Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 20/11/2009 20:48'(GMT+7)

Truyền hình thực tế tại Việt Nam: Nhiều, nhưng chưa hấp dẫn

Cuộc thi “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”

Cuộc thi “Thần tượng âm nhạc Việt Nam”

Nhiều...

Tại Việt Nam, chương trình Phụ nữ thế kỷ XXI có thể xem là chương trình truyền hình thực tế đầu tiên. Mặc dù nổi bật ngay từ khi phát sóng bởi diễn biến chương trình khác biệt và hấp dẫn nhưng Phụ nữ thế kỷ XXI vẫn bị nhận xét là chưa đủ các màu sắc cần thiết của một chương trình truyền hình thực tế.  Sau Phụ nữ thế kỷ XXI với sự hào hứng của những người làm truyền hình và sự đầu tư mạnh dạn của các nhà sản xuất, các chương trình thực tế đã ra đời và nở rộ trên sóng truyền hình. Các chương trình về sau đa dạng hơn về mặt nội dung nhưng chủ yếu vẫn đi theo một số thể loại quen thuộc như gameshow, tài liệu khám phá.... Một số chương trình đáng chú ý như Hành trình 2468; 72 giờ thử thách, Thần tượng âm nhạc Việt Nam (Vietnam Idol), Nốt nhạc ngôi sao, Như chưa hề có cuộc chia ly... Trong đó “ồn ào” nhất phải kể đến Vietnam Idol vì nhà sản xuất đã mua bản quyền của chương trình nổi tiếng American Idol và thực hiện tại Việt Nam. Chương trình gần đây nhất và hiện đang phát sóng trên HTV7 là chương trình Nốt nhạc ngôi sao do Công ty BHD sản xuất. Với số tập dài kỷ lục (52 tập), Nốt nhạc ngôi sao kéo dài qua ba phần nhảy múa, ca hát và diễn xuất. Chương trình là một cuộc thử thách mà tất cả các thí sinh tham gia phải ăn ở và tập luyện trong một khu tập trung và cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Chương trình được thực hiện nhằm tìm ra những diễn viên trẻ toàn tài cho bộ phim ca nhạc Những nụ hôn rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng...

Điểm qua một số chương trình để thấy rằng, truyền hình thực tế từ khi được khởi xướng cho đến nay đã có được một bước đi đầu tiên nhờ sự mạnh dạn của các công ty sản xuất và đài truyền hình. Đặc biệt gần đây, kênh truyền hình thực tế đầu tiên của Việt Nam, RealTV ra đời càng chứng tỏ sức hấp dẫn mạnh mẽ của truyền hình thực tế. Nhưng với nhiều trở ngại trước mắt, khó có thể nói truyền hình thực tế tại Việt Nam sẽ có những bước đi đột phá trong tương lai gần.

Những trở ngại phải vượt

Trở ngại đầu tiên mà nhà sản xuất nào cũng nhắc đến là vấn đề kinh phí sản xuất. Một chương trình truyền hình thực tế đòi hỏi mức đầu tư gấp khoảng 5 lần một chương trình bình thường. Vì vậy, ngay như Công ty BHD, được cho là rất dũng cảm và đi đầu trong thể loại truyền hình thực tế cũng chỉ dám mỗi năm sản xuất một chương trình. Và khi có một format mới, nhà sản xuất lại phải nỗ lực tìm kiếm tài trợ.

Song song với kinh phí sản xuất là khó khăn về điều kiện kỹ thuật và thiết bị. Vì hầu hết các chương trình truyền hình thực tế đều đòi hỏi quá trình sản xuất linh động, thậm chí di chuyển nhiều như Hành trình 2468; 72 giờ thử thách, Hành trình kết nối những trái tim,... nên  việc chuẩn bị thiết bị luôn là vấn đề đau đầu cho các nhà sản xuất. Bởi hầu hết các công ty sản xuất chương trình truyền hình tại Việt Nam đều không dám đầu tư lớn mà chủ yếu đi vào sản xuất các chương trình nhỏ lẻ. Vì vậy, mỗi khi thực hiện một chương trình thực tế, mọi thiết bị kỹ thuật thường được huy động tối đa, thậm chí là đi thuê và tận dụng từ mọi nguồn. Hơn nữa, với cách sản xuất chương trình hiện chưa có một quy định chuẩn nào về mặt kỹ thuật như hiện nay, hầu hết các chương trình truyền hình thực tế đều mắc phải những lỗi kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng,...

Những lỗi kỹ thuật không tránh khỏi không chỉ vì sự thiếu thốn thiết bị mà còn vì nguồn nhân lực truyền hình hiện tại vẫn quá ít và kém chất lượng. Nói như một giám đốc của một công ty là:  “Người không làm được thì nhiều,  người làm được thì không biết kiếm đâu ra”. Đây là tình hình chung của tất cả các công ty sản xuất chương trình truyền hình vì nhân lực có năng lực tốt khá hiếm hoi. Thực tế này lại bắt nguồn từ câu chuyện đào tạo muôn thuở của các trường chuyên ngành. Vì vậy mà các nhà sản xuất không còn cách nào khác ngoài cách “có sao dùng vậy”.

Hầu hết các chương trình truyền hình hiện nay được thực hiện theo mô hình xã hội hóa. Nghĩa là các công ty tư nhân sản xuất chương trình và đài phát sóng. Đài có thể trả cho các công ty theo kiểu mua bán trọn gói, công ty sản xuất chương trình và đài trả tiền theo từng tập hoặc nhà đài sẽ dành cho công ty một thời lượng quảng cáo nhất định và công ty sẽ tự bán gói quảng cáo đó. Chính với kiểu sản xuất như vậy mà các công ty và đài truyền hình đang gặp rất nhiều vấn đề trong việc thống nhất về mặt nội dung chương trình. Đây cũng là một cản trở lớn nhất cho truyền hình thực tế phát triển tại Việt Nam. Bởi hầu hết các công ty sản xuất và nhà đài khó lòng có cùng quan điểm đánh giá chất lượng chương trình. Mặc dù, công ty sản xuất là bên kiểm soát chính về mặt nội dung nhưng nhà đài mới là bên kiểm duyệt nên đa số các chương trình đến phút chót đều bị sửa hoặc cắt không thương tiếc. Khó khăn cho những người sản xuất là tiêu chí kiểm duyệt của mỗi đài rất khác nhau. Vì vậy nên các nhà sản xuất khi đưa chương trình sang đài duyệt chỉ còn cách kêu trời. Đặc biệt với thể loại truyền hình thực tế, một thể loại tương đối mới ở Việt Nam thì lại càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Xu hướng truyền hình trên thế giới đã chứng minh truyền hình thực tế là một thể loại thực sự hấp dẫn. Các kênh truyền hình và các nhà sản xuất lớn trên thế giới đang đầu tư mạnh mẽ cho thể loại truyền hình này và truyền hình thực tế vẫn tiếp tục là lĩnh vực có sự cạnh tranh sôi nổi nhất hiện nay. Trong khi đó tại Việt Nam, hành trình phát triển của truyền hình thực tế vẫn còn nhiều bấp bênh. Vì vậy, chắc chắn các nhà sản xuất và các đài truyền hình cần một sự đầu tư mạnh mẽ và thay đổi về tư duy truyền hình để thúc đẩy truyền hình thực tế  có những  bước đột phá trên sóng truyền hình.

Theo Sâm Thanh-VanHoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất