Chủ Nhật, 8/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 4/1/2022 9:27'(GMT+7)

Bước đầu chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo Quảng Trị

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng bằng khen cho tập thể đã có thành tích trong thực hiện chủ đề năm và công tác xây dựng Đảng năm 2019.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tặng bằng khen cho tập thể đã có thành tích trong thực hiện chủ đề năm và công tác xây dựng Đảng năm 2019.

ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TUYÊN GIÁO

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tham mưu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kế hoạch phối hợp với tập đoàn FPT trong thực hiện chuyển đổi số tại Quảng Trị, đưa các nội dung phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh vào các văn kiện đại hội Đảng các cấp trong tỉnh để triển khai thực hiện. Nhờ vậy, nhận thức và ứng dụng chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có bước chuyển biến đáng ghi nhận.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị luôn xác định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đổi mới hoạt động của ngành Tuyên giáo. Với sứ mệnh “đi trước, mở đường”, ngành Tuyên giáo phải tiên phong trong tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng cũng không thể chậm trễ.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định các mục tiêu hệ sinh thái số ngành Tuyên giáo cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của Ban với các mục tiêu và giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức ngành về vai trò, tầm quan trọng, xu thế tất yếu của chuyển đổi số đối với công tác tuyên giáo trong tình hình mới. Xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong công tác chuyên môn là giải pháp quan trọng đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, là công cụ tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong nội bộ Ban, nội bộ ngành Tuyên giáo, với các cơ quan, đơn vị trong khối Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Gắn thực hiện chuyển đổi số của ngành với xây dựng xã hội số, xây dựng hệ sinh thái số trong ngành Tuyên giáo.

Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị xác định chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo thực hiện ở 3 cấp độ: số hóa, khai thác cơ hội số (chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên dùng) và chuyển đổi số, toàn diện, tổng thể, đồng bộ trong các hoạt động. Ban đã tập trung rà soát, thực hiện “số hóa” tất cả các văn bản, dữ liệu, tài liệu, sắp xếp ngăn nắp các tệp trong kho tài liệu số để thuận lợi trong khai thác, sử dụng chung. Đa dạng hóa hình thức khai thác, phổ biến, lưu trữ tài liệu tuyên truyền trên mạng internet, icloud và các ứng dụng công nghệ số. Thực hiện các chương trình, quy định của Ban Bí thư, Văn phòng Trung ương Đảng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Đảng, Ban đã nghiên cứu đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến, đưa các tài liệu, văn bản không “Mật” lên mạng internet, tuân thủ các nguyên tắc bảo mật theo quy định

Thực hiện chuyển đổi số là quá trình thay đổi cách thức làm việc, cách thức vận hành của tổ chức, gắn với thay đổi cách sống của mỗi cá nhân, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị phát động phong trào cán bộ, nhân viên ngành Tuyên giáo sử dụng điện thoại thông minh. Năm 2019, trên 90% cán bộ công chức, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận các cấp trong tỉnh đã thực hiện yêu cầu này. Đây là bước trang bị “phương tiện số” làm tiền đề để triển khai “kỹ thuật số” trong hoạt động tuyên giáo. Muốn chuyển đổi số thành công, trước hết, người làm công tác tuyên giáo phải là công dân số. Hệ sinh thái số trong ngành Tuyên giáo phải được xây dựng dựa trên 3 trụ cột: Trang bị kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số. Các yêu cầu đối với cán bộ, công chức ngành Tuyên giáo, tiêu chuẩn lựa chọn báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội được bổ sung thêm yêu cầu về kỹ năng tác nghiệp trên không gian mạng.

Thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đầu tư đường truyền phục vụ hội nghị trực tuyến từ cấp huyện đến cấp xã. Việc kết nối thông tuyến đường truyền trực tuyến đã tạo thuận lợi rất lớn cho công tác của ngành, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 và nhiều xã ở xa trung tâm huyện, nhất là các huyện miền núi, đi lại khó khăn.

Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh, xác định tuyên truyền và đấu tranh trên không gian mạng là lĩnh vực trọng tâm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tập trung phát triển lực lượng. Đến nay, cả tỉnh có 1.923 trang facebook, fanpage, Youtube... của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã, có trên 200 nhóm (group) thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, chia sẻ thông tin tích cực, tham gia định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Trong hợp tác quốc tế và tuyên truyền đối ngoại, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức tập huấn trao đổi kinh nghiệm về việc lập và quản trị các trang facebook, các nhóm zalo, về tuyên truyền và định hướng dư luận trên không gian mạng cho Ban Tuyên huấn tỉnh Salavan (Lào), đồng thời, duy trì quan hệ trao đổi thường xuyên thông tin giữa 2 Ban thông qua các trang mạng xã hội.

Chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai sắp xếp, đổi mới hoạt động các cơ quan báo chí địa phương theo hướng: Giữ nguyên 3 cơ quan báo chí địa phương (Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Tạp chí Cửa Việt) nhưng cơ cấu lại tổ chức bộ máy và hoạt động theo hướng tinh gọn, hiện đại, tòa soạn đa phương tiện, thực hiện tòa soạn hội tụ, tòa soạn online, chuyển tải thông tin chủ yếu trên nền tảng internet. Thực hiện định hướng đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan báo chí địa phương chuyển đổi mạnh mẽ từ báo truyền thống sang báo điện tử; ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại để đưa thông tin báo chí lên các hạ tầng, nền tảng truyền thông, thay đổi cách tiếp cận hướng đến đối tượng độc giả, khán thính giả là cư dân mạng. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp lại theo Quyết định 362-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan báo chí địa phương đã thực sự thay đổi nhờ chuyển đổi số. Thực hiện dự án “Phát triển báo Quảng Trị điện tử và tin học hóa quy trình sản xuất báo”, báo Quảng Trị điện tử thực sự trở thành kênh dẫn nguồn thông tin cho các trang mạng trong tỉnh. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã xây dựng dự án “Chuyển đổi số trong Phát thanh - Truyền hình”, sản xuất và phát sóng các chương trình hướng đến thiết bị đầu cuối mà người dân sử dụng phổ biến là điện thoại di động, có những chương trình livestream thu hút trên 1,1 triệu lượt người xem, trên 5.200 bình luận. Tạp chí Cửa Việt là một trong số ít các tạp chí văn nghệ địa phương trong cả nước tiên phong và thành công trong thực hiện chiến lược số hóa. Từ năm 2020, Tạp chí đã đưa vào hoạt động mô hình tòa soạn online, xuất bản bài viết dưới hình thức emagazine, thực hiện livestream trên fanpage, chuyển tải tin bài và các clip ngắn trên Facebook, Tiktok. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã sử dụng các phần mềm chuyên dùng để tổng hợp thông tin báo chí viết về Quảng Trị, tổng hợp tin bài của phóng viên thường trú tại địa phương.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị xác định chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo của tỉnh thực hiện ở 3 cấp độ: số hóa, khai thác cơ hội số (chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên dùng) và chuyển đổi số, toàn diện, tổng thể, đồng bộ trong các hoạt động.

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị tiếp tục nghiên cứu triển khai một số giải pháp chuyển đổi số của Ban như sau:

Thứ nhất, trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu, yêu cầu của “công dân số” trong ngành Tuyên giáo để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch chuyển đổi số của Ban với lộ trình và giải pháp phù hợp. Định hình hệ sinh thái số trong ngành Tuyên giáo Quảng Trị dựa trên 3 trụ cột: trang bị kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số; chuyển hầu hết các hoạt động chuyên môn lên không gian số.

Thứ hai, xây dựng các phần mềm bài thu hoạch bằng hình thức online, sau khi học tập, nghiên cứu các nghị quyết, văn bản của Đảng, cập nhật lý luận, kiến thức mới, sinh hoạt chính trị hè cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục...

Theo Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Viet Nam ICT index) năm 2020, Quảng Trị xếp vị trí 27/63 tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số Viet Nam ICT index, tăng 17 bậc so với năm 2019 và tăng 20 bậc so với năm 2018.

Thứ ba, đưa các ấn phẩm lịch sử Đảng lên hạ tầng kỹ thuật số. Tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ các cấp trong tỉnh trên các trang mạng xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh tuyên truyền khám chữa bệnh từ xa, chăm sóc sức khỏe dựa trên các ứng dụng công nghệ số, phối hợp ngành với Giáo dục trong ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động dạy và học, cập nhật lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên.

Thứ năm, tiếp tục định hình và xây dựng văn hóa số gắn với văn hóa công sở tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và ban tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc.

Hồ Đại Nam
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất