Theo đó, trên cơ sở đề xuất của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, Thường trực, Ban Thường vụ các cấp ủy đã định hướng và phê duyệt nội dung giám sát, phản biện vào tháng 11 hàng năm để Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm sau; quá trình thực hiện nếu có nội dung phát sinh, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục báo cáo để cấp ủy cho ý kiến định hướng, điều chỉnh nội dung giám sát cho phù hợp với tình hình.
Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đã định hướng phê duyệt 2.444 nội dung giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội. UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương thực hiện việc công khai các thông tin, phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội và thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi các kiến nghị, ý kiến góp ý của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân.
Trên cơ sở định hướng nội dung giám sát của cấp ủy, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 3.065 cuộc giám sát đối với các tổ chức, cá nhân. Qua giám sát, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã đề xuất, kiến nghị 2.961 nội dung nhằm góp phần xây dựng, thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Sau khi tiếp nhận các nội dung kiến nghị, các cơ quan, đơn vị được giám sát đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, phòng, ban, bộ phận có liên quan để xem xét giải quyết các nội dung kiến nghị và thông tin đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh để theo dõi. Đến nay đã có 2.393/2.961 (đạt 80,81%) nội dung kiến nghị sau giám sát đã được giải quyết, số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo giải quyết.
Công tác phản biện xã hội được Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả bước đầu. Qua phản biện, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã kịp thời phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa phù hợp trong những dự thảo văn bản của các cơ quan và các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội; từ đó, kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và nâng cao tính khả thi, hiệu quả của các chủ trương, chương trình, đề án, dự án; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội.
Các địa phương, đơn vị bằng nhiều hình thức đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, công khai về hoạt động, quy chế làm việc của tổ chức; về các chủ trương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương; công khai một số nội dung, một số khâu trong công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật, kê khai tài sản, thu nhập của đảng viên, cán bộ công chức... theo quy định; việc đặt hòm thư góp ý tại trụ sở đã được triển khai từ nhiều năm qua và đi vào nề nếp. Hầu hết các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã thực hiện việc đặt hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc; đồng thời, phân công bộ phận (hoặc cán bộ) phụ trách quản lý hòm thư, tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến góp ý của tập thể, cá nhân.
Một số địa phương và các sở ngành trong tình đã thực hiện việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, các văn bản quy phạm pháp luật và các chủ trương lớn của địa phương. Cấp ủy các cấp đã tổ chức lấy ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và trong nhân dân đối với dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, dự thảo Văn kiện Đại hội cấp huyện và cơ sở. Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giới thiệu, lấy ý kiến góp ý đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc trách nhiệm quản lý tại nơi cư trú, nơi công tác trước khi tổ chức kiểm điểm hằng năm và trước khi thực hiện công tác cán bộ theo quy định.
Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ngày càng đi vào nền nếp, thiết thực; 5 qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức 472 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân. Đối với cấp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại với nhân dân Thành phố Phan Thiết (năm 2016), đối thoại với nhân dân huyện Tuy Phong (năm 2017) và với nhân dân thị xã La Gi (năm 2018), tập trung vào các chủ đề về công tác quản lý quy hoạch, sử dụng đất, xây dựng, bảo vệ môi trường, quản lý trật tự an toàn xã hội, việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ....
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với cán bộ công đoàn và công nhân, người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về những nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Thông qua đối thoại, các cấp ủy, chính quyền đã nắm bắt tình hình, giải thích, giải quyết kịp thời những tâm tư nguyện vọng, những vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong nhân dân; đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, của chính quyền, từ đó có những giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, điều hành và tạo sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đến nay đã có 3.783/4.130 (đạt 91,59%) ý kiến tiếp thu tại các buổi đối thoại đã được giải quyết.
Quá trình triển khai thực hiện, các cấp ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nội dung giám sát, phản biện; chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện việc công khai thông tin, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chỉ đạo tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; quan tâm kiểm tra, đôn đốc chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp triển khai thực hiện Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị và các quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã đưa công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và từng bước nâng dần chất lượng, hiệu quả. Thông qua đó, kịp thời phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp và kiến nghị một số nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và nâng cao hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội; đồng thời, khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội.
Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ngày càng nền nếp và thiết thực hơn, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc chăm lo đời sống nhân dân, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân ngay tại cơ sở; qua đó tạo được sự đồng thuận và củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền; góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội địa phương.
Mặc dù cấp tỉnh và các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, lớp tập huấn, song vẫn còn một số cấp ủy cơ sở, chính quyền, đơn vị, tổ chức và một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu kỹ về mục đích, tính chất của giám sát, phản biện xã hội; chưa nắm chắc nội dung, phương thức, quy trình thực hiện giám sát, phản biện theo tinh thần Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị và các quy định, hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Sự phối hợp giữa chính quyền, các ngành trong việc tạo điều kiện để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có lúc, có nơi chưa được đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.
Việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhìn chung còn lúng túng, chất lượng chưa cao như: việc lựa chọn nội dung, đối tượng giám sát chưa phù hợp, còn trùng lắp; đối tượng giám sát chủ yếu là các cơ quan, tập thể, chưa thực hiện việc giám sát đối với cá nhân; phương pháp giám sát chủ yếu thông qua nghiên cứu tài liệu và làm việc trực tiếp, các phương pháp khác chưa được phát huy; việc theo dõi kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của chủ thể giám sát đối với đối tượng được giám sát chưa thật sự chú ý. Công tác phản biện xã hội còn nhiều hạn chế, chủ yếu thực hiện thông qua hình thức góp ý kiến.
Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 217, số 218-QĐ/TW của Bộ chính trị (khóa XI) đạt kết quả, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cần phải tập trung thực hiện tốt một số nội dung như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền việc thực hiện Quyết định số 217, số 218 của Bộ Chính trị. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu, kỹ về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, vai trò của tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đa dạng hơn nữa các hình thức tuyên truyền, nhất là trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; Nghiên cứu, nắm chắc các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về trách nhiệm, nội dung, phương pháp, quy trình thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đồng thời, cụ thể hóa, gắn kết với việc thực hiện các văn bản mới của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến việc phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong thực hiện các nghị quyết của Đảng. Tiếp tục đưa nội dung bồi dưỡng kỹ năng, quy trình, phương pháp giám sát, phản biện xã hội vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ định kỳ của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực, chủ động hơn nữa trong việc nghiên cứu, đề xuất cấp ủy định hướng và triển khai kế hoạch thực hiện giám sát, phản biện xã hội; chú ý khắc phục các hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc giám sát, phản biện xã hội; thường xuyên theo dõi kết quả giải quyết các đề xuất, kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội, đối thoại với nhân dân để phản ánh các cơ quan, các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Chú ý xây dựng, phát huy các Hội đồng tư vấn và xây dựng lực lượng cộng tác viên, chuyên gia nhằm giúp nghiên cứu chuyên sâu các nội dung giám sát, phản biện xã hội.
Các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, công khai về hoạt động, quy chế làm việc của tổ chức, nội dung các dự thảo văn bản hoặc các đề án, dự án cần phản biện và tích cực phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giải quyết tốt các kiến nghị, đề xuất của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện; thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý và phản hồi các ý kiến kiến nghị theo quy định; Tiếp tục tổ chức tốt việc đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân địa phương bảo đảm hiệu quả và ngày càng đi vào nề nếp; các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền về các mô hình, cách làm hay trong triển khai thực hiện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy đúng mức vai trò vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có chất lượng./.
Tô Thành Long
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận