Hiện nay, chúng ta có khoảng gần 1.000 hội viên Hội nhạc sĩ, trong đó đến 800 hội viên là nhạc sĩ sáng tác. Chỉ cần mỗi nhạc sĩ trong đời viết khoảng 300 bài, hẳn số tác phẩm ra đời hàng năm là rất lớn. Nên nói là thiếu bài hát thì thật vô lý. Nhưng đúng là thừa thì vẫn thừa, mà thiếu thì vẫn thiếu. Vì hầu như ca sĩ chỉ hát loanh quanh một số bài quen thuộc, chiều theo ý thích của khán giả...
Hàng ngày trên các website âm nhạc có đến hàng vạn bài hát Việt được số hóa cập nhật. Nhưng công chúng vẫn cảm thấy như thiêu thiếu một món chủ đạo trên bữa tiệc tinh thần này. Cũng dễ hiểu, bởi các sáng tác gần đây thường rất đơn điệu.
Đa phần các nhạc sĩ tập trung vào đề tài tình yêu, những chuyện tình tay ba, tay tư, sự dối trá, lừa lọc, những oán thán đàn ông, đàn bà, mạt sát nhau... Họ thường sử dụng lối nói thường ngày, nhiều khi là trần trụi, thiếu văn hóa và thẩm mỹ, không có chút gì là lãng mạn hay sự thiêng liêng của tình yêu.
Nhiều cây bút trẻ không được hướng dẫn, học hành đến nơi, đến chốn lại sớm viết bài hát theo đơn đặt hàng của các hãng băng đĩa vụ lợi, muốn mau thành danh, nên sớm cho ra đời các ca khúc rẻ tiền.
Cũng có người xuất thân từ khoa sáng tác của Học viện Âm nhạc quốc gia, nhưng thường là học sinh, sinh viên bỏ học giữa chừng sau khi có một vài bài xuất hiện trên "Làn sóng xanh", hay "Bài hát Việt"... Sau một vài bài gây "hot", họ dường như cạn vốn, phải trở đi trở lại những ca khúc "ăn khách" trước đó.
Bên cạnh đó, trên thị trường xuất hiện thêm nhiều ca khúc do chính ca sĩ sáng tác như Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Anh Quân, Bảo Thy, Quang Vinh, Yến Trang, Thủy Tiên, Hiền Thục... Các ca khúc này ngoài tính dễ nghe, dễ thuộc, cộng thêm phần trình diễn bắt mắt và sự phối âm hiện đại thì không có gì nổi bật, đôi khi còn na ná như các ca khúc nước ngoài.
Trong cuộc thi "Sao mai điểm hẹn" vừa qua, có hai thí sinh biểu diễn chính bài hát do mình sáng tác cũng có phần gây được sự chú ý, song khi cuộc thi đi qua cũng chẳng để lại được sáng tác nào trong lòng khán giả.
Hiện nay, chúng ta có khoảng gần 1.000 hội viên Hội nhạc sĩ, trong đó đến 800 hội viên là nhạc sĩ sáng tác. Chỉ cần mỗi nhạc sĩ trong đời viết khoảng 300 bài, hẳn số tác phẩm ra đời hàng năm là rất lớn. Nên nói là thiếu bài hát thì thật vô lý. Nhưng đúng là thừa thì vẫn thừa, mà thiếu thì vẫn thiếu. Vì hầu như ca sĩ chỉ hát loanh quanh một số bài quen thuộc, chiều theo ý thích của khán giả...
Thêm vào đó, một số ca sĩ không có tố chất cả về thanh giọng lẫn phong cách, để hát những bài hát chuẩn mực, đòi hỏi phải có quá trình tập luyện kỹ càng về giọng, về tiết tấu và âm điệu...
Từ khi có "Bài hát Việt" (đến nay đã đươc 4 năm), dòng dân gian đương đại đang được các nhạc sĩ trẻ sùng ái và coi như bản sắc Việt. Họ đã cố gắng cách tân về đề tài, tiết tấu, giai điệu, cách phối, dàn dựng như Giáng Son với "Giấc mơ trưa", Lưu Hương Giang với "Quạt giấy", Lưu Hà An với "Con cò", Võ Thiện Thanh với "Chuông gió", đặc biệt hai gương mặt nữ mới đôi mươi: Lê Uyên Hoa và Sa Huỳnh... Tuy nhiên, ca khúc dân gian đương đại chưa chắc đã phù hợp với đa số công chúng, nên so với dòng nhạc thị trường nó vẫn bị chìm khuất.
Xét cho cùng, chúng ta cần nhìn nhận bằng một thái độ khách quan và có sự cân bằng trong mọi hoàn cảnh. Việc xuất hiện nhiều dòng nhạc, cũng như việc phân tách nhiều tầng khán giả là điều tất yếu. Vẫn luôn tồn tại những nhạc sĩ thị trường, những nhạc sĩ luôn sáng tạo bằng tài năng và trách nhiệm đối với cuộc sống. Cần hiểu tài năng bao giờ cũng hiếm.
Không nên chỉ nhìn vào các ca khúc thị trường hiện nay để đánh giả cả một nền âm nhạc. Một tác phẩm âm nhạc đến với người nghe phải có độ ngấm của thời gian, không thể chỉ trình diễn một lần trước công chúng là có thể khẳng định được đó là một tác phẩm hay. Quan trọng là phải tìm những nhân tố mới đang sáng tác nhiều ca khúc mới với hơi thở, suy nghĩ, cảm xúc mới.
Theo ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Cường thì hiện chúng ta đã có một lực lượng nhạc sĩ trẻ xuất hiện kế thừa những thế hệ đàn anh đi trước. Lớp trẻ giờ đây được học hành bài bản, có nhiều điều kiện về vật chất và phương tiện hành nghề, họ biết hướng ngoại, biết hội nhập và thẩm thấu cái mới. Việc xuất hiện nhiều bài hát mới, nhiều nhạc sĩ mới là điều tất yếu... Điều này giúp nhiều người được bộc lộ cảm xúc và công bố tác phẩm của mình một cách rộng rãi nhất, nhanh nhất. Tuy nhiên, chính điều này cũng hạn chế việc các nhạc sĩ đã không có đủ thời gian để chiêm nghiệm tác phẩm của mình, tức là không kịp kiểm nghiệm trước khi có tác phẩm "ra lò", tạo nên sự hoang mang, thậm chí bức xúc trong dư luận.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên lại cho rằng, muốn âm nhạc Việt Nam phát triển thì trước hết phải chú trọng khâu giáo dục thẩm mỹ cho công chúng, mà trước hết là giáo dục từ ngay độ tuổi mầm non. Công chúng có thẩm mỹ âm nhạc tốt mới thẩm định được tác phẩm đó ở những vị trí xứng đáng: "Tuy nhiên, các tác giả cũng không nên vin hẳn vào lý do là công chúng để bao biện cho việc sáng tác của mình ít người nghe. Công chúng hiện nay cũng tinh lắm và tai nghe nhạc cũng rất thính. Bản thân các tác giả cần phải nâng cao tay nghề sáng tác cũng như khắt khe với bản thân hơn khi cho ra đời tác phẩm, thế mới mong sáng tác của mình được công chúng đón nhận"./.
(Theo:Tường Hương/CAND)