lớn như "Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long" (phim nhựa 4 tập về mối quan hệ Việt - Lào", "Bác Hồ - sự cảm hóa kì diệu" và 12 tập phim "Chiến tranh Việt Nam. Nhìn lại 14 bộ phim của hãng trong năm 2008, có thể nói đã có ít nhiều những dư vị mới mẻ từ những đạo diễn tài liệu.

Nhìn về nông thôn hôm nay, họ đã phả vào đó hơi thở cuộc sống và cả những trăn trở có thật. "Đất tổ quê cha" (Vương Khánh Luông) kể về  làng Hà Tây xã Triệu An - Triệu Phong - Quảng Trị nằm ở phía Nam Cửa Việt. Có 3 người bạn thân đều có bố là bộ đội quê miền Bắc vào chiến đấu tại làng từ năm 1972. Họ đã, đang tìm lại quê cha mình mặc dù thông tin rất mơ hồ. Có người đã tìm được hạnh phúc, có người đã có tin tức nhưng không được nhận, còn rất nhiều người đang tìm về đất tổ quê cha.

"Nghệ sĩ cung đình" (Đào Thanh Tùng) lại dành nhiều suy ngẫm về chuyện đời, chuyện nghề của các nhạc công nhã nhạc cung đình Huế.

"Trầm tích" (Mạc Văn Chung) thông qua những nhân vật Anh hùng lao động, nữ chiến sĩ tự vệ từng bắn rơi máy bay… trong giai đoạn cả nước cùng đánh Mỹ đến thế hệ sau con cháu họ đều tiếp tục sự nghiệp sản xuất than.

"Con cần cha cần mẹ" (Lê Tuấn Anh) nói về những đổi thay trong cấu trúc gia đình, thời gian và khoảng cách giữa cha mẹ và con cái trong gia đình có xu hướng ngày càng xa. Hậu quả là trẻ em mồ côi, cô đơn trong chính gia đình.

"Dấu chấm hỏi" (Nguyễn Sỹ Bằng) lại đi sâu khai thác cuộc sống tâm tư tình cảm và những suy nghĩ của trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật.

Phan Huyền Thư năm nay góp mặt với bộ phim "Người tôi cưu mang.com" đề cao tình nhân ái của cộng đồng đối với những số phận và cuộc đời nghèo khó, thiếu may mắn.

Nguyễn Việt Nga cảnh báo về tình trạng asen trong nước ngầm ở giếng khoan nông thôn Bắc Bộ qua "Nước ngầm cảnh báo".

Còn đạo diễn Nguyễn Thước lại làm "Đất lạnh" với  lời cảnh báo về nông thôn Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Bên cạnh đó là "một nền văn hóa làng đang hấp hối với một nông thôn phố không ra phố, làng chẳng ra làng"…

Có thể nói, những bộ phim nói về những điều giản dị như "Người tôi cưu mang.com", "Con cần cha cần mẹ"… mang đến những cảm xúc chân thành với người xem…

Một giải Cánh diều vàng cho "Không khí và sự sống", bốn giải Cánh diều bạc, 4 giải Khuyến khích và giải đạo diễn phim khoa học xuất sắc NSƯT Hoàng Ngọc Dũng - NSƯT Trần Phi được coi là những minh chứng cho thành công của hãng này trong năm qua.

Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương cho biết, năm 2009, hãng này sẽ đặc biệt ưu tiên những người làm phim trẻ, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đời sống xã hội. Hy vọng năm 2009, con số phim của hãng này sẽ nhiều hơn 14 và những bộ phim mang giá trị nhân văn sẽ nhiều hơn…

DT- Theo Thảo Điền- Thanhnien.com.vn



 



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất