Qua thực tiễn triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở cơ sở cho thấy, những chủ trương, chính sách đó đã tạo tâm lý an tâm phấn khởi hơn đối với cán bộ, công chức cơ sở (chuyển từ sinh hoạt phí sang chế độ lương). Tuy nhiên, một số quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở có những bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho hợp lí. Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá X) chỉ rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, yếu kém hiện nay, trong đó: “Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở còn bất cập”.
Một là, lương của cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử thấp hơn lương của công chức có cùng trình độ đào tạo (vì chỉ có hai bậc lương, còn công chức được nâng bậc lương thường xuyên). Bí thư đảng uỷ xã hoặc một chủ tịch uỷ ban nhân dân (UBND) xã có trình độ đại học, có thâm niên công tác hàng chục năm nhưng tiền lương không bằng cán bộ chuyên môn ở xã cùng thâm niên. Bởi theo cách tính hiện nay, ngạch chuyên viên cứ 3 năm được lên lương một lần, còn lương của bí thư đảng uỷ bậc 1 là 2,35 (trong 5 năm của nhiệm kỳ thứ nhất) và bậc 2 là 2,85 (từ năm thứ 6 đến năm thứ 10), còn đối với chủ tịch UBND xã tương ứng là 2,15 và 2,65. Trong khi đó, một sinh viên trình độ đại học được tuyển vào làm công chức cơ sở, sau năm thứ 7 trở đi mức lương là 2,67 và năm thứ 10 sẽ là 3,0. Nghĩa là, tồn tại một thực tế là ở cấp xã hiện nay có tình trạng lương chuyên viên cao hơn cán bộ lãnh đạo, quản lí chủ chốt (Bí thư đảng uỷ và Chủ tịch UBND cấp xã). Thực tế cho thấy, để trở thành cán bộ chủ chốt đó, người cán bộ không chỉ cần có trình độ chuyên môn, chính trị nhất định theo quy định về tiêu chuẩn của Nghị quyết Trung ương ba khoá VIII, Pháp lệnh cán bộ, công chức, Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16-01-2004 của Bộ Nội vụ mà còn đòi hỏi về sự tín nhiệm của cán bộ, nhân dân địa phương, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lí tại cơ sở với sự phấn đấu bền bỉ, lâu dài của cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Hơn nữa, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ chủ chốt cơ sở rất nặng nề so với cán bộ chuyên môn khác, trách nhiệm trước cấp trên, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân ở cơ sở. Việc giải quyết công việc hàng ngày của cán bộ lãnh đạo không tránh khỏi sự va chạm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ, nhân dân ở cơ sở, trong đó chịu sức ép của dòng họ, làng xóm…
Hai là, các cán bộ chuyên trách (Bí thư Đảng uỷ xã, Phó Bí thư Đảng uỷ xã) kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND chưa được hưởng 10% phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo (chỉ vì không có tài khoản ở kho bạc).
Ba là, trên thực tế chưa có sự thống nhất trong hai nghị định của Chính phủ khi quy định về chế độ, chính sách đối với chức danh Xã đội phó: Điều 2 và Điều 7 Nghị định số 121/2003 /NĐ-CP ngày 21.10.2003 của Chính phủ về Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn quy định “phó chỉ huy trưởng quân sự cấp xã là cán bộ không chuyên trách, được hưởng chế độ phụ cấp do UBND cấp tỉnh quy định”. Nhưng tại khoản 3 Điều 22 Nghị định số 184/2004/NĐ-CP ngày 2-11-2004 của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Dân quân tự vệ lại quy định: xã đội phó là cán bộ chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ lương cán sự bằng mức lương hệ số 1,46 mức lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội, nếu qua đào tạo chuyên nghiệp quân sự tại trường quân sự tỉnh thì được nâng lương theo ngạch cán sự, khi nghỉ việc được hưởng chế độ cán bộ, công chức cấp xã. Trong khi các phó công an xã vẫn là cán bộ không chuyên trách. Hơn nữa, khi thực hiện chính sách lương mới theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ, xã đội phó được hưởng hệ số lương là 1,86. Còn hệ số lương của chức danh trưởng công an xã, trưởng quân sự xã chỉ là 1,75.
Bốn là, Nghị định số 159/2005/NĐ-CP ngày 29-12-2005 về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thành 3 loại: loại 1, loại 2 và loại 3. Nhưng chưa tăng số lượng cán bộ và chưa có chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức tương xứng với nhiệm vụ của họ ở những xã, phường, thị trấn đạt loại 1 và loại 2.
Năm là, Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ mâu thuẫn và chưa thống nhất với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 về việc giao thẩm quyền cho địa phương quy định về số lượng chức danh, mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên cấp xã. Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, Điều 17 Luật Tổ chức HĐND và UBND thì HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định số lượng và mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ. Ngược lại, Khoản 1, Điều 25, Nghị định số 114/2003/NĐ-CP của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, quy định UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ (hiện nay cán bộ, công chức cấp xã bao gồm cán bộ chuyên trách, công chức và cán bộ không chuyên trách). Về chế độ phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã, Điều 7 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 của Chính phủ quy định: Căn cứ vào tình hình thực tế của đại phương, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng cán bộ không chuyên trách cho từng xã, phường, thị trấn và mức phụ cấp cụ thể cho từng chức danh cán bộ không chuyên trách. Như vậy, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh, nhưng Nghị định của Chính phủ lại giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh. Do đó, quy định của 2 nghị định trên cần sớm được sửa đổi.
Sáu là, về bảo hiểm xã hội: theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức xã là 20 năm và phải đủ 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam mới đủ điều kiện nghỉ hưu, việc này có nhiều bất cập cho cán bộ, công chức xã, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn và thực hiện chủ trương trẻ hoá đội ngũ cán bộ cơ sở nhưng các chức danh cán bộ đứng đầu chính quyền cơ sở không giữ quá 2 nhiệm kỳ.
Theo quy định của Nghị định 204/2004/ NĐ-CP, “Cán bộ xã là thương binh, bệnh binh các loại không phải là người đang hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động được hưởng 100% mức lương chức danh hiện đang đảm nhận, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”. Bí thư Đảng uỷ, chủ tịch UBND của một số xã, phường, thị trấn chỉ hưởng một chế độ là thương binh, bệnh binh nhưng bảo hiểm xã hội một số địa phương chưa thực hiện đóng bảo hiểm xã hội và y tế theo quy định của Nghị định 204.
Từ thực tế trên, nên chăng có thể sửa đổi, bổ sung nội dung của các nghị định liên quan đến cán bộ, công chức xã, phường và thị trấn theo hướng:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, bổ sung thực hiện hoàn thiện chế độ chính sách theo Nghị định 121/2003/NĐ-CP, trên cơ sở phân loại xã, phường, thị trấn (loại I, loại II, loại III), theo Nghị định 159/2005/NĐ-CP để có chế độ, chính sách, biên chế cho phù hợp đối với quy mô của các xã, phường, thị trấn. Nghị định 121/2003/NĐ-CP cần điều quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo hướng: Số lượng cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử, công chức ở cấp xã được bố trí theo kết quả thực hiện Nghị định số 159/2005/NĐ-CP như sau: Cấp xã loại 3: không quá 21 người; Cấp xã loại 2: không quá 23 người; Cấp xã loại 1: không quá 25 người.
Trên cơ sở đó, cần quy định phụ cấp theo phân loại xã: cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử ở cấp xã quy được hưởng phụ cấp theo phân loại xã như sau: Cấp xã loại 2 hưởng mức phụ cấp 5%; cấp xã loại 1 hưởng mức phụ cấp 10%. Trong đó, phụ cấp theo phân loại cấp xã được tính trên mức lương chức vụ hoặc mức lương chuyên môn, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Phụ cấp theo phân loại cấp xã không dùng để tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Cán bộ chuyên trách: chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND, Bí thư Đảng uỷ cấp xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên, được xếp lương chuyên môn như quy định của bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể: Tốt nghiệp trình độ trung cấp xếp lương công chức loại B; tốt nghiệp trình độ cao đẳng xếp lương công chức loại Ao; tốt nghiệp trình độ đại học xếp lương công chức loại A1. Trong đó, cán bộ chuyên trách lần đầu giữ chức vụ qua bầu cử cấp xã, nếu tốt nghiệp trình độ thạc sỹ xếp lương bậc 2 công chức loại A1; cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử cấp xã, nếu xếp lương chuyên môn thì không phải tính thời gian tập sự.
Quy định phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ chuyên trách của cấp xã như sau: Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ cấp xã (nơi chưa thành lập Đảng ủy) hưởng hệ số 0,30; Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Bí thư Chi bộ (nơi chưa thành lập Đảng ủy), Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã hưởng hệ số 0,25; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân, Thường trực Đảng ủy (nơi chưa có Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng), Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã hưởng hệ số 0,20; Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã: hưởng hệ số 0,15.
Thứ hai, sửa đổi nội dung quy định về thẩm quyền quyết định số lượng và mức phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn của Khoản 1, Điều 25, Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003; Điều 7 Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 của Chính phủ cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND năm 2003.
Thứ ba, sửa đổi Nghị định 184/2004/NĐ-CP ngày 02-11-2004 quy định về cán bộ chuyên trách đối với phó trưởng công an xã. Đồng thời, sửa Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ, về hệ số lương của trưởng công an xã và xã đội trưởng trên nguyên tắc lương cấp trưởng phải cao hơn lương cấp phó. Xã đội phó hưởng lương hệ số 1,86 thì xã đội trưởng, trưởng công an phải có hệ số ít nhất là 2,0 và lương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt (bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND) phải cao hơn lương của cán bộ chuyên môn ở xã.
Thứ tư, sửa đổi quy định về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ chuyên trách cơ sở theo hướng giảm xuống cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Hơn nữa, nên bỏ quy định cán bộ lãnh đạo chủ chốt của chính quyền cơ sở không giữ quá 2 nhiệm kỳ đối với một chức danh theo quy định của Luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003. Mặt khác, cần chỉ đạo một số địa phương thực hiện đúng quy định của Nghị định 204/2004/ NĐ-CP về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với cán bộ xã là thương binh, bệnh binh các loại không phải là người đang hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động.
Hướng về cơ sở, có chế độ chính sách đãi ngộ thoả đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là chăm lo cho nền tảng của đất nước. Chăm lo cho đội ngũ cán bộ cơ sở là chăm lo để “cái gốc của mọi công việc” ngày càng bền vững. Chính sách đãi ngộ hợp lý, kịp thời sẽ là động lực quan trọng giúp cán bộ cơ sở yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.