Theo Bác sĩ Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, trong giai đoạn này, số bệnh nhân nhập viện bị viêm phổi tăng. Đa số trong họ, khi xét nghiệm triệu chứng đều bị dương tính với cúm A/H1N1.
“Hiện nay, tại Viện đã có 5 trường hợp tử vong thì tất cả đều là những bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 bị biến chứng viêm phổi cấp”, Bác sĩ Hồng Hà cho biết.
Trước sự chuyển biến cúm A/H1N1, tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia đã thực hiện kiểm tra gắt gao, thực hiện xét nghiệm nhanh các trường nhập viện do viêm phổi.
“Trước đây, để có kết quả xét nghiệm phải mất một ngày. Nhưng trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, chúng tôi chủ trương thực hiện test nhanh và có kết quả trong vòng 6 giờ đồng hồ. Bắt đầu từ 9h30 sáng và đến 3h30 chiều là có kết quả. Nếu những ca vào sau 16 giờ thì chúng tôi buộc phải dồn lại và làm ngày hôm sau”, Bác sĩ Hồng Hà cho biết.
Tuy nhiên, điều khiến cho các bác sĩ hiện nay e ngại là những ca viêm phổi nặng, người nhà mới bắt đầu đưa vào viện, thì việc điều trị rất khó khăn và dễ bị tử vong.
Đến một lúc nào đó, số ca viêm phổi do cúm sẽ tăng thì không đủ máy thở gây quá tải. Hiện nay, bệnh viện đã sử dụng hết công suất. Ngoài chữa cúm A/H1N1, bệnh viện còn chữa các bệnh cúm khác.
Có mặt tại Khoa Khám bệnh Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia lúc 9h30 phút sáng 10/11. Cũng như những người bệnh, việc đầu tiên không thể thiếu đối với chúng tôi và mọi người khác là vào hiệu thuốc phía tay phải bệnh viện để mua ngay khẩu trang y tế tự phòng nhiễm cúm cho riêng mình. Trong các phòng chờ và hàng ghế ở hành lang chúng tôi thấy người ra vào tấp nập và luôn luôn chật kín người.
Đi sâu vào trong Khoa khám bệnh, hầu như giường nào cũng thấy có bệnh nhân được truyền dịch do bị sốt cao. Ở tầng 2, là khu dành cho những bệnh nhân bị cúm nhẹ và các bệnh khác. Còn trên tầng 3, dành cho các bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 và phải cách ly.
Các bác sĩ có nhiều lúc phải chịu áp lực vì quá tải bệnh nhân, người bị bệnh cũng có, rồi người hơi biểu hiện cũng có. Nếu như ai bị sốt, ho, cúm cũng nhập viện thì không thể đủ (hiện tại ở viện chỉ có 230 bác sĩ và 170 gường bệnh), chưa kể, khi xuống điều trị, bệnh nhân nằm theo dõi tại viện, rất dễ bị lây chéo từ những người thực sự nhiễm bệnh. Mấy tháng nay, bệnh viện đều phải phục vụ khoảng 450 – 500 bệnh nhân/ngày.
Bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 vẫn tăng
Theo bác sĩ Hồng Hà, hiện nay, dịch cúm A/H1N1 ngày càng phát triển và đã có mặt ở 199 thế giới, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đưa ra, tính đến 17h00 ngày 11/11/2009, Việt Nam đã ghi nhận 10.800 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, 41 trường hợp tử vong.
Giải thích lý do tại sao đến thời điểm này, dịch cúm ngày càng tăng nhanh, bác sĩ Hồng Hà nói: dịch cúm A/H1N1 đã lan khắp các tỉnh, thành trong thành phố với quy mô khác nhau, nhưng ở đồng bằng, thành phố lớn thì sự lây lan càng mạnh hơn. Điển hinh như: TPHCM, Hà Nội và một số tỉnh Đồng Nai, Biên Hoà...
Dịch lan tràn mạnh mẽ ra cộng đồng nên rất khó để biết chính xác tỷ lệ mắc và ngăn chặn. Chỉ tính riêng ở Viện Các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám thì một nửa trong số đó bị dương tính với cúm A/H1N1. “Rõ ràng, đây là tỉ lệ rất cao. Bởi vậy, hiện nay, chúng tôi không tập trung vào theo kiểm tra một cách đại trà như ban đầu.
Theo Bác sĩ Hồng Hà, Bộ Y tế đã chỉ đạo thay đổi cách kiểm tra đại trà mà tập trung vào những đối tượng có nguy cơ cao. Nhóm nguy cơ cao gồm: người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 2 tuổi và những người mắc các bệnh mãn tính như: tim mạch, phổi, đái đường, viêm gan, bệnh ung thư, bệnh nhiễm HIV/AIDS; các bệnh khác liên quan đến hoá chất, tia xạ… Đây là các đối tượng nếu bị sốt phải kiểm tra ngay vì khi mắc bệnh sẽ bị nặng. Nếu đến bệnh viện sớm, được điều trị sớm trong vòng 2 ngày (48 giờ) thì khả năng ngăn chặn bệnh rất hữu hiệu và tránh được các biến chứng nặng nề. Có những bệnh nhân, khi bệnh nặng rồi mới đi khám thì lúc đó nguy cơ tử vong là cao và việc cứu chữa cũng khó.
Đề phòng dịch bùng phát vào mùa đông
Bác sĩ Hồng Hà khuyến cáo, mùa đông là điều kiện thuận lợi để virus phát triển mạnh hơn. Nhiệt độ thấp, virus tồn tại lâu hơn, khả năng bị nhiễm bệnh sẽ cao.
Hiện nay, thời tiết đang chuyển sang mùa đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế đang khuyến cáo: người dân hãy tự bảo vệ và chăm sóc bản thân. Tất cả mọi người dân, kể cả những khu vực xa trung tâm, tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa nếu có biểu hiện cúm cần nghĩ ngay tới cúm A/H1N1 và đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa trị kịp thời.
Đặc biệt là phụ nữ mang thai ở giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ là đối tượng nguy cơ cao, dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A/H1N1. Do đó, khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong cho cả mẹ và con.
Đánh giá về tình hình dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam, bác sĩ Hồng Hà nhận xét, so với thế giới, Việt Nam khống chế ngăn chặn bệnh rất tốt và được WHO đánh giá cao. Ủy ban phòng chống Quốc gia đã có chiến lược tuyên truyền để mỗi người dân biết tự bảo vệ bản thân. Tháng 12, Ban điều hành quốc gia thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng cúm A/H1N1 do WHO tài trợ hơn 1 triệu liều vaccine tại 63 tỉnh thành. Chiến dịch này sẽ ưu tiên cho toàn bộ phụ nữ có thai trên 3 tháng, đối tượng dễ mắc bệnh nhất./.
>> Bệnh cúm lây qua đường hô hấp, vì vậy, bảo vệ tốt đường hô hấp sẽ phòng được cúm. Mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi, đeo khẩu trang khi đến những nơi tập trung đông người. Đặc biệt, để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế. |