Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 15/7/2009 10:45'(GMT+7)

Cô đơn hay lộng gió thời đại?




1. Ồn ào và lặng lẽ

Tôi thường thấy một số người viết: "Bản chất của văn nghệ sĩ là cô đơn". Hình như mọi người muốn nhấn mạnh quá trình tự mình sáng tạo của văn nghệ sĩ. Thì đúng rồi, tác phẩm nghệ thuật là đơn chiếc, không thể làm tập thể được. Văn nghệ sĩ có thể giúp đỡ nhau, có thể được độc giả, khán giả, thính giả và cả xã hội cổ vũ. Nhưng sự cổ vũ ấy cũng chỉ ở vòng ngoài, còn khi sáng tạo thì không ai tham gia cùng anh được. Tuy nhiên, cũng có những công trình nghệ thuật là công sức tập thể, nhưng phần mà mỗi nghệ sĩ tham gia thì vẫn phải độc lập.

Nhưng phải chăng bản chất của văn nghệ sĩ là cô đơn? Văn nghệ sĩ muốn sáng tạo thì phải hiểu thấu mọi điều từ nội tâm con người đến mọi sự việc hành động của toàn xã hội. Anh cô đơn, không hòa đồng với mọi người thì làm sao hiểu được họ? Những điều anh viết ra sao có được hơi thở cuộc sống? Những điều anh bịa ra rất dễ quái đản! Không, văn nghệ sĩ, trong đó có các nhà thơ nhà văn phải có một tâm hồn lộng gió thời đại thì mới mong có được những tác phẩm có sức sống. Đừng hiểu thô thiển khi Tam nguyên Yên Đổ ngồi lặng lẽ bên ao thu câu cá mà tâm hồn ông không lộng gió thời đại!

Khi Ức Trai tiên sinh thốt lên: "Phượng những tiếc cao, diều hãy liệng/ Hoa thời hay héo, cỏ thường tươi" không phải là ông cô đơn cô độc. Tôi đồng ý với NSƯT Quốc Anh, người đóng vai Nguyễn Trãi trong vở kịch "Oan khuất một thời" vừa được dàn dựng, nói rằng: "Dựng Nguyễn Trãi mà bi thảm là thất bại!". Bởi vì đó chỉ là hiện tượng bề ngoài, chưa phải là bản chất của sự việc.

Mà văn nghệ sĩ phải từ những sự việc, hiện tượng để nói lên bản chất của vấn đề. Khi văn nghệ sĩ tham gia những cuộc vui đông người thì anh ta cũng chỉ sống với một nhóm người, một ít người thân cận. Khi nhà văn sống một mình, chính là khi anh ta sống với nhiều người nhất, sống với cả thế giới. Cho nên khi các văn nghệ sĩ thích thường xuyên xuất hiện trước công chúng, thích những cuộc vui ồn ào liên tiếp, những tác giả trẻ thích lớn tiếng tuyên ngôn thì ta đừng chờ mong gì ở những tác phẩm của họ.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi đã phải thốt lên: "Tôi phải trốn các cuộc vui để viết, nếu không chẳng mấy chốc đã về Văn Điển!". Đối với các văn nghệ sĩ sáng tác rất cần sự lặng lẽ để sinh thành tác phẩm. Sự tĩnh lặng cho anh ta sống sâu sắc với nhiều người, mới ngộ ra nhiều điều mà sự ồn ào thường xóa mất. Cuộc sống ồn ào thường tỉ lệ nghịch với sự chiêm nghiệm, sự lắng đọng, sự sâu sắc. Sự tĩnh lặng gần hơn với những điều kiện để có được sự xuất thần, xuất hiện những yếu tố để tác phẩm có chất lượng, có điều kiện liên kết, giao cắt, đột khởi.

Khi thi sĩ Tố Hữu viết bài thơ dài "Nước non ngàn dặm" chính là khi ông đang nghỉ dưỡng ở Tam Đảo, để nhớ về những chặng đường hào hùng mà đất nước đã trải qua. Lúc nhà thơ Chế Lan Viên viết trước khi từ biệt cõi đời, tin tưởng mình sẽ trở lại "như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên", thì đâu phải là ông sám hối như ai đó muốn gán cho ông, mà là ông đã vượt lên một nấc mới, vượt lên trên những chiêm nghiệm bình thường với quá nhiều sự ồn ào mà cuộc đời ông đã trải qua. Những giờ phút lặng lẽ như thế các nhà văn, nhà thơ mới cho ra đời những tác phẩm gan ruột nhất, đó là "máu chữ" mà thành lời. Lặng lẽ nhưng không cô đơn, lặng lẽ mà tâm hồn lộng gió thời đại.

Vì vậy, đã đi theo nghiệp văn thì các nhà văn phải biết xử lý các mối quan hệ, các trạng thái ồn ào và lặng lẽ. Nhà văn cần nhiều thời gian lặng lẽ để chiêm nghiệm, để sáng tạo, nhưng cũng cần phải sống một cuộc sống bình thường.

Có một số văn nghệ sĩ muốn sống một cuộc sống lập dị, mà tưởng rằng có lập dị trong cuộc đời thì mới mong có sự khác lạ trong tác phẩm. Đấy là một sự lầm lẫn lớn. Lập dị chỉ là hình thức của cuộc sống, còn tác phẩm lại đòi hỏi ra đời từ bản chất của tâm hồn. Phải có một tâm hồn lộng gió thời đại thì mới mong tác phẩm ra đời mang tầm thời đại.

Mọi tác phẩm đỉnh cao xưa nay, tâm hồn tác giả đều đẹp và sáng, đều vời vợi thẳm sâu, đều yêu thương rộng lớn. Khi đại thi hào Nguyễn Du thốt lên: "Đau đớn thay phận đàn bà!" thì đó là nỗi đau của thời đại, chứ đâu phải là sự cô đơn của riêng ông.

2. Tầm văn hóa của nhà văn

Văn hóa là những giá trị tinh thần cao quý do con người sáng tạo ra. Cho nên đã nói đến văn hóa là nói đến cái đẹp. Đốtxtôiépxki có nói: "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Vì vậy, cái đẹp và văn hóa luôn đi liền với nhau. Ngược lại, là cái xấu, phi văn hóa.

Tất nhiên, xã hội càng văn minh thì có tầm văn hóa càng cao. Nhưng thế nào là văn minh thì lại không đơn giản. Phải chăng cứ giàu có là văn minh? Nếu thế thì làm sao nhân dân lại coi khinh những kẻ trọc phú!

Dân tộc Việt Nam có truyền thống hướng tới cái đẹp, vươn tới văn hóa. Đó là việc coi trọng tinh thần hơn của cải vật chất "cách cho hơn của đem cho", "lời chào cao hơn mâm cỗ", coi trọng đức tính khiêm tốn hơn sự phô phang: "Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn" ("Bác ơi!" - Tố Hữu). Nhưng đến thời kinh tế thị trường, các giá trị có phần đổi khác. Tất nhiên đấy chỉ là phần ngọn mà thôi. Còn phần gốc là nền tảng văn hóa của dân tộc thì mọi cuộc xâm lăng văn hóa trải hàng nghìn năm cũng chưa bao giờ thắng được. Phần ngọn đó là sự quảng cáo ồn ào, sự khoe mẽ phô phang, tự ngợi ca tự đề cao.

Nhiều nhà văn chúng tôi đi xem một công trình gọi là văn hóa mà mọi người đồn thổi trong mấy năm gần đây của một họa sĩ. Chúng tôi thực sự kinh hãi khi nhìn thấy dòng chữ giới thiệu ở trước cổng: "Họa sĩ X là một trong những họa sĩ bậc thầy của nền hội họa đương đại Việt Nam", mà thực tế thì ông cũng chỉ là một họa sĩ vừa phải thôi.

Chúng ta vẫn thường nói: Lịch sử của loài người là lịch sử đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Riêng về lĩnh vực văn hóa, cuộc đấu tranh âm thầm giữa văn hóa và phi văn hóa cũng không bao giờ lặng im. Gần đây, chúng ta lại chứng kiến một sự vô văn hóa khi người ta phá hủy ngôi đền thờ Vua bà Lý Chiêu Hoàng ở Từ Sơn (Bắc Ninh), ngôi đền có nhiều năm tuổi, để hòng dựng một ngôi đền mới cho thật khang trang!

Trong lĩnh vực văn chương, tầm văn hóa càng vô cùng quan trọng. Nhà văn phải là những người có văn hóa, và phải là những người có văn hóa cao. Tất nhiên văn hóa cao không phải bao giờ cũng song hành với học hàm học vị cao. Những người có học hàm học vị cao thực chất đã loại trừ các "tiến sĩ giấy" thì có điều kiện tốt để có được tầm văn hóa cao. Còn thực tế họ có được tầm văn hóa cao hay không lại là một chuyện khác.

Cũng vậy, trong lịch sử cũng có người giành được chức vụ và địa vị cao nhưng tầm văn hóa lại rất thấp. Nhân dân thì luôn đề cao tầm văn hóa chứ không đề cao người có chức vụ địa vị cao đơn thuần. Ca ngợi chàng đốn củi Thạch Sanh đạo lý và nhân nghĩa chứ ai ca ngợi kẻ có quyền chức cao Lý Thông. Nhân dân cũng đề cao Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến từ quan về ở ẩn giữa xã hội nhiễu nhương chứ nào ai đề cao những kẻ chạy được chức quyền.

Những tác phẩm văn chương chỉ có giá trị khi nó có tầm văn hóa cao. Ấy là "Đại cáo bình Ngô" đề cao tinh thần nhân nghĩa. Ấy là "Truyện Kiều" thấm đẫm giá trị nhân đạo nhân văn. Ấy là thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh đề cao tinh thần yêu nước... Tầm văn hóa sẽ là thước đo mọi giá trị của tác phẩm dẫu cổ điển hay hiện đại. Vì vậy, các nhà văn muốn bay cao, bay xa thì trước hết cần bồi dưỡng tầm văn hóa của mình. Không có tầm văn hóa cao thì đừng nói đến sáng tạo văn học nghệ thuật.

Những tác phẩm được ra đời từ một tầm văn hóa thấp thì làm sao có thể gọi là tác phẩm nghệ thuật, dẫu lúc nào đó có được ai tung hô. Mà nhà văn muốn tác phẩm có tầm văn hóa cao thì chính mình phải có tầm văn hóa. Tầm văn hóa đó là những kết tinh tư tưởng, đạo đức, tâm hồn cao đẹp của dân tộc.

Nói nhà văn cần phải học tập, bồi dưỡng, rèn luyện là nói theo hướng đó, chứ không phải là học những kiến thức cụ thể. Muốn tỏa sáng phải có năng lượng. Tầm văn hóa là gốc của một con người nói chung và của nhà văn nói riêng. Gốc có giàu thì mới có thể sinh nở hoa thơm trái lạ./.

(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất