Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 10/11/2012 15:34'(GMT+7)

Bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới

 

Trong những năm qua, công tác phát hiện, bồi dưỡng, chăm sóc các tài năng trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật (VHNT) được các hội văn học - nghệ thuật ở trung ương và các địa phương rất quan tâm. Nhưng vẫn còn khá nhiều bất cập, đòi hỏi cần phải nhanh chóng tháo gỡ. Từ thực tế của một nghệ sĩ có hơn 5 chục năm gắn bó với nghệ thuật múa, NSND Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam cho biết, Hội đã 3 lần tổ chức thi tài năng trẻ ngành múa và cũng đã tổ chức các cuộc thi biên đạo trẻ, nên đội ngũ biên đạo từ 30 đến 50 tuổi đã có sự sáng tạo và tư duy về đổi mới nghệ thuật múa. Trong các hội diễn, các biên đạo đóng góp các ý kiến chủ lực. Nhưng mừng đó mà lại lo ngay đó, bởi các em có tài, có năng khiếu đã bỏ ra dạy các trường lớp, biểu diễn ở bên ngoài. Có em đi tu nghiệp ở nước ngoài rất được coi trọng, nhưng nếu các em về nước liệu có được sử dụng?

Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn- Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ở nước ta đã hình thành đội ngũ kiến trúc sư trẻ có tài năng, đạt nhiều thành công bằng tài năng sáng tạo của mình. Nhiều kiến trúc sư trẻ như: Võ Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào đã đoạt giải cao trong các cuộc thi Kiến trúc quốc tế. Đặc biệt, năm 2012, KTS Võ Trọng Nghĩa đã được giải thưởng WAN for 21 vinh danh là một trong số 21 KTS có nhiều ảnh hưởng trong sáng tạo Kiến trúc của thế kỷ 21. Vừa qua, tại Festival kiến trúc thế giới 2012 tổ chức tại Sinhgapo, anh đã đạt cùng lúc hai giải Nhất cho thể loại nhà ở và trường học sáng tác theo xu hướng kiến trúc xanh. Nhưng KTS Nguyễn Tấn Vạn không khỏi trăn trở trước xu hướng vọng ngoại của các nhà đầu tư, đội ngũ kiến trúc sư trẻ của Việt Nam vẫn chưa thực sự được tin tưởng, đánh giá cao ở ngay chính quê hương mình.

PGS-TS Văn Giá- Chủ nhiệm khoa Viết văn báo chí- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, trước đây chúng ta có Trường viết văn Nguyễn Du - là nơi ươm mầm, vun đắp cho nhiều tài năng văn học. Từ tháng 6/2004, trường đổi tên thành Khoa sáng tác và Lý luận - phê bình văn học, rồi tháng 4/2012 lại chuyển thành Khoa Viết văn - Báo chí. Từ sự chuyển đổi này, xuất hiện một số nguy cơ đáng lo ngại. Đó là sự xóa nhòa tính đặc thù của nó. Thành thử ra nó không được ưu tiên đáng kể gì về chế độ, chương trình, thi cử, tài chính, nơi ăn, chốn ở, đi thực tế, thực tập. Tất nhiên việc đào tạo vẫn phải tiến hành, trong mỗi năm cũng có xuất hiện một vài gương mặt, nhưng việc đào tạo những người viết văn trẻ đáng lo ngại, ngày càng sa sút về số lượng đầu vào và chất lượng đầ ra.

PGS-TS Văn Giá đề xuất cần xây dựng qui chế đào tạo đặc thù cho việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn học- nghệ thuật, cụ thể là phải có chương trình, đầu tư, chế độ thù lao riêng cho những người giảng dạy, chế độ đi thực tế, thực tập.

Để đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, TS-NSND Phạm Thị Thành có nhiều năm gắn bó với việc giảng dạy, đào tạo các tài năng sân khấu thì cho rằng, lý thuyết phải đi đôi với trải nghiệm của cá nhân sáng tạo, chứ lý thuyết không thì cũng không đủ. Nhưng chỉ có kinh nghiệm không cũng không được, nó sẽ thiếu đi phần lý luận. Nhất là nghề đạo diễn cần có kiến thức sâu về triết học, lý luận, thường xuyên phải đi xem nhiều. Trong việc giảng dạy, bồi dưỡng đào tạo tài năng phải kết hợp cả hai. Việc đào tạo không chỉ riêng ở nhà trường, mà kết hợp lý luận và thực tế.

Theo nhà văn Cao Duy Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ thiểu số Việt Nam, để các tài năng được phát triển, cần tránh tình trạng bồi dưỡng, đào tạo dàn trải, cào bằng. Hội Văn nghệ thiểu số Việt Nam đã tổ chức hơn 10 lớp ở các vùng, miền. Khó khăn là đội ngũ những người viết trẻ ngày càng ít đi. Việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng VHNT không thể làm theo kiểu "vãi đỗ", cứ gieo hạt xuống là có ngay được cây lớn, quả to, nó đòi hỏi phải làm lâu dài, tinh tế và kiên nhẫn. Lựa chọn xong rồi thì thời gian bồi dưỡng có thể kéo dài hơn, không chỉ 1 tuần, 10 ngày, mà làm một tháng hoặc lâu hơn, để nghe kinh nghiệm sáng tạo và rút kinh nghiệm trực tiếp trên tác phẩm.

Văn học- nghệ thuật có nhiều loại hình khác nhau, vì thế việc bồi dưỡng, đào tạo tài năng cũng ở mỗi loại hình có đặc trưng riêng; cần phát triển đồng bộ tài năng trên các lĩnh vực sáng tạo và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng nêu ý kiến rằng, đã gọi là bồi dưỡng, phát hiện tài năng thì bất kể nhân tố đó ở lĩnh vực nào, hoàn cảnh gia đình ra sao cứ hễ họ có trí tuệ, có tài năng thì những người làm công tác quản lý phải chăm sóc họ, giúp họ bồi dưỡng tài năng thì mới không dàn trải, mới có tài năng đích thực.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, nhìn nhận tài năng VHNT thực chất cũng là nhìn nhận vai trò của đội ngũ trí thức. Đó là một tổng thể bao gồm công tác đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đánh giá, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài. Trong số rất nhiều giải pháp để bồi dưỡng nhân tài, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh tới việc tạo ra một không gian sáng tạo rộng rãi, tin cậy, đầm ấm để phát triển tài năng. Đó chính là tự do sáng tạo đối với văn nghệ sĩ. Chỉ khi có một không gian sáng tạo rộng thoáng, tin cậy, đầm ấm, trân trọngvới tài năng thì tài năng mới phát huy hết tiềm năng sáng tạo thiên bẩm của cá nhân. Nếu chúng ta không tôn trọng được điều này thì tài năng không phát triển được. Không gian sáng tạo là mở rộng, tôn trọng sự tìm tòi, tôn trọng sự tìm tòi những giá trị mới của văn nghệ sĩ.

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Đảng, Nhà nước, cần có đường lối, chính sách, thể chế hóa thành những chính sách đãi ngộ cụ thể, thể hiện ở nhiều khâu khác nhau: từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tài năng và quảng bá giá trị của các tác phẩm. Chăm sóc, bồi dưỡng là cả một hệ thống liên hoàn, thống nhất và rộng lớn, không thể tách bỏ, chia cắt phần nào.

Sau hội thảo ở khu vực phía Bắc, ngày 19/11 tới, Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo ở khu vực phía Nam để tổng hợp các ý kiến cho đề án về tiếp tục phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Trong đó, việc bồi dưỡng, chăm sóc tài năng VHNT được hết sức quan tâm./.

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất