Điều đặc biệt là trong đợt sinh hoạt chính trị lần này, từ khâu chỉ đạo tới việc tổ chức thực hiện có nhiều điểm mới, nhiều cách làm sáng tạo vì thế đã tạo được một sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội góp phần thiết thực củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, chế độ, tạo ra sức mạnh đoàn kết phấn đấu thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái xuyên tạc, góp phần đẩy lùi âm mưu thủ đoạn của các lực lượng chống phá.
Sau đây là một số nét nổi bật, một số kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai nhiệm vụ học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng thời gian qua.
1. Nội dung các văn kiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng có sức thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia tìm hiểu học tập, quán triệt
Nghị quyết Đại hội XI lần này, cũng như nhiều nghị quyết đã có trước đây của Đảng, có sức sống nội tại, liên quan trực tiếp không chỉ tới con đường phát triển, sự thành bại của quốc gia, dân tộc trong sự nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà còn tới lợi ích thiết thực của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Sau Đại hội XI, chỉ trong thời gian ngắn, một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng được hình thành từ trung ương tới địa phương, từ đồng bằng tới miền núi, trong các tầng lớp, các giai cấp... thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Từ đồng chí Tổng Bí thư của Đảng đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, các đồng chí đứng đầu các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm đến dự và chỉ đạo các hội nghị; từ các đồng chí bí thư các tỉnh uỷ, thành uỷ đến các đồng chí bí thư các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, quận, huyện, cơ sở Đảng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết; từ các đảng viên đương chức đến đảng viên về hưu, từ các đảng viên trẻ đến các đảng viên cao tuổi, nhiều đảng viên lão thành cách mạng, có những đảng viên 80 đến 90 tuổi cũng hăng hái tham gia đợt sinh hoạt chính trị này. Đây chính là những tấm gương sáng, đầy trách nhiệm trong việc đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, là sự thể hiện sức hút của Nghị quyết, thước đo khả năng tập hợp lực lượng của Đảng; đồng thời thể hiện niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với chế độ, đối với con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Kết quả trên có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân chủ quan, nhưng điểm cần lưu ý là việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đang hình thành một khuynh hướng chuyển từ trách nhiệm học tập sang nhu cầu học tập, tức là cả cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ trung ương tới cơ sở, từ cán bộ đảng viên thường tới quần chúng nhân dân tham gia học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng; không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của đảng viên, nhân dân mà từ nhu cầu tự thân. Chính điều này đã tạo ra mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với dân, giữa lãnh đạo với quản lý, và trong công tác lãnh đạo, quản lý đối với xã hội, đặc biệt là đảm bảo điều kiện để thực hiện tốt sự giám sát của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
2. Chủ động, tích cực, chuẩn bị chu đáo mang lại hiệu quả cao trong học tập, quán triệt Nghị quyết
Sự chủ động, tích cực từ trung ương tới địa phương đã tạo ra những điều kiện đảm bảo cho đợt sinh hoạt chính trị được diễn ra đúng kế hoạch và có chất lượng tốt. Trước, trong Đại hội XI của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có kế hoạch chuẩn bị chu đáo việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên. Một hệ thống tài liệu tương đối đầy đủ được biên tập, chỉnh sửa cẩn thận phục vụ đợt học tập Nghị quyết. Hệ thống báo chí, xuất bản trong toàn quốc được chỉ đạo chặt chẽ, chủ động, tích cực trong các nhiệm vụ lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân về dự thảo các văn kiện Nghị quyết Đại hội XI, đưa tin về kết quả thành công của Đại hội Đảng ở các địa phương, cũng như Đại hội XI của Đảng, với nhiều bài viết phản ánh chiều sâu nội dung các văn kiện của Nghị quyết.
Từ sau khi có Chỉ thị 01-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 17 tháng 3 năm 2011 và Hướng dẫn 04-HD/BTGTW, ngày 25 tháng 3 năm 2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương, về học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nội dung các văn kiện của Nghị quyết Đại hội XI được triển khai rộng rãi trong toàn quốc. Tổ báo cáo viên Trung ương được thành lập, có sự lựa chọn về uy tín, trình độ, kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, có sự phối hợp, thống nhất trong truyền đạt các văn kiện Nghị quyết. Đội ngũ này chính là những người triển khai đầu tiên trong 15 lớp của Ban Tuyên giáo Trung ương. Từ các lớp này, thông qua đội ngũ cán bộ chủ chốt, báo cáo viên các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các cán bộ báo chí, xuất bản, văn nghệ sỹ, trí thức, khoa học công nghệ, thầy giáo, cô giáo làm công tác lý luận chính trị trong toàn quốc, tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tiếp tục được truyền đạt xuống cơ sở, tới những người làm công tác thông tin tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, các trí thức khoa học, công nghệ, và đặc biệt tới tận từng sinh viên, thế hệ trẻ - chủ nhân của xã hội tương lai.
Cho đến nay, nhiệm vụ học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã hoàn thành xong ở các cấp tỉnh và cấp huyện, nhiều tỉnh đã triển khai gần xong ở cấp cơ sở. Từ tháng 9 năm 2011, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng sẽ được triển khai tới các đoàn thể và quần chúng nhân dân.
3. Sáng tạo trong học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết kết hợp với các nội dung khác, tạo ra sức mạnh của một đợt sinh hoạt chính trị kép
Trong đợt sinh hoạt chính trị lần này đã có sự sáng tạo trong triển khai Nghị quyết. Nhiều địa phương, đơn vị có những cách làm mới, bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận. Hiện cả nước đã có 6 tỉnh tổ chức thực hiện theo hình thức truyền hình trực tuyến. Hình thức này đang ở trong bước đầu thử nghiệm để rút kinh nghiệm. Ưu điểm nổi bật của việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng theo hình thức trực tuyến tiết kiệm, chủ động về thời gian, kinh phí, thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tham gia, tạo ra không khí phấn khởi trong toàn địa phương, đơn vị, và đặc biệt là tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin từ những báo cáo viên tốt nhất, đảm bảo thông tin thống nhất trong nhận thức. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện của từng địa phương, đơn vị có thể triển khai theo hình thức này. Để làm tốt hình thức này, cần có sự chuẩn bị chu đáo, quản lý thống nhất, và đảm bảo thật tốt về mặt kỹ thuật, đường truyền.
Điều đáng ghi nhận là một số địa phương đã chủ động triển khai Nghị quyết theo hướng tự lập, không phải nhờ sự hỗ trợ của Trung ương, chủ động biên soạn tài liệu phù hợp với đối tượng, đặc thù của địa phương, đơn vị.
Việc xây dựng chương trình hành động hiện nay được đặc biệt coi trọng. Đây chính là khâu quyết định để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Chương trình hành động của các địa phương, đơn vị hiện nay được xây dựng theo hướng thiết thực, hiệu quả. Một số địa phương không xây dựng chương trình hành động chung, chương trình hành động không phải là đóng kín, không phải chỉ là báo cáo rút gọn của Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thành phố mà là chương trình hành động mở, có thể bổ sung khi cần thiết để thực hiện các khâu đột phá của địa phương.
Mặt khác, điểm nhấn của đợt triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Đại hội XI của Đảng lần này là sự kết hợp chặt chẽ với nhiều nội dung khác để tạo ra sức mạnh kép trong tuyên truyền, quán triệt:
Thứ nhất, thời gian tổ chức học tập, quán triệt, Nghị quyết Đại hội XI có sự trùng với thời gian triển khai bầu cử Quốc hội khóa XIII và bầu cử hội đồng nhân dân các cấp. Hai sự kiện quan trọng này đã bổ sung lẫn nhau, tạo ra không khí dân chủ, thể hiện sức mạnh chính trị của một đất nước ổn định, phát triển. Việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI trong thời điểm này đã tạo cho đông đảo cử tri gắn tinh thần trách nhiệm của mình trong việc tìm hiểu tinh thần mới của Nghị quyết Đại hội XI để bầu ra những đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân thật xứng đáng. Những đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp là đảng viên cũng dựa trên sự lĩnh hội tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng để làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc thể chế hóa nội dung của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, thông qua học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng để gắn với việc quán triệt thực hiện tốt Kết luận 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11-NQ-CP của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ ba, thông qua đợt sinh hoạt chính trị lần này đã tạo sự thống nhất trong nhận thức của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước về chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước ta trong việc xử lý những vấn đề quan hệ đối ngoại phức tạp.
Thứ tư, kết hợp việc học tập, quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng với việc nâng cao trình độ, phương pháp, bản lĩnh trong việc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời bồi dưỡng phẩm chất chính trị cho cán bộ, đảng viên chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
4. Phát huy dân chủ trong trao đổi, thảo luận, tạo sự đồng thuận cao về một số vấn đề lý luận và thực tiễn
Trong đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng lớn lần này, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đặc biệt coi trọng nhấn mạnh, khẳng định và làm rõ trên cơ sở mới về lý luận, thực tiễn những vấn đề có tính nguyên tắc như: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và là đảng duy nhất lãnh đạo xã hội; con đường phát triển của dân tộc Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; vấn đề nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ; vấn đề bản chất dân chủ của chế độ xã hội chủ nghĩa, bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng... tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên.
Nội dung các văn kiện Đại hội XI đã đề cập tới nhiều vấn đề mà trước đó còn có những ý kiến khác nhau. Song, thông qua đợt tổ chức học tập, quán triệt các văn kiện Nghị quyết Đại hội XI vừa qua, đã tạo ra những chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, từ những ý kiến trái ngược dẫn tới thuận chiều, từ những sự hiểu biết chưa đúng, chưa đầy đủ dẫn tới sự hiểu biết đúng hơn, đầy đủ hơn, từ băn khoăn dẫn tới thống nhất, từ sự chưa đồng thuận cao dẫn tới sự đồng thuận cao. Cán bộ, đảng viên cũng được làm rõ và thống nhất những vấn đề về mặt lý luận mới còn chưa được nghiên cứu sẽ được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc trong suốt nhiệm kỳ Đại hội XI và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Những vấn đề quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, những bức xúc trong thực tiễn phát triển đất nước thời gian qua được đặc biệt quan tâm trong toàn bộ đợt sinh hoạt chính trị lần này. Thông qua việc phê phán các biểu hiện nôn nóng, tô hồng, né tránh trong quá trình nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết đã giúp cho người học nhận thức rõ hơn về hiện trạng đất nước, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là quá trình đang từng bước xây dựng không thể nóng vội chủ quan, đánh đồng hiện trạng đất nước trong từng giai đoạn với chủ nghĩa xã hội hiện thực. Để đi lên chủ nghĩa xã hội là quá trình khó khăn, gian khổ cần có sự quyết tâm cao, thống nhất cao và đầy sáng tạo. Một số vấn đề bức xúc trong xã hội đặt ra đang giải quyết hoặc chưa giải quyết được như vấn đề tham nhũng, về cải cách hành chính, vấn đề đất đai, vấn đề môi trường và những vấn đề thời sự khác cũng được đề cập và trao đổi nghiêm túc, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, cầu thị.
5. Một số kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai Nghị quyết Đại hội XI
Qua thực tiễn tổ chức, triển khai ở Đảng bộ các tỉnh, thành phố và đảng uỷ trực thuộc Trung ương, có thể khái quát, rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:
Một là, các văn kiện Đại hội XI của Đảng chứa đựng nhiều nội dung mới, sâu sắc, chứa đựng nhiều quan điểm, chủ trương, giải pháp lớn để giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc, cấp bách. Việc tiếp tục học tập, nghiên cứu sâu sắc các nội dung văn kiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng cần được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Cần coi trọng triển khai việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng tới đối tượng ngoài Đảng, các đảng viên đang công tác, học tập, sinh sống ở nước ngoài.
Hai là, chất lượng chương trình hành động quyết định hiệu quả việc đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống. Để có một chương trình hành động có chất lượng tốt, có tính khả thi cao cần lựa chọn đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng chương trình hành động có trình độ, có phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị, hiểu biết sâu sắc về Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, những đặc thù, lợi thế của địa phương. Xây dựng chương trình hành động cần được thực hiện và đảm bảo theo quy trình dân chủ trong việc lấy ý kiến đóng góp, trong việc tiếp thu ý kiến. Nội dung chương trình hành động cần thiết thực, hiệu quả, chứa đựng những điều kiện thực hiện mang tính khả thi sao cho vừa đảm bảo thực hiện yêu cầu chung, vừa đảm bảo phát huy lợi thế của địa phương; công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, nghị quyết của địa phương, đơn vị cần gắn kết chặt chẽ với nhau cả về nội dung và các điều kiện, giải pháp thực hiện chương trình hành động.
Ba là, kết hợp việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở địa phương với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt thực hiện tốt việc cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân; đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội; đấu tranh kiên quyết chống quan điểm sai trái, thù địch; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kiên quyết không chấp nhận việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết theo kiểu làm lướt, làm hình thức, làm qua loa. Cần chú trọng kiểm tra chương trình hành động, quan điểm, mục tiêu, giải pháp; việc xác định khâu đột phá; tính khả thi của các giải pháp, cũng như kế hoạch tuyên truyền phổ biến nội dung, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân./.