(TCTG) - Tôi có một biểu hiện không biết có phải là cực đoan hay bảo thủ không. Nhưng nó đã ngấm sâu vào tôi từ lúc nào cũng chẳng biết nữa. Mỗi khi gặp bạn bè trong giới cầm bút viết lách, tôi không phải là người sợ nghe sáng tác của họ mà ngược lại, thích đón nhận, nhất là với những người giàu năng lực sáng tạo, tôi biết là thể nào họ cũng có cái gì được đây. Thế nhưng...
Một lần, một người làm thơ khoe với tôi bài thơ anh mới làm có tên Qua ngõ Tạm Thương. Dẫu vẫn được coi là người tế nhị, tôi cũng không thể không dãy nảy: Trời ơi! Thơ phú liên quan đến cái ngõ này đã quá nhiều, phát nhàm rồi. Ai cũng khai thác ý: Tên ngõ là Tạm Thương nhưng anh thì thương em trọn đời chứ không tạm! Tôi chưa thấy bài thơ nào làm về cái ngõ này lại không có cái tứ trên, vẫn là khai thác xung quanh cái tên “tạm thương” mà ít thấy có phát hiện, ý tứ nào mới lạ. Thành ra, cái ngõ phố nhỏ bé cuả Hà Nội vốn dĩ thơ mộng đáng yêu kia tự nhiên tôi thấy chán, chẳng muốn đi qua, có đi chẳng muốn nhìn biển đề tên ngõ. Thế là chỉ vì có quá nhiều người làm thơ đổ dồn cùng khai thác một ý mà khiến tôi đã trở nên vô cùng dị ứng...
Lần khác, một nhà thơ có chân trong hội Nhà văn và đã xuất bản đến cả chục tập thơ, đọc cho tôi môt sáng tác mới của anh với tựa đề Sau cơ bão. Nghe tên bài thơ, thú thực là tôi đã mất hết hứng thú. Nhưng vị thi sĩ nọ thì vẫn đầy hào hứng. Đọc xong anh hỏi: “Ông thấy thế nào?’ Tôi vốn không có tính bốp chát nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy đã hỏi lại anh ta một câu: “Chắc ông không thể không biết Tế Hanh?” “Biết chứ, ông ấy nổi tiếng thế, đến người ngoại đạo còn biết, huống hồ chúng ta”. Vậy Tế Hanh có bài thơ gì nổi tiếng nào?” Nghĩ một lúc, nhà thơ trả lời: “Nhớ con sông quê hương”. “Đúng. Còn bài gì nữa nào?” Anh ta cười: “Chắc còn nhiều, nhưng tôi chỉ thấy có bài đó là nổi tiếng.” Tôi không kiềm chế được: “Thảo nào! Tế Hanh còn có bài Bão. Bất cứ ai đang yêu sống ở những năm 50-60 thế kỷ trước đều biết và thích thú bài này. Bài cuả anh lặp lại ý tứ y như của Tế Hanh, chỉ có điều bắt chước người khác nhưng lại vụng về hơn”. Nhà thơ nọ tự ái, và anh đã không còn giữ được sự ôn hoà: “Cái ông này buồn cười nhỉ. Có ai cấm nói lại điều người khác đã nói đâu. Tôi viết về bão là bão cuả thời nay, thời cơ chế thị trường chứ đâu phải thời bao cấp ngày xưa” . “Trời ơi! Xin lỗi vì đã làm ông không vui. Trong bài cuả ông chỉ toàn là nói đến bão thì tan rồi, nhưng bão trong lòng anh thì bắt đầu nổi lên, cuồng phong mạnh mẽ hơn bão thiên nhiên nhiều. Không có một từ nào đả động đến cơ chế, xã hộị, thị trường hay bao cấp gì đâu...”.
Hiện nay, các CLB thơ nở rộ ở khắp nơi, đặc biệt trong 2 đối tượng: sinh viên và cán bộ về hưu. Đó là điều tốt đẹp. Ở đâu có nhiều ngưòi yêu thơ và làm thơ hẳn là ở đó sẽ tràn ngập không khí vui tươi lành mạnh. Tôi đã có những dịp được mời dự, bình và đọc thơ. Cũng có một vài lần được làm công việc tuyển chọn và biên tập giúp tuyển tập xuất bản cho hội nọ, tổ chức kia. Qua những lần như thế, và hằng ngày xem trên sách báo, tôi thường xuyên bắt gặp nhiều bài thơ có ý tứ thậm chí tên bài y xì những bài đã rất nổi tiếng. Một bác, nhân dịp đi tàu hoả xuyên Việt, về viết bài Qua đèo Ngang cũng theo thể Đường Luật, thất ngôn bát cú, cũng có hình ảnh cỏ cây hoa lá, nhà cửa lác đác bên sông... Nghĩa là cũng toàn những ý, tứ mà ngày xưa Bà Huyện Thanh Quan đã đưa vào trong bài thơ Qua đèo Ngang nổi tiếng, chỉ có điều là bắt chước mà không xong. Cứ cho là trên đời chưa từng có bài thơ bất hủ cuả nữ thi sĩ ngày xưa thì đọc cũng đã thấy nhạt, huống hồ...!
Tại một CLB thơ của các bạn sinh viên văn chương một trường đại học nọ, một bạn nam say sưa đọc bài thơ có tên Gửi em bên kia sông Đuống mở đầu như sau:
Em ơi! Rồi sẽ có ngày
Anh sẽ đưa em về bên kia sông Đuống
Dòng nước lững lờ trôi đi
Lấp loáng bao kỷ niệm...
Tôi hỏi tác giả bài thơ trên có biết Hoàng Cầm với Bên kia sông Đuống? Bạn nói có và rất thích bài thơ này. Vì vậy mà bạn chịu “ảnh hưởng ghê gớm” đến nỗi như bê nguyên si giọng điệu thi sĩ của họ Hoàng vào bài thơ rất “ấn tương” của mình, ngay cái tên bài thơ cũng chỉ thêm 2 từ “Gửi em”. Tôi nói thẳng với các bạn sinh viên tại CLB thơ đó rằng: Ở đâu đó bắt chước thì còn thể tất được, chứ sinh viên văn học mà làm vậy thì không thể chấp nhận…
Đối với người sáng tác, không gì buồn bằng bị người khác bắt chước “đạo”, “thuổng” văn thơ cuả mình. Còn nhiều, rất nhiều trường hợp nữa mà tôi đã gặp, rơi vào người sáng tác nghiệp dư cũng có, mà ngay cả người đã có thâm niên cầm bút cũng có. Tôi bỗng nhớ đến nhà thơ lớn Lý Bạch ở bên Tàu ngày xưa. Một lần đến chơi lầu Hoàng Hạc, thấy đẹp quá, ông tức cảnh sinh tình bèn có ý làm thơ về nơi này. Nhưng nhìn lên trên tường ngôi lầu đã thấy có một bài mang tên Hoàng Hạc Lâu cuả một người có thể còn rất xa lạ: Thôi Hiệu. Lý Bạch thấy bài thơ hay quá, cảm thấy mình có làm nữa cũng không thể bằng. Vậy nên đã bỏ ý định. Và Hoàng Hạc Lâu cùng tác giả bài thơ là Thôi Hiệu cũng nổi tiếng từ đó. Khi ấy Lý Bạch đã là nhà thơ lừng danh cùng với Đỗ Phủ làm nên 2 tên tuổi lớn cuả nền thơ Đường. Một thi sĩ lớn trước sáng tác cuả người vô danh còn biết trân trọng, biết tự khống chế mình như vậy. Ở đây, ngoài sự trân trọng còn xuất phát từ ý nghĩa tối thượng của văn chương: Tránh sự nhàm chán, rập khuân.
Vậy nên từ đó, tôi bỗng có một thói quen tự thấy không hẳn đã đúng, có phần cực đoan và bảo thủ. Đó là cứ khi nào nghe thấy ai làm thơ hoặc bài hát lặp lại tên tác phẩm hoặc nội dung ý tứ trùng với những trước tác nổi tíêng là tôi “dị ứng” nặng, dẫn đến không muốn nghe, muốn biết, dẫu ai đó chưa giới thiệu tác phẩm. tôi muốn lạy họ mà rằng: “Thôi xin tha cho tôi. Tôi đã quá bảo thủ với việc chiêm ngưỡng giá trị tác phẩm đã nổi tiếng, không còn khả năng tiêu hoá nữa”
Và tôi xin nhận mình vừa cực đoan vừa bảo thủ. Không biết có còn ai nữa như tôi, xin nhập hội nhập thuyền./.
Tuệ Minh