Đầu năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) 2016, xếp hạng 176 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được chấm 33 điểm trong thang điểm 100, tăng hai điểm so với mức điểm 31 bị giữ nguyên trong bốn năm, từ năm 2012 đến 2015. TI cho rằng, đây là dấu hiệu đáng mừng đối với những nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam.
Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa qua, Thanh tra Chính phủ nhận định kết quả PCTN thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định và góp phần làm giảm tham nhũng. Từ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong PCTN, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng sẽ củng cố niềm tin của nhân dân, khích lệ các nhân tố tích cực tham gia công tác PCTN.
Tuy nhiên, công tác PCTN nhưng vẫn chưa thật sự mang tính đột phá. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong các lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công… Công tác PCTN tại các địa phương còn có những hạn chế, yếu kém. Nhiệm vụ đặt ra là cần tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,...; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn, gây bức xúc trong xã hội.
Vấn đề quan trọng được đông đảo cử tri và người dân quan tâm là Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; khẩn trương hoàn chỉnh dự án Luật PCTN sửa đổi, Luật Tố cáo sửa đổi trình Quốc hội khóa XIV, tổng kết và sửa đổi Luật Thanh tra, hoàn thiện pháp luật về thanh tra; tăng cường cơ chế phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra cần được quan tâm hơn.
Một yêu cầu cấp thiết và lâu dài trong công tác PCTN là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; trong đó, các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà tặng theo hướng có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm; hoàn thiện và quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về phòng ngừa, phát hiện và xử lý bước đầu hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Các đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan pháp luật tại nhiều diễn đàn gần đây cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền…
Theo Nhân dân