Trong sự nghiệp đổi mới đất nước và xã hội, tuyên truyền luôn được coi trọng và phát huy trong suốt quá trình hiện thực hoá các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Tuyên truyền là hoạt động tất yếu của mọi chế độ xã hội, nhà nước và các chủ thể xã hội- chính trị trong lịch sử. Bác Hồ và Đảng ta trong các thời kỳ phát triển của cách mạng và đất nước đều đặt tuyên truyền lên vị trí trước hết của các hoạt động tổ chức và động viên quần chúng.
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước và xã hội, tuyên truyền luôn được coi trọng và phát huy trong suốt quá trình hiện thực hoá các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Vấn đề Việt Nam hội nhập với thế giới hiện đại về kinh tế và văn hoá đã được công tác tuyên truyền phục vụ tích cực và kịp thời.
Mới đây, ngày 3 tháng 3 năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa có Thông báo số 225-TB/TW kết luận về vấn đề : “ Cải tiến , nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền”.
Bản Thông báo kết luận đánh giá cao những cố gắng và thành quả hoạt động của các loại hình tuyên truyền trong đó các “ hoạt động văn hoá, văn nghệ đã có nhiều cố gắng, tìm tòi đổi mới để thực hiện mục đích, nội dung tuyên truyền”. Đây là sự khái quát nhiều hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sỹ những năm qua, trong các lĩnh vực văn nghệ phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước đổi mới.
Văn hoá- văn nghệ mà cốt lõi là văn học đã cùng các ngành nghệ thuật góp phần tích cực xây dựng đời sống tinh thần, văn hoá mới ngày càng phong phú, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá đậm đà tính dân tộc, vừa phát triển theo hướng hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và quảng bá nhiều giá trị văn hoá- nghệ thuật Việt Nam ra khu vực và thế giới. Các ngành nghệ thuật như điện ảnh, hội hoạ, biểu diễn nghệ thuật, ca hát, múa v.v…đều góp phần bồi đắp tình cảm và tư tưởng con người Việt Nam hôm nay và hoà nhập với cộng đồng thế giới
Giới văn nghệ nước ta có quyền tự hào đã đồng hành cùng dân tộc và đất nước trong các cuộc đấu tranh trường kỳ và anh dũng, giải phóng và xây dựng đất nước. Những bài ca ra trận, khúc hát lên đường, những tác phẩm văn học ngợi ca anh bộ đội cụ Hồ, anh giải phóng quân, những bức tranh cổ động, những chiến sỹ văn nghệ ở tiền phương v.v… đã góp phần quan trọng nâng cao lòng yêu nước, quyết tâm giải phóng Miền Nam của quân dân ta.
Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, văn học- nghệ thuật Việt Nam đã có bước chuyển tích cực. Một số tác phẩm văn học, nhiều bộ phim Việt Nam đã bám sát thực tiễn đổi mới, phản ánh những suy tư trăn trở, phản ánh con người của cơ chế mới, đã kích những tệ nạn xã hội, chống tham nhũng đã có tiếng vang trong xã hội, góp phần chống tiêu cực xã hội, xây dựng con người trong cơ chế mới.
Các loại hình nghệ thuật đều có công với quá trình đổi mới, góp vào cuộc đấu tranh tư tưởng nội bộ, xây dựng nếp sống văn hoá mới, một lần nữa chứng minh và khẳng định thế mạnh tự nhiên đặc thù của văn học- nghệ thuật, vì nó tác động vào tư tưởng tình cảm và tâm hồn mỗi con người Việt Nam.
Thành công của các hoạt động văn hoá- nghệ thuật ấy là đảm bảo sự hài hoà giữa tính nghệ thuật và tính tư tưởng. Đóng góp và công lao của các văn nghệ sỹ thể hiện ở chỗ , bằng con đường nghệ thuật, họ đã làm công tác tuyên truyền một cách tế nhị, mang tính văn hoá nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng, không áp đặt. Văn học – nghệ thuật bồi đắp tình cảm và tư tưởng con người thông qua các hình tượng văn học- nghệ thuật phản ánh và chia sẻ tâm tư nguyện vọng của con người.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của các hoạt động văn hoá-nghệ thuật của đất nước, những năm qua có nhiều đóng góp xuất sắc ở trong nước và ra nước ngoài, góp phần tạo một diện mạo mới về văn hoá Việt Nam với bầu bạn và cộng đồng quốc tế.
Hà Nội mới với quy mô rộng lớn như hiện nay là một địa bàn văn hoá đặc trưng của cả nước. ở đây có nhiều giá trị văn hoá- nghệ thuật truyền thống và đang phát triển, cùng vận hành theo các quy luật của sự hoà nhập lẫn nhau giữa phạm vi cũ và phạm vi mới, cũng như giữa Thủ đô Hà Nội mới với cả nước và với quốc tế, con đường phát triển đang rất rộng mở.
Bản Thông báo kết luận của Ban Bí thư về các loại hình tuyên truyền đã chỉ ra các giải pháp cơ bản và chủ yếu. Trong đó, kết luận chỉ rõ: “ Phát huy thế mạnh của văn học, nghệ thuật, vai trò của các văn nghệ sỹ trong sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng, nhà nước. Đổi mới, hoàn thiện chủ trương, nội dung đào tạo trong các trường văn hoá, nghệ thuật, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng cho văn nghệ sỹ để thực hiện tốt nhiệm vụ này”.Theo đó, những nội dung đáng chú ý là:
Thứ nhất: Khẳng định văn học - nghệ thuật có thế mạnh trong công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Điều này có ý nghĩa lý luận, phương pháp luận và ý nghĩa thực tiễn qua suốt tiến trình Bác Hồ và Đảng lãnh đạo sự nghiệp của nhân dân ta. Thế mạnh ở đây là đặc thù về tính thuyết phục của văn học- nghệ thuật với tâm hồn và tư tưởng các thế hệ con người Việt Nam.
Thứ hai: Khẳng định vai trò của các văn nghệ sỹ trong sáng tạo tác phẩm văn học - nghệ thuật phục vụ công tác tuyên truyền. Bác Hồ đã từng nói đó là những chiến sỹ trên mặt trận văn hoá, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Bởi vì trái tim của họ, tài năng của họ gắn hết với quần chúng, được Đảng tin tưởng và đào tạo ngày một trưởng thành.
Thứ ba: Công tác tuyên truyền coi trọng việc phát huy vai trò của văn nghệ và các nghệ sỹ trong mọi giai đoạn, nhất là giai đoạn hiện nay, khi trình độ nhận thức và thưởng thức của quần chúng đã ở mức độ cao hơn. Mối quan hệ giữa văn nghệ sỹ và cán bộ tuyên truyền cần được chú ý từ hai phía: Cán bộ tuyên truyền biết tận dụng vai trò của văn học - nghệ thuật. Các nghệ sỹ cũng tự ý thức là người tuyên truyền qua tác phẩm có chất lượng của mình.
Thứ tư: Nhà nước, các hội nghề nghiệp, các ngành nghệ thuật, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chủ trương, nội dung đào tạo trong các trường văn hoá-nghệ thuật. Đây là việc làm có bài bản, có trí tuệ, có nội dung nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đào tạo chính quy trong các nhà trường nghệ thuật. Không có đào tạo thì không có nhân tài. Có nhân tài nghệ thuật, có định hướng đúng, văn nghệ và nghệ sỹ sẽ có tác động lớn vào đời sống văn hoá của công chúng.
Thứ năm: Nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp tạo thêm các điều kiện thuận lợi và kịp thời cung cấp thông tin định hướng cho các văn nghệ sỹ để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Đó là những thông tin cập nhập qua các phương tiện tuyên truyền thông tin đại chúng, qua sinh hoạt của các tổ chức nghề nghiệp, giữa họ trao đổi những thông tin bổ ích về văn hoá - nghệ thuật thế giới và trong nước. Đó sẽ là những gợi mở cần thiết cho những dự kiến sáng tạo văn học - nghệ thuật
Những nội dung và việc làm trên đây xuất phát từ chủ thể hai phía. Một mặt, đội ngũ cán bộ tuyên truyền cùng vơí các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước biết phát huy cao hơn nữa vai trò của văn hoá- nghệ thuật cho mục đích tuyên truyền. Mặt khác, bản thân văn nghệ sỹ là những chủ thể sáng tạo không ngừng. Sự gặp nhau đồng thuận của các chủ thể đó sẽ đưa tới những thành quả tốt hơn theo định hướng kết luận của Ban Bí thư như đã nói trên.