Hai ông bạn già ngồi nói chuyện với nhau về sự giàu. Ông thứ nhất kể:
- Cách đây dăm năm, tôi từng có dịp lên công tác tại một huyện miền núi biên giới thuộc diện nghèo nhất nước. Đi từ trung tâm tỉnh lị lên đây, phải mất gần một ngày đi đường ô tô. Huyện này mới thành lập được khoảng gần hai năm, trong khi phần lớn các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của địa phương phải ở tạm bợ do trụ sở đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, thì ở trung tâm xã (lúc đó chưa gọi là thị trấn huyện lị) có một ngôi nhà bốn tầng to đẹp, khang trang, hiện đại. Cùng với khu hội trường huyện mới được khánh thành, thì đây là căn nhà thuộc diện hoành tráng nhất trên địa bàn vào thời điểm đó. Bà con dân tộc ở địa phương vốn chất phác, thật thà, khi đi qua con đường nhìn thấy và biết ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của vị cán bộ “to nhất” huyện, có người chỉ chỉ chỏ chỏ: “Ồ, ngôi nhà của cán bộ bằng cả trăm con trâu mộng của bản cộng lại đấy!”.
Ông thứ hai nói:
- Còn tôi mỗi lần về thăm quê phải đi qua một thị trấn đồng bằng nằm ngay sát với xã mình. Tại ngã tư rẽ về con đường xã nhà, trước đây ở vị trí này có một cây đa to, nhưng do mở rộng đường xá nên cây đa đã bị chặt bỏ. “Thế” vào đúng chỗ cây đa ấy là một ngôi nhà bốn tầng to đẹp của một cán bộ lãnh đạo cấp sở vừa nghỉ hưu. Ở vị trí đắc địa, không gian thoáng đãng, giao thông đi lại tiện lợi, ngôi nhà như một “nét son” nổi bật giữa khung cảnh làng quê thanh bình nhưng vẫn còn không ít cảnh đời chưa hết gian nan, nghèo khó. Người dân địa phương râm ran với nhau, cây đa bị chặt không hẳn vì con đường mở rộng, mà bởi ngôi nhà cao tầng kia đã “biết” soán mảnh đất vàng!
- Nghe ông nói vậy, tôi lại ngẫm ra một điều. Không biết tự bao giờ, một bộ phận người Việt vẫn có cái thói “giàu ghen, khó ghét”, tức là bày tỏ thái độ “ấm ức, khó chịu” ngấm ngầm đối với những người giàu có hơn mình, còn đối với người nghèo khó thì lại ra vẻ khinh khi, coi thường. Tâm lý này bắt nguồn sâu xa từ xã hội tiểu nông thời trước, vì phần đông những người giàu có nếu không gắn với cái nghề từng bị miệt thị là “con buôn” do “buôn gian bán lận” thì cũng là những kẻ quan lại cường hào gian tham đã sống trên mồ hôi nước mắt của nhân dân.
- Nhưng ông ơi! Đã qua rồi cái thời “Nhịn đói nằm co hơn ăn no vác nặng” và “Há miệng chờ sung”. Sự chễ nải, tự ti, an phận thủ thường, tự bằng lòng với cuộc sống “thanh bần” của mình cũng như thái độ trông chờ ỷ lại, biếng nhác, không chịu thương chịu khó, không có ý chí vươn lên thoát nghèo, chính là căn nguyên của một bộ phận người nghèo. Nghèo thì dễ ở phận hèn, không đủ tự tin để hòa nhập với dòng chảy của cuộc sống đang đi lên từng ngày. Thế nên, ai đó mà chê bai, ghen ghét người khác giàu có hơn mình, nhất là người đó đã thật sự làm giàu bằng đôi tay, khối óc, ý chí vượt khó, năng động, sáng tạo của mình, thì sự ganh tị đó là vô cùng nhỏ nhen, ích kỷ và đáng lên án. Không bằng người thì đáng phải học người, đấy là mới là thái độ ứng xử nhân văn, tích cực.
- Tôi đồng ý với ý kiến của ông. Nhưng bên cạnh những người làm giàu chân chính, cũng có không ít sự giàu chưa hẳn do công sức, tài năng, sự nỗ lực của người trong cuộc, mà chủ yếu là do lợi dụng vị trí công tác, các mối quan hệ lợi ích nhóm và cố tình “luồn, lách” qua những kẻ hở của cơ chế, chính sách, luật pháp chưa hoàn thiện. Cái sự giàu này có kẻ muốn che mắt người đời thì khôn ngoan tẩu tán, “chia năm sẻ bảy” tài sản cho vợ con, anh em, họ hàng thân thích, đại loại gọi là “hoa thơm mỗi người ngửi một tí”; nhưng cũng có người muốn thể hiện, “ra oai, ra oách” với thiên hạ nên phô trương bằng những nhà lầu “khủng”, xe hơi “xịn” giữa thanh thiên bạch nhật. Sự thật thì hàng triệu con mắt nhân gian vốn tinh tường, sáng láng ở mọi lúc mọi nơi, thế nên những cái thứ khuếch trương như “biệt phủ” đứng lừng lững giữa cảnh quan non nước hữu tình, biệt thự hoành tráng “mọc” trên cánh đồng lồng lộng gió mát… của những người giàu, bỗng dưng trở thành “tiêu điểm” có sức hút sự tò mò của nhân gian. Nhất là tài sản của những người giàu đó lại gắn liền với hai từ “quan chức”, dân gian không bàn tán, dư luận không xì xào, sự đời không hoài nghi, mới là… chuyện lạ!
- Ông có từng nghe câu danh ngôn, đại ý thế này không: Ranh giới giữa sự giản dị, thanh nhã với sự phô trương, lố bịch chỉ là sợi tóc. Giản dị, thanh nhã bao giờ cũng xuất phát từ một lối sống nhân nghĩa, tâm hồn cao thượng. Còn sự phô trương, lố bịch hay gắn với những kẻ trọc phú, trưởng giả học làm sang. Nhà “lộng lẫy”, xe “lung linh”, biệt thự “lóng lánh” có thể làm “le lói” chút “hào quang” nhất thời với đời của một vài quan chức nào đó, nhưng những thứ vật chất phô trương “lòe loẹt” ấy cũng có thể tâm hồn của họ dễ bị “leo lét” suốt cuộc đời. Ngẫm ra cái sự giàu này, ngỡ tưởng sung sướng, hóa ra lại… ê chề thay!./.
Thiện Văn