Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện, ở Việt Nam có khoảng 50 triệu người sử dụng in-tơ-nét, đạt tỷ lệ 53% dân số. Đây cũng là con số cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64% dân số đang sử dụng in-tơ-nét. Trong đó, số người sử dụng in-tơ-nét thường xuyên mỗi ngày chiếm 78% số người có sử dụng in-tơ-nét.
Với con số hơn 38 triệu người sử dụng mạng xã hội, đây là một xu thế cho thấy Việt Nam đang tiếp tục là đất nước có tốc độ tăng trưởng in-tơ-nét cao trên thế giới.
Không thể kể hết những tiện ích mà mạng xã hội đem lại cho người sử dụng. Đó là một thế giới đa dạng nơi các thành viên có thể kết nối và chia sẻ thông tin nhanh chóng và tức thì. Mạng xã hội mở ra những cơ hội kinh doanh mới nhờ các ứng dụng hiện đại. Đây cũng là những kho kiến thức ngày càng phong phú thông qua các thông tin cư dân mạng cập nhật mỗi ngày.
Tuy nhiên, hằng ngày, lướt qua các trang mạng xã hội ở Việt Nam, bên cạnh những thông tin hay, tích cực đăng tải, có thể thấy các cư dân mạng đang bùng nổ những xu hướng đáng quan ngại.
Đó là phong trào thu hút mối quan tâm của cộng đồng mạng bằng những thông tin giật gân, câu khách rẻ tiền. Thậm chí, để “câu like”, người ta sẵn sàng bịa đặt thông tin như rơi máy bay ở sân bay Nội Bài vì mưa to; đưa tin tình hình bắt cóc trẻ em ở các địa phương thiếu kiểm chứng khiến cho những vụ việc đau lòng đã xảy ra như đánh nhầm người rồi đốt xe ô-tô ở Hưng Yên, Sóc Sơn (Hà Nội) do người dân nghi ngờ các nạn nhân là đối tượng bắt cóc trẻ em, v.v. Nhiều thông tin đăng một cách ác ý, không kiểm chứng đã làm bộ phận không nhỏ dư luận hoang mang, gây bất ổn xã hội. Nguy hiểm hơn, nhiều cư dân mạng còn tự cho mình cái quyền chỉ trích, bình luận, phán xét người khác hoặc đánh giá về những sự việc chưa được làm sáng tỏ, khiến cho thông tin càng thêm nhiễu, dư luận càng bị cuốn vào những trận “bão mạng”. Nhiều thông tin độc hại, mang nội dung kích động, thù hằn sắc tộc phát tán với mức độ lan tràn nguy hiểm. Bàn chuyện trong nước chưa đủ, các “anh hùng bàn phím” còn mang cả chuyện đối ngoại ra để mổ xẻ, phân tích bằng đủ những lời lẽ thiếu khách quan. Hệ quả là, những lời bình luận, nhận xét vô căn cứ, phiến diện ấy làm ảnh hưởng vị thế và hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, tác động xấu tới hòa bình và an ninh của đất nước.
Hãy tỉnh táo và có tâm thức đúng đắn khi sử dụng mạng xã hội bởi những thông tin tưởng chừng như ảo ấy lại có thể gây ra rất nhiều tác hại thực và tác động xấu tới đời sống của từng người và cộng đồng. Những thông tin thiếu trách nhiệm, phản văn hóa ấy đang đầu độc chính thế giới ảo khiến cho mạng xã hội ngày càng trở nên kém giá trị tham khảo bởi thiếu đi tính nhân văn, văn hóa và trách nhiệm vì mục tiêu cao cả là sự tiến bộ và phát triển của xã hội.
Thanh Phương/Nhân dân