Nói đến danh hiệu, ai cũng thích. Vì danh hiệu luôn gắn liền với những phẩm chất tốt đẹp, thành tích cao quý của cá nhân và tổ chức. Đối với danh hiệu văn hóa lại càng ý nghĩa hơn, vì tự thân từ “văn hóa” đã bao hàm những giá trị nhân văn, tiến bộ.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người, nhiều nơi nhận thức chưa đúng đắn, ứng xử chưa đúng mực với một số danh hiệu văn hóa, do vậy đã có biểu hiện chạy theo thành tích để được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”…
Ảnh minh họa / laodong.vn
Kết quả kiểm tra thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại một số quận, huyện, sở, ngành tại Hà Nội vừa qua cho thấy, 100% đơn vị đều đạt và vượt chỉ tiêu xây dựng danh hiệu văn hóa. Không riêng Hà Nội, hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng có biểu hiện chạy theo thành tích khi xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa. Nếu như năm 2011, cả nước có 73% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 44% thôn, bản, ấp đạt danh hiệu "Làng văn hóa", thì đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 85% "Gia đình văn hóa" và trên 68% "Làng văn hóa".
Đáng lẽ với con số đó, nên mừng vì đất nước ta hầu như nhà nào, nơi nào cũng đạt danh hiệu văn hóa. Thế nhưng, nhìn một cách thực chất, tình trạng háo thành tích, “chạy danh hiệu” đang diễn ra khá trầm trọng trong việc xét tặng các danh hiệu văn hóa cho các gia đình và khu dân cư. Bên cạnh lý do sâu xa là người Việt có tâm lý háo danh, chuộng hình thức, còn do thói đời kèn cựa, “con gà tức nhau tiếng gáy” nên nhiều gia đình, làng, tổ dân phố đã cố “chạy” bằng được cái danh hiệu văn hóa để có dịp còn phô trương, khoe mẽ với thiên hạ. Trong khi đó, thái độ nể nang, bầu bán hình thức cũng khiến cho việc xét duyệt, công nhận các danh hiệu văn hóa càng thêm… bát nháo!
Có người bảo, danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa” chủ yếu mang ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần là chính, nên việc xét tặng “nương tay” một tí cũng có sao đâu? Làm thế cũng là một cách “làm đẹp” lòng nhau, có gì đáng phê phán? Xin thưa rằng, quan niệm như vậy là phiến diện. Bởi lẽ, đã là danh hiệu thì bao giờ cũng cao quý, trân trọng. Nhất là đối với các danh hiệu liên quan đến văn hóa thì càng phải đặt đúng vị trí của nó mới xứng tầm văn hóa. Một gia đình văn hóa mà nội bộ vẫn có biểu hiện “trên không thuận, dưới không hòa” thì có tạo được niềm tin cho hàng xóm láng giềng? Một làng văn hóa mà còn nhiều người dân nói tục chửi bậy, nuôi lợn và trồng rau với “công nghệ thuốc” kích thích tăng trưởng “siêu nhanh”… liệu có xứng đáng với danh xưng được gọi hay không? Một tổ dân phố văn hóa mà còn nhiều thanh thiếu niên chơi bời lêu lổng, nhiều quán game online mở thâu đêm suốt sáng, nhiều người dân xả rác thải bừa bãi… liệu có ngang tầm với danh hiệu được tặng hay không?
Trước tình trạng xét tặng “bội thực” các danh hiệu văn hóa, mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ này xây dựng dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”. Việc làm này nhằm chấn chỉnh, khắc phục những bất cập trong việc xét tặng, công nhận các danh hiệu văn hóa, đồng thời đưa các danh hiệu này vào đúng quỹ đạo để giữ gìn được ý nghĩa, giá trị đích thực của nó.
Trong khi chờ đợi nghị định mới ban hành, đã đến lúc các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị phải tự mình siết chặt công tác quản lý, thẩm định, xét duyệt, công nhận, trao tặng các danh hiệu “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa” ngay từ năm 2017. Kiên quyết ngăn ngừa, khắc phục cho được tình trạng háo thành tích, “chạy danh hiệu” dễ làm méo mó, biến dạng giá trị của các danh hiệu văn hóa. Muốn vậy, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là những người được trao quyền xét duyệt, ký tặng các danh hiệu văn hóa, phải thực sự đề cao ý thức, thái độ, trách nhiệm văn hóa để không cho những biểu hiện trái văn hóa “len lỏi” vào việc làm ý nghĩa này./.
Anh Thảo (Báo QĐND)