Chủ Nhật, 22/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Ba, 12/8/2008 14:43'(GMT+7)

Hội đồng Lý luận TW: tập trung nhiệm vụ bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 và chuẩn bị Văn kiện ĐHXI

Trong hai ngày, 11-12/8, tại Hà Nội đã diễn ra Kỳ họp thứ 6 Hội đồng Lý luận Trung ương (nhiệm kỳ 2006-2010). PGS. TS Tô Huy Rứa - Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ đã trình bày Báo cáo đề dẫn về "Công tác lý luận của Đảng từ sau Đại hội X đến nay - Những vấn đề đặt ra và những định hướng phát triển trước yêu cầu mới" với những nội dung: Đại hội X của Đảng và những vấn đề lý luận đặt ra từ thực tiễn 20 năm Đổi mới; Công tác lý luận từ sau Đại hội X đến nay; Những nhiệm vụ của công tác lý luận trong thời gian tới.

Báo cáo đề dẫn khẳng định, Đại hội X của Đảng (4-2006) đã tổng kết lý luận - thực tiễn 20 năm đổi mới, đã có những bước phát triển mới về lý luận, đặt cơ sở ban đầu cho việc tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991 của Đảng – Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Về công tác lý luận từ sau Đại hội X của Đảng đến nay, đã có những chuyển biến tích cực bước đầu trong công tác lý luận theo yêu cầu của Đại hội X và thực tiễn đất nước đã và đang đặt ra. Điều đó được thể hiện trước hết ở nhiều nghị quyết trung ương Khoá X (như các nghị quyết Hội nghị TƯ 3, 4, 5, 6,7) đã đề cập tới những vấn đề lý luận - thực tiễn để cụ thể hoá các quan điểm, đường lối của Đại hội. Những nghị quyết này phản ánh nỗ lực to lớn của Trung ương trong việc phát triển lý luận và trong một chừng mực nhất định, Đảng ta đã đạt được những nhận thức lý luận mới. Đồng thời, tham gia vào công tác lý luận, gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội X có sự đóng góp quan trọng của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, các cơ quan nghiên cứu lý luận, các nhà khoa học thuộc các Viện, các nhà trường và Học viện. Hội đồng lý luận Trung ương với chức năng, nhiệm vụ tư vấn về các vấn đề lý luận chính trị cho Trung uơng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong nửa nhiệm kỳ đầu của Đại hội X đã có những nỗ lực đáng kể và những đóng góp kịp thời. Trong thời gian qua, Hội đồng đã trải qua 5 Kỳ họp, đã bước đầu tư vấn có hiệu quả đối với việc cung cấp các luận cứ xây dựng Nghị quyết Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới hệ thống tổ chức, bộ máy Đảng ở Trung ương, về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí, về xây dựng giai cấp công nhân, về giai cấp nông dân, xây dựng đội ngũ trí thức và giáo dục đào tạo thế hệ trẻ...

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những yếu kém, bất cập của công tác lý luận hiện nay, như đánh giá của Đại hội X và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) đã nêu là : công tác lý luận còn lạc hậu trên một số mặt, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đang vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp. Trong đó có việc nhận thức về vai trò và xu hướng phát triển của kinh tế tư nhân; về chính sách tạo động lực phát triển đối với giai cấp công nhân, nông dân, trí thức; về vấn đề đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế tri thức; về chính trị và đổi mới hệ thống chính trị...

Báo cáo đề dẫn đã nêu rõ những nhiệm vụ của công tác lý luận mà Hội đồng Lý luận Trung ương phải tập trung nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới, trong đó, trọng tâm là các hoạt động nghiên cứu và tổng kết thực tiễn. Những hoạt động đó không những phải góp phần phục vụ yêu cầu bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 của Đảng, chuẩn bị văn kiện của Đại hội XI mà còn phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo ra những phát triển mới góp phần thực hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo kỳ họp, thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và cố gắng triển khai thực hiện được một khối lượng công việc lớn theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng lý luận Trung ương trong hơn 2 năm qua, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2008. Hội đồng Lý luận TƯ đã thực hiện tốt chức năng tư vấn cho Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề lý luận chính trị để hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng.

Đáng chú ý là việc đóng góp xây dựng các Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế", Đề án "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá" trình Hội nghị TƯ 7 và gần đây là có ý kiến thẩm định, góp ý có chất lượng tốt đối với "Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020" trình Bộ Chính trị.

Hội đồng cũng đã thực hiện nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao và kế thừa, chắt lọc kết quả của các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học khác để tham mưu, tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư như các đề tài trong Chương trình KX.04/06-10 và các đề tài phục vụ cho nhiệm vụ tổng kết, bổ xung Cương lĩnh 1991. Hiện nay, Hội đồng đang tích cực triển khai đề tài nghiên cứu về Chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh - một đề tài rất quan trọng, thể hiện sự đổi mới trong tư duy, phong cách, thái độ nghiên cứu khoa học ở tầm chiến lược.

Đồng thời, Hội đồng cũng đã phối hợp với các cơ quan, các nhà khoa học chuẩn bị và báo cáo Bộ Chính trị Ban Bí thư, một số chuyên đề khoa học có chất lượng và giá trị thực tiễn cao như "Phát triển con người - nguồn nhân lực", "Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá".

Một hoạt động luôn được Hội đồng Lý luận Trung ương quan tâm là thường xuyên phối hợp với Ban Chỉ đạo đấu tranh chống diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng. Nhiều thành viên của Hội đồng đã tích cực viết bài đấu tranh, phản bác các quan điểm phản động, sai trái.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Hội đồng trong thời gian qua cũng đã dược củng cố và tăng cường, nhất là đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác của Hội đồng Lý luận Trung ương trong thời gian tới, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh và đề nghị Hội đồng tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, các hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học của Hội đồng cần bám sát và phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng. Trước hết tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 của Đảng; tổng kết chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001-2010 và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Đồng thời phục vụ tốt việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8 và 9 sắp tới cũng như phục vụ tốt cho việc chuẩn bị các đề án sẽ trình Bộ Chính trị như đánh giá tình hình 2 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa X) "Về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020", "Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)"...

Thứ hai, trong các hoạt động tư vấn, nghiên cứu khoa học của Hội đồng, điều hết sức quan trọng là phải đảm bảo chất lượng tốt và hàm lượng khoa học cao. Những ý kiến tư vấn, góp ý, đánh giá, kiến nghị của Hội đồng phải có cơ sở lý luận và thực tiễn, có tính khoa học và cách mạng cao, có giá trị cao với Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư bởi Hội đồng là nơi tập hợp một độ ngũ đông đảo những nhà khoa học, những cơ quan nghiên cứu khoa học đầu ngành của đất nước đồng thời có điều kiện để theo sát, nắm vững tình hình của đất nước và những yêu cầu của các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Thứ ba, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Vì vậy, công tác nghiên cứu, lý luận của Đảng có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đảng ta luôn hết sức coi trọng công tác lý luận, đề ra nhiệm vụ và yêu cầu rất cao đối với công tác lý luận. Chính vì vậy, cùng với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ như đã nêu ở trên, Hội đồng Lý luận Trung ương phải hết sức chủ động, sáng tạo tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp với các Trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của đất nước, các trường đại học và các nhà khoa học để nghiên cứu những vấn đề lý luận, giải đáp có sức thuyết phục những vấn đề lớn của thời đại, của đất nước đặt ra trên con đường phát triển như các vấn đề: đặc trưng của xã hội XHCN mà chúng ta đang xây dựng, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền, về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam, về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế, về vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam, của giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong giai đoạn phát triển mới của đất nước...

Để thực hiện mục tiêu trên, theo đồng chí Trương Tấn Sang, Hội đồng cần nghiên cứu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét mở rộng hợp tác nghiên cứu lý luận, tiếp thu có chọn lọc các tri thức lý luận, các kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới vào việc giải đáp những vấn đề của Đảng, của đất nước đặt ra trong quá trình phát triển và hội nhập. Đồng thời, Hội đồng và các thành viên Hội đồng cần tiếp tục tham gia tích cực, có chất lượng, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh tư tưởng nhằm phê phán, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta.

PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất