Những ngày vừa qua, người tiêu dùng bàng hoàng trước sự việc chủ thương hiệu Khaisilk cúi đầu thừa nhận và xin lỗi khách hàng về việc làm ăn gian dối của thương hiệu này suốt gần 30 năm qua (tính từ những năm 1990).
Cụ thể, Khaisilk đã lừa dối khách hàng bằng việc nhập khăn lụa nguyên chiếc từ Trung Quốc về, sau đó gắn mác thương hiệu của mình để "phù phép" thành khăn sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam). Theo nhiều luật sư, hành vi gian dối này đã có dấu hiệu cấu thành tội buôn bán hàng giả.
Trong khi các ngành, các cấp đang nỗ lực quảng bá thương hiệu Việt, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn những năm tới, thì hành động của Khaisilk là sự xúc phạm nặng nề, làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh thương hiệu Việt, mà cụ thể là những làng nghề tơ lụa truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Thành công có được của Khaisilk như hiện tại chính là nhờ vào thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam, uy tín của những làng nghề tơ lụa cùng công sức của bao đời nghệ nhân duy trì, bảo vệ và phát triển nghề truyền thống. Còn ở góc độ thương mại, vụ việc đã làm tổn hại thương hiệu quốc gia và lòng tin của khách hàng vào mặt hàng đặc trưng của Việt Nam thường được dùng làm quà tặng cho bạn bè và khách du lịch quốc tế. Việc làm của Khaisilk không chỉ đơn thuần là gian lận thương mại, vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn phản bội lại niềm tin của khách hàng, gây ảnh hưởng xấu đến giá trị văn hóa truyền thống của đất nước, cần bị lên án và trừng phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên, để thương hiệu Khaisilk thực hiện hành vi gian dối này trong thời gian rất dài có phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là cơ quan quản lý thị trường và hải quan. Việc kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất, nhập khẩu đến tiêu thụ hàng hóa của thương hiệu này đã bị các cơ quan chức năng buông lỏng. Chỉ đến khi một khách hàng phát hiện ra sự gian dối và chia sẻ lên mạng facebook, sự việc vỡ lở, thì các cơ quan quản lý nhà nước mới biết. Tuy các cơ quan này đã vào cuộc ngay lập tức nhưng đó là hành động "xử lý, khắc phục" chứ không phải "ngăn chặn" từ xa như lẽ ra cần phải có. Trong thời đại in-tơ-nét, để làm rõ nghi vấn về một sản phẩm, ta có thể dễ dàng tìm được nhiều thông tin trên mạng. Ðành rằng hiện nay có nhiều mặt hàng của những thương hiệu nổi tiếng thế giới có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng những hàng hóa đó đều được kiểm soát theo đúng tiêu chuẩn của nước sở tại, ghi rõ nguồn gốc, thí dụ vào thị trường Mỹ thì phải đạt tiêu chuẩn Mỹ, vào châu Âu thì phải đạt tiêu chuẩn của châu Âu...
Trong nhiều năm qua Khaisilk là thương hiệu Việt uy tín được người tiêu dùng Việt Nam và khách quốc tế biết đến, đánh giá cao. Chính vì vậy, "sự cố Khaisilk" đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu quốc gia, gây hiệu ứng tiêu cực đến những lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế - xã hội; nhất là lĩnh vực du lịch và các sản phẩm phụ trợ của ngành du lịch trong thời gian tới. Vì vậy, làm thế nào để xử lý hiệu quả sự cố này nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu quốc gia, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ, cần các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng làm rõ.
Trịnh Mai Anh/Nhân dân