Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trước yêu cầu mới của tình hình và được Quốc tế Cộng sản chấp nhận, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Từ ngày 10 đến 19/5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cơ sở đánh giá tình hình giai cấp và xã hội Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh thế giới, với quan điểm lý luận gắn với thực tiễn cách mạng, Người nêu cao vấn đề giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Người kêu gọi: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Liên minh công - nông - trí thức là sự cố kết của công nhân, nông dân, trí thức trong một chỉnh thể” (1).
Tiếp thu tư tưởng chỉ đạo của Người, Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ghi rõ: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (2).
Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chủ trương sáng lập ra Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh), nhằm đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, không phân biệt dân tộc, giai cấp, đảng phái, tôn giáo...
Nhằm phát huy sức mạnh của ba dân tộc Việt - Miên - Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, theo sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương ở Lào và ở Campuchia thành lập mặt trận thống nhất riêng của hai dân tộc (Ai Lao độc lập đồng minh và Cao Miên độc lập đồng minh); sau khi cách mạng thắng lợi, mỗi quốc gia sẽ thành lập một chính phủ riêng và độc lập. Đối với nước ta, Hội nghị chủ trương thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lấy cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh ở giữa làm quốc kỳ.
Để đoàn kết toàn dân một cách rộng rãi, thực hiện chủ trương cứu nước do Hội nghị Trung ương lần thứ VIII nêu ra, trong bản Chương trình hành động, Việt Minh đã đề ra những chính sách cụ thể nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 6/6/1941, những chính sách cụ thể, hợp lòng dân của Việt Minh đã quy tụ toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đưa cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam và là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Nhưng nhân dân Việt Nam giành được độc lập chưa bao lâu thì thù trong giặc ngoài câu kết với nhau, đất nước lâm vào cảnh “Ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai.
Xây dựng khối liên minh công - nông - trí là lực lượng cơ bản tiến hành cách mạng Việt Nam. Đường lối kháng chiến đúng đắn của Hồ Chí Minh và của Đảng đã dẫn dắt nhân dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Hòa bình được lập lại, nhưng đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sớm xác định rõ kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là đế quốc Mỹ, vạch ra đường lối cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân; miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, từng bước tiến dần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa, nửa phong kiến, được một Đảng Cộng sản lãnh đạo đã cùng một lúc tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược và quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong điều kiện ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng phát triển và thấm sâu vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, liên minh công - nông - trí thức là một tất yếu lịch sử khách quan, được chế định bởi các cơ sở xã hội hiện thực và được hiện thực hóa qua đường lối tập hợp lực lượng của Đảng Cộng sản. Điều này cũng xác định rõ ràng liên minh công - nông - trí thức là nhu cầu tồn tại và phát triển của cả công nhân, nông dân và trí thức.
Trong khối liên minh, Hồ Chí Minh đã xác định giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo. Thông qua chính đảng của mình để đề ra đường lối cách mạng, những chủ trương lớn nhằm thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhưng để thực hiện đường lối đó cần phải có lực lượng.
Bằng hành động và chính sách thực tiễn, giai cấp công nhân thu hút mọi tầng lớp lao động, trước hết là nông dân và trí thức về phía mình, cùng với họ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là điều kiện để giai cấp công nhân củng cố vai trò chính trị tiên phong của mình.
Về phía nông dân, do địa vị kinh tế - xã hội và bản chất giai cấp của mình, nông dân tự nguyện tìm đến với giai cấp công nhân. Nếu không liên kết với công nhân, trí thức thì họ sẽ bị các giai cấp bóc lột lợi dụng, lôi kéo trở lại cuộc sống nô lệ, bị áp bức, bóc lột. (Ngày nay, sự tiến bộ của nông dân đã ngày càng gắn bó hơn với công nhân và trí thức. Để đẩy nhanh sản xuất nông sản hàng hóa, làm cho nông nghiệp phát triển bền vững, nông dân rất cần tới sự hỗ trợ của công nghiệp và những tri thức khoa học kỹ thuật. Đây là nhu cầu thiết thực để nông dân tìm đến và gắn bó với các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở dịch vụ kỹ thuật. Công nghiệp và khoa học góp phần đắc lực vào quá trình giải phóng người nông dân, giúp họ tiếp xúc với nền văn minh nhân loại hiện đại, đồng thời có dịp để phát huy các giá trị văn hóa được tích tụ trong quá trình lao động, xây dựng ở nông thôn).
Về phía tầng lớp trí thức, là một tầng lớp xã hội đặc biệt có đặc trưng nổi bật là lao động trí óc sáng tạo. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nhân, nông dân rất cần trí thức. Công nhân và nông dân tạo nên những cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt và làm việc cần thiết, đặt ra các nhu cầu làm động lực cho sự tìm tòi sáng tạo, hoạt động nghiên cứu của trí thức. Ngược lại, các lĩnh vực hoạt động của công nhân, nông dân sẽ là môi trường để trí thức đem khoa học kỹ thuật vào phục vụ cuộc sống. (Ngày nay Khối liên minh công - nông - trí thức ở nước ta đã và đang tiếp tục làm thay đổi các quan hệ xã hội theo xu hướng đoàn kết, hòa hợp và trở thành một động lực của tiến bộ xã hội).
Hồ Chí Minh quan niệm liên minh công - nông - trí thức là sự cố kết của công nhân, nông dân, trí thức trong một chỉnh thể. Mỗi yếu tố có một vị trí, vai trò đặc thù không thể thay thế và đổi chỗ cho nhau. Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy. Sức mạnh và chất lượng của khối liên minh phụ thuộc vào chất lượng của từng thành tố. Và chất lượng của khối liên minh sẽ nhân lên sức mạnh cho cả công nhân, nông dân, trí thức. Vì thế, củng cố và tăng cường khối liên minh công - nông - trí thức gắn liền chặt chẽ với quá trình xây dựng và phát triển giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.
Đối với quan hệ giữa giai cấp lãnh đạo và lực lượng cách mạng đông đảo nhất trong dân cư, Hồ Chí Minh xác định: “Chỉ có giai cấp công nhân lãnh đạo thì nông dân mới được giải phóng. Cũng chỉ có thắt chặt liên minh với nông dân thì giai cấp công nhân mới lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi. Cho nên công nhân phải chăm chú đến vấn đề nông dân, phải củng cố công nông liên minh” (3). Người cũng chỉ rõ: “Nông dân, công nhân, lao động trí óc đều phải dựa vào nhau. Nông dân không có sự giúp đỡ của công nhân thì không được. Công nhân không có nông dân cũng không được. Lao động trí óc không có công nhân, nông dân cũng không được” (4).
Liên minh công - nông - trí thức là hạt nhân, cơ sở của khối đại đoàn kết dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp, thu hút mọi lực lượng yêu nước, tiến bộ vào một mặt trận chung thống nhất vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng liên minh công - nông - trí thức theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.
Cả về mặt lý luận và thực tiễn đều khẳng định: liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và đội ngũ trí thức luôn luôn là vấn đề có tính chiến lược của cách mạng, kể cả trong cách mạng dân tộc, dân chủ cũng như cách mạng XHCN. Đó là lực lượng nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất, nguồn sức mạnh và động lực to lớn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nếu như trong cách mạng dân tộc, dân chủ, nội dung liên minh công - nông - trí thức chủ yếu về chính trị nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, thì trong cách mạng XHCN với công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm, bên cạnh tính tất yếu của sự liên minh về chính trị, thì sự liên minh về kinh tế ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Tăng cường củng cố và xây dựng khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức vững chắc làm hạt nhân cho khối đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đó là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, của giai cấp, tầng lớp xã hội. Trong đó, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn có vai trò và vị trí rất quan trọng. Giai cấp công nhân có nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ giai cấp nông dân thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phát huy vai trò làm chủ của giai cấp công nhân trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, làm chủ trong các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt của giai cấp công nhân trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và trí thức, cũng như khối đại đoàn kết dân tộc nhằm phát huy sức mạnh cả nước thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước . /.
Phạm Thắng
________________
1- Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb. CTQG, H. 2006.
2- Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. CTQG, H. 2004.
3 - Nguyễn Khoa Điềm: 20 năm đổi mới thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và phát triển văn hóa, Nxb. CTQG. H.2005
4 - Hồng Hà: Sức mạnh Nhân dân, Nxb. CTQG, H. 2000