Thứ Ba, 17/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Năm, 6/12/2018 9:52'(GMT+7)

Thái Nguyên: Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Lãnh đạo Tỉnh ủy trao lưu niệm cho các thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”

Lãnh đạo Tỉnh ủy trao lưu niệm cho các thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu Lịch sử 80 năm Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”

Những chuyển biến tích cực

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương khóa IX về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 31/12/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử các ngành trong tỉnh”, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngày 10/10/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ban hành Đề án số 04-ĐA/TU về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn; tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020” (sau đây viết tắt là Đề án 04).

Đề án 04 xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ, giải pháp toàn diện về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương. Đề án được các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện nghiêm túc.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án số 04, nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đã có những chuyển biến tích cực. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở các cấp, các ngành được thực hiện nghiêm túc từ khâu khai thác, xử lý tư liệu đến biên soạn, hội thảo, thẩm định và nghiệm thu. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử được tăng cường, có sự định hướng chính trị tư tưởng sâu sắc và chuẩn xác về nội dung, đa dạng và thiết thực về hình thức thể hiện với sự tham gia của nhiều lực lượng. 

Về nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử, ở cấp tỉnh, đã triển khai chỉnh lý, biên soạn bổ sung “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)”; biên soạn các cuốn sách “Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Nguyên”, “Kỷ yếu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1945 – 2020, “Biên niên Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936 - 2016”, “Hỏi - Đáp Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936-2016”, “Đại đội TNXP 915- Khúc tráng ca bất tử”; 18/42 ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh xuất bản lịch sử truyền thống ngành, đơn vị. Ở cấp huyện, 4/9 huyện, thành phố đã chỉnh lý, biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử đảng bộ viết đến năm 2015; 3 huyện đang triển khai chỉnh lý, biên soạn bổ sung lịch sử đảng bộ huyện; nhiều đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, nhiều cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đã xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành, cơ quan hoặc biên soạn kỷ yếu đơn vị. Ở cấp xã, 160/180 xã, phường, thị trấn đã triển khai nghiên cứu, biên soạn, trong đó 130 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử đảng bộ; một số phường, thị trấn mới thành lập chưa bảo đảm thời gian cần thiết nên chưa nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương. 

Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành hướng dẫn về quy trình nghiên cứu, biên soạn; tham gia hội thảo, góp ý xây dựng, hoàn thiện nhiều công trình lịch sử đảng bộ cấp huyện, cấp xã, lịch sử truyền thống các ngành, đơn vị cấp tỉnh; giúp đỡ, tạo điều kiện cho các cơ quan, nhóm tác giả trong sưu tầm, khai thác tư liệu lịch sử và ngày 24/02/2016, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 372-QĐ/TU “Về việc ban hành Quy định thẩm định bản thảo lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị; lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh Thái Nguyên”. Theo Quy định này, các bản thảo lịch sử trước khi xuất bản phải được hội đồng thẩm định lịch sử do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thành lập thẩm định và thông qua; nếu bản thảo không bảo đảm chất lượng, không được thông qua, cơ quan, đơn vị phải tổ chức biên soạn lại. 

Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định bản thảo Lịch sử Đảng bộ xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (tháng 5/2018)

Quang cảnh cuộc họp Hội đồng thẩm định bản thảo Lịch sử Đảng bộ xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (tháng 5/2018)

Thực hiện Quyết định 372-QĐ/TU, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thành lập nhiều hội đồng thẩm định bản thảo lịch sử với sự tham gia của các đồng chí đã và đang công tác chuyên ngành, có kinh nghiệm nhiều năm trong nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn và thẩm định lịch sử. Hội đồng nhận xét, góp ý toàn diện về bố cục, phân kỳ lịch sử, tiêu đề các chương, mục; các sự kiện, nhân vật lịch sử; phương pháp, diễn đạt, ngữ pháp, sau đó tiến hành thảo luận, thống nhất nhận xét và đánh giá bằng phiếu chấm điểm quyết định thông qua hay không thông qua bản thảo. Đến hết tháng 10/2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 60 hội đồng thẩm định bản thảo lịch sử, thông qua 50 và không thông qua 10 bản thảo. Từ khi có hoạt động thẩm định bản thảo lịch sử, chất lượng các cuốn sách, các tài liệu lịch sử sau xuất bản, phát hành được nâng lên rõ rệt, bảo đảm tính Đảng, tính khoa học. 

Về tuyên truyền, giáo dục lịch sử, nhiều đảng bộ, nhiều ngành ở tỉnh đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia. Các đơn vị: Đảng bộ thành phố Thái Nguyên, Đảng bộ huyện Đại Từ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh...có nhiều cố gắng nhằm nâng cao chất lượng các cuộc thi. Đặc biệt, Cuộc thi viết “Tìm hiểu 80 năm lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1936 - 2016)” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức thu được hơn 103.000 bài thi (trên tổng số 87.000 đảng viên cùng thời điểm của Đảng bộ), trong đó, nhiều bài thi có nội dung sâu sắc, nhiều tư liệu và hình ảnh minh họa giá trị, trình bày công phu, nghệ thuật. 

Công tác tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh được tăng cường. Trung bình mỗi tuần có 3 tin, bài về lịch sử được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung tham mưu, tổ chức các ngày lễ lớn, các sự kiện lịch sử; triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật; tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ kỷ niệm các sự kiện lịch sử của đất nước và địa phương, trong đó nhiều lễ kỷ niệm có sự tham dự của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Trung ương như: “Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về Thái Nguyên, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (20/5/1947-20/5/2017)”, “Lễ kỷ niêm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017)”; chú trọng phát huy giá trị tuyên truyền của các di tích lịch sử. Ngành Giáo dục và Đào tạo biên tập tài liệu và đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các nhà trường phổ thông trong tỉnh.

Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”; căn cứ  Kế hoạch số 331-KH/HVCTQG  ngày 30/7/2018 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh triển khai Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 2/10/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Kế hoạch số 102-KH/TU và ngày 25/10/2018 tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt cấp tỉnh học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 20. Ngày 15/11/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 110-KH/TU thực hiện Chỉ thị 20.

Kế hoạch số 110-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 20 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, ban tuyên giáo cấp ủy các cấp quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Ban Bí thư, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, thực hiện toàn diện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả các nội dung công tác lịch sử Đảng; giai đoạn 2018-2020 tập trung chỉ đạo, tiếp tục thực hiện Đề án số 04. Kế hoạch cũng nêu nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan tham mưu giúp việc và cấp ủy các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; theo dõi, nắm và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác lịch sử của Đảng bộ tỉnh; tổ chức thẩm định bản thảo lịch sử. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và triển khai thực hiện Đề án số hóa tư liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Tăng cường công tác sưu tầm tư liệu, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, tích hợp nội dung tư liệu sưu tầm được vào Đề án số hóa tư liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh.

Các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh triển khai nghiên cứu, biên soạn hoặc chỉnh sửa, bổ sung, tái bản lịch sử ngành, cơ quan, đơn vị.

Văn phòng Tỉnh ủy chú trọng công tác lưu trữ tư liệu lịch sử; chủ trì nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn “Văn kiện Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (1945-2020)”.

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã, lịch sử truyền thống các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện; chỉnh sửa, biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử đảng bộ cấp huyện và các cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã viết đến năm 2005 trở về trước; nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn Văn kiện đảng bộ cấp huyện. Tùy điều kiện cụ thể, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn Biên niên sự kiện lịch sử đảng bộ cấp huyện.

Các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, triển khai nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của ngành, đơn vị; rà soát, chỉnh sửa, biên soạn bổ sung, tái bản các cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống đã viết đến năm 2005 trở về trước. Tùy điều kiện cụ thể, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn Văn kiện đảng bộ.

Kế hoạch 110-KH/TU cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp, xác định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, ban tuyên giáo cấp ủy các cấp, Trường Chính trị tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh về tăng cường, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ; tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện, kinh phí cho công tác lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các ngành, các đơn vị.

Theo Kế hoạch 110-KH/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu triển khai, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; hằng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 20 với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh./.

Hà Minh Lợi
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất