Chủ Nhật, 22/9/2024
Ban Tuyên giáo Trung ương
Chủ Nhật, 20/12/2015 10:12'(GMT+7)

Biên niên sử tái hiện những thời khắc lịch sử bi hùng của dân tộc

Tối 19-12, tại Hà Nội, Tạp chí Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ưng) phối hợp với Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận, Công ty Truyền thông Thủ Đô tổ chức Chương trình Giao lưu - Nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 6. Đây là chương trình thường niên, thiết thực hướng tới kỷ niệm 71 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2015).

Tới tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lâm Phương Thanh,  Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam;Đặng Minh Hải, Chuẩn đô đốc Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân cùng các nhân chứng lịch sử tiêu biểu của dân tộc; những thân  nhân liệt sỹ, thương binh,  nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.

Với ba nội dung chính: Một thời giới tuyến, Huyền thoại Tàu không số và Uống nước nhớ nguồn, Chương trình “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 6 là một biên niên sử tái hiện lại những thời khắc lịch sử bi hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thế kỷ XX.

Có thể khẳng định, sự ra đời và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam 71 năm qua luôn gắn liền với lịch sử dân tộc và các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập cho tự do Tổ quốc. Thông qua chương trình, Một thời giới tuyến ở Vĩnh Linh Quảng Trị đã tái hiện lại câu chuyện ở vỹ tuyến 17 – ranh giới quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam thành 2 miền Nam – Bắc. Quảng Trị đã trở thành nơi đọ sức khốc liệt giữa ta và địch kéo dài 21 năm. Theo quy định của Hiệp định Giơ – ne – vơ, vùng phi quân  sự được 2 bên thiết lập dọc theo bờ sông Bến Hải. Tại vùng phi quân sự, hai bên không được bố trí quân đội, trừ nhân viên  của Ủy ban Quốc tế, các đội thị sát của Ủy  ban Quốc tế, Ủy ban Liên hợp Trung ương, các tổ liên hợp, nhân viên nhân chính cứu tế. Để nhớ lại những sự kiện đã xảy ra tại Một thời giới tuyến, các khán giả truyền hình đã được giao lưu với Đại tá – Nhà văn Lương Sỹ Cầm – Nguyên Phó Chính ủy Công an nhân dân Vũ trang Vĩnh Linh, Nguyên Tổng biên tập Ký sử Lịch sử Bộ đội Biên phòng; Đại tá Vũ Văn Huynh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

 
 Giao lưu với Đại tá – Nhà văn Lương Sỹ Cầm  và Đại tá Vũ Văn Huynh 

Đại tá – Nhà văn Lương Sỹ Cầm là Vệ quốc đoàn miền Nam từ tháng 4-1946 và chiến đấu ở liên khu 5 suốt 9 năm. Năm 1955, ông ra Bắc tập kết ở Sư đoàn 324, được lựa chọn làm trợ lý chính trị tiểu đoàn 25 công an bảo vệ giới tuyến. Năm 1969, ông được bổ nhiệm làm Phó Chính ủy Công an nhân dân Vũ trang Vĩnh Linh. Trong những năm 1979-1984, ông đã 4 lần cùng bộ đội biên phòng Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, năm 2015, nhà văn Lương Sỹ Cầm đã được Bộ Quốc phòng tặng giải A tiểu thuyết Đèn kéo quân, giải thưởng văn học nghệ thuật báo chí giai đoạn 2009-2014, được Bộ Công an tặng danh hiệu Nhà văn Việt Nam vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Qua chương trình, ông đã kể lại cho khán giả cả nước biết việc xây dựng cột cờ Hiền Lương, việc ngăn cản phái đoàn quân sự cấp cao của Anh Mỹ xâm phạm trái phép khu phi quân sự diễn ra như thế nào trong thời điểm ác liệt đó. 

Đại tá Vũ Văn Huynh là người trực tiếp đã tham gia 10 trận đánh lớn ở chiến trường Quảng Trị - Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Cá nhân ông đã tiêu diệt 60 tên Mỹ và 1 máy bay trực thăng tháng 6-1967, trong trận đánh cao điểm 845 trên đường 9 Khe Sanh. Khi Trung đội trưởng hy sinh, ông đã thay thế Trung đội trưởng chỉ huy bộ đội chiến đấu tiêu diệt 1 đại hội lính thủy đánh bộ Mỹ gồm 150 tên, riêng ông tiêu diệt 32 tên. Năm 1969, ông đã chỉ huy tiểu đoàn 2 tập kích vào cụm quân Mỹ trú quân dã ngoại ở Cầu Khởi, diệt 347 tên, phá hủy 24 xe bọc thép, 4 máy bay. Ông đã được thưởng 3 Huân chương chiến công các loại, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong trận chiến đấu với quân đội Mỹ ở cao điểm 845 tháng 6-1967, ông đã nói  1 câu nổi tiếng: Còn cán bộ thì còn chỉ huy, còn đảng viên thì còn sự lãnh đạo. 

Ở phần thứ 2 của chương trình Huyền thoại tàu không số, khán giả cả nước đã được giao lưu với Thiếu tá Nguyễn Văn Đức – Anh hùng LLVTND. Ông nguyên là thuyền trưởng tàu không số,  nguyên tham mưu phó Lữ đoàn 125 Hải quân và là 1 trong 6 người đã vượt biển ra miền Bắc trong chuyến đầu tiên ấy. Ông đã kể lại cho khán giả truyền hình cả nước nghe nhiệm vụ của đơn vị mình chi viện cho chiến trường miền Nam sau cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 1968 với tinh thần “Trăm bó đuốc bắt được con ếch cũng thắng lợi”. Là một thành viên của đoàn tàu không số, Thiếu tá Nguyễn văn Đức đã  thực hiện 14 chuyến đi thắng lợi, 5 lần dẫn tàu vào cửa sông an toàn (2 lần đột phá vào cửa sông mới), trực tiếp chiến đấu 2 trận đánh (Trong đó có 1 trận phải hủy tàu), được thưởng 5 huân chương chiến công, được Đảng và Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015. Có thể khẳng định, đường Hồ Chí  Minh trên biển đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của tài thao lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương. Đó là nơi hội tụ sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù, là nơi phát lộ và tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng quả cảm, trí thông minh với quyết tâm đánh Mỹ  và thắng Mỹ. 

 
 Giao lưu với Thiếu tá Nguyễn Văn Đức – Anh hùng LLVTND


Thực hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, sau 6 lần tổ chức, Chương trình giao lưu nghệ thuật Vang mãi bản hùng ca đã xây dựng 15 nhà tình nghĩa, tặng 500 sổ tiết kiệm, 500 suất học bổng, 3.000 suất quà cho thân nhân liệt sỹ, thương binh, nạn nhân chất độc màu da cam, học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; ủng hộ đồng bào lũ lụt 4 tỉnh Bắc miền Trung  và xây dựng Khu tưởng niệm 78 liệt sỹ Đại đội 16, trung đoàn 27, xây dựng khuôn viên và nhà bia chiến tích khẩu đội 5 đại đội 16, trung đoàn 27 tại xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Chương trình lần này sẽ tặng 80 sổ tiết kiệm, 200 suất quà cho thân nhân liệt sỹ, thương binh, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc màu da cam có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng giai đoạn 2 Khu tưởng niệm 78 liệt sỹ đại đội 16 trung đoàn 27; xây dựng khuôn viên và nhà bia chiến tích Khẩu đội 5, đại đội 16, trung đoàn 27 tại xã Triệu  Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. 

 
 
Tặng sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sỹ, thương binh, cựu chiến binh,
nạn nhân chất độc màu da cam có hoàn cảnh khó khăn


Chương trình giao lưu nghệ thuật còn có sự tham gia của NSƯT. Việt Hoàn, NSƯT. Hồng Hạnh, ca sỹ Lan Anh, ca sỹ Phương Thảo cùng Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng và Đội Tuyên truyền Văn hóa Bộ đội Biên phòng Quảng Trị.

 
 

Chương trình “Vang mãi bản hùng ca” lần thứ 6 do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công ty TNHH Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông Mobifone; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín  và nhiều tập thể, cá nhân đồng tài trợ. Ngoài tài trợ, các đơn vị sau đây còn ủng hộ từ thiện cho chương trình: Công ty trách nhiệm Hoàng Vũ, ủng hộ 500 triệu đồng xây dựng “Nhà bia chiến tích khẩu đội 5”; Tổng Công ty CP Bia – Rượu – NGK Sài Gòn 40 số tiết kiệm; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam 02 sổ tiết kiệm; Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Long Hưng 50 thùng nước ngọt… 

 
 Trao bảng vàng lưu danh và vòng nguyệt quế cho các nhà tài trợ

Những cuộc chiến tranh lịch sử mà dân tộc Việt Nam đã trải qua là những mốc lịch sử bi hùng làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc ta. Những sự kiện lịch sử, những câu chuyện bi hùng được tái hiện lại trong chương trình Vang mãi Bản hùng ca  đã nói lên phẩm chất cao quý của Bộ đội cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. 

Thu Hằng
 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất