Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 22/11/2009 15:20'(GMT+7)

Phim Việt: Đi rất nhiều nhưng... được bao nhiêu?

Đừng đốt" đoạt giải thưởng do khán giả bình chọn ở liên hoan phim quốc tế Fukuoka, Nhật Bản.

Đừng đốt" đoạt giải thưởng do khán giả bình chọn ở liên hoan phim quốc tế Fukuoka, Nhật Bản.

Quả là sau nhiều năm vắng bóng, hai bộ phim Việt Nam "Chơi vơi" và "Trăng nơi đáy giếng" hiện diện ở hàng chục liên hoan phim quốc tế với không ít giải thưởng khiến những người lạc quan không khỏi khấp khởi mừng thầm. Bên cạnh đó, "Đừng đốt" cũng đoạt giải thưởng duy nhất - giải do khán giả bình chọn ở liên hoan phim quốc tế Fukuoka, Nhật Bản.

Nhưng giữa một “rừng” các liên hoan phim và chùm giải thưởng mà phim Việt gặt hái được, nhiều khi cả những người làm điện ảnh cũng như... đi lạc bởi những thông tin khác nhau bủa vây.

"Chơi vơi" 1 giải, "Trăng nơi đáy giếng" 5 giải

Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Trưởng phòng Nghệ thuật, Cục Điện ảnh, cho rằng: “Trong nhiều trường hợp, quả thực là giải nhỏ, giải to đã lẫn vào nhau”.

Bà cho rằng, FIAPF - Liên đoàn Các hiệp hội sản xuất phim quốc tế - có chức năng quan trọng nhất là “xếp hạng” và giám sát các liên hoan phim quốc tế. Theo đó, có một số liên hoan phim quốc tế được xếp hạng nhất, mà đầu bảng có lẽ phải là 3 tên tuổi danh giá nhất ở châu Âu: liên hoan phim Cannes (Pháp) với giải cao quý nhất là Cành cọ vàng, liên hoan phim Venice (Italy) với Sư tử vàng và liên hoan phim Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức) với Gấu vàng. Trong số này, lâu đời nhất là liên hoan phim Venice (từ năm 1932), tiếp đó là Cannes (từ 1939) rồi đến Berlin (từ 1951)...

Phim Việt Nam mới chỉ được tham gia vào những liên hoan phim quốc tế hạng 2. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khẳng định đó là sự thật. "Chơi vơi" là phim Việt Nam đầu tiên lọt vào liên hoan phim hàng đầu như liên hoan phim Venice.

“Năm 2000, khi bộ phim ngắn của tôi được tuyển chọn vào Cannes (Cinefondation), nhà sản xuất người Pháp của phim nói là được tuyển chọn vào những liên hoan phim lớn còn khó khăn hơn việc đoạt giải nhiều. Lúc đó tôi đã không hiểu. Những liên hoan phim phim hàng đầu như Cannes hay Venice, uy tín của họ chính là sự tuyển chọn khắt khe. Năm 2009, liên hoan phim Venice tuyển chọn từ 3.895 bộ phim được gửi đến từ 74 nước, và cuối cùng họ chỉ chọn ra 75 phim chính thức tham dự. Có nghĩa là tỷ lệ là 1/52,” đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết.

Sau khi dự các liên hoan phim quốc tế Venice, Toronto, Bangkok, Pusan, London... "Chơi vơi" đoạt giải thưởng tại liên hoan phim Venice. Tuy không đoạt giải thưởng trong hệ thống chính thức của liên hoan phim này, nhưng nó giành một trong hai giải thưởng của Hiệp hội Phê bình điện ảnh quốc tế (Fipresci).

Về ý kiến cho đây là giải thưởng quan trọng nhất trong hệ thống giải bên lề (Collateral Awards) tại liên hoan phim lâu đời nhất thế giới này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng... không rõ điều này. “Nhưng chắc chắn là nó sẽ quan trọng với giới nhà nghề hơn giải của... hiệp hội vệ sinh môi trường (nếu có),” anh hài hước.

Trả lời phỏng vấn báo chí, người trong đoàn tham dự liên hoan phim trở về nói giải thưởng này “tuy ở mức độ hẹp nhưng lại rất chuyên sâu,” diễn viên khác khẳng định giải “tầm cỡ và hết sức quan trọng.”

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, giải không chính thức có quan trọng hay không phụ thuộc vào uy tín và tính chất của cá nhân hay tổ chức trao giải. Anh cho biết thêm, Fipresci được sáng lập tại Paris vào năm 1930 và hiện có đại diện khoảng 50 quốc gia tham gia. Hiệp hội có mặt trong nhiều liên hoan phim quốc tế. Tại mỗi liên hoan phim, Fipresci đều gửi ban giám khảo đến tham dự và trao giải thưởng.

"Trăng nơi đáy giếng" thì đã khép lại hành trình đến với các liên hoan phim quốc tế với chùm ba giải thưởng: giải Nhì Phim hay nhất do khán giả bình chọn, giải Nhất ở hạng mục Phim châu Á mới do khán giả bình chọn và giải Nhì của Ban giám khảo tại liên hoan phim châu Á lần thứ 15 (Lyon, Pháp); cùng với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của Hồng Ánh ở liên hoan phim Dubai và giải cho đạo diễn ở liên hoan phim Madrid (Tây Ban Nha).

Khi được hỏi thích nhất giải thưởng nào, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cười thật lớn: “Chắc là giải cho đạo diễn ở liên hoan phim Madrid. Nhưng giải của Hồng Ánh cũng vui. Có nếp có tẻ thế là vui rồi”.

Dự càng nhiều càng tốt!

“Chúng ta mới chỉ mon men ở những liên hoan phim hạng hai," đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận định. "Việc tham gia các liên hoan phim có thể đánh giá mặt bằng hiện nay của phim Việt Nam, tuy nhiên đó chỉ là đánh giá về khía cạnh hội nhập thôi. Phim Ấn Độ không tham dự nhiều liên hoan phim hạng nhất nhưng về mặt quy mô và khán giả, điện ảnh Ấn Độ đứng hàng đầu thế giới”.

Có nhiều cách để một bộ phim tham gia liên hoan phim quốc tế. Thông thường, hãng phim gửi đĩa DVD cho ban tổ chức tuyển chọn nhưng có liên hoan phim cử ban tuyển chọn tới các liên hoan phim quốc tế để xem phim và gửi luôn giấy mời cho đạo diễn nếu thấy phim đó “OK”. Hầu hết các liên hoan phim mà "Trăng nơi đáy giếng" tham dự đều do hãng phim và đạo diễn làm các thủ tục gửi dự thi.

Nhưng với những liên hoan phim hàng đầu có riêng một đội ngũ tuyển trạch viên (programer) để tìm kiếm phim mới. Họ là những chuyên gia sành sỏi về điện ảnh, đi khắp nơi để xem phim. "Chơi vơi" được những tuyển trạch viên của liên hoan phim Venice xem ở Việt Nam, sau đó họ giới thiệu bộ phim với hội đồng tuyển chọn và "Chơi vơi" được chọn tham dự liên hoan phim Venice lần thứ 66 từ khi bộ phim mới hoàn thành phần dựng hình, chưa chỉnh màu, chưa có nhạc, âm thanh.

Có nên lựa chọn hay tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tâm sự: “Hoàn cảnh của điện ảnh Việt Nam cũng như bộ phim của tôi có lẽ chưa có quyền lựa chọn. Chúng tôi mong mỏi được giới thiệu bộ phim đến càng nhiều khán giả càng tốt. Tham dự liên hoan phim là một kênh để bộ phim đến với khán giả. Cho đến nay "Chơi vơi" đã được khoảng 20 liên hoan phim quan tâm và sẽ còn nhiều hơn nữa trong năm tới. Nhưng với tôi, việc Chơi vơi được phát hành ở Việt Nam và có nhiều khán giả đi xem là điều hạnh phúc nhất”.

“Tiếp xúc với đồng nghiệp điện ảnh ở nước ngoài, câu thường xuyên tôi hỏi là 'Các anh có biết phim Việt Nam hay đạo diễn Việt Nam hay không' thì hầu hết họ trả lời là không, nếu có thì chỉ nhắc tới đạo diễn Trần Anh Hùng. Biết thế để nhìn nhận cho khách quan và cố gắng hơn nữa chứ tự bằng lòng với mình thì không hay. Thực sự điện ảnh nước mình còn vô danh với nước ngoài. Các nước Thái Lan, Trung Quốc thường gửi 4-5 phim dự các liên hoan phim quốc tế. Việt Nam thì chỉ vỏn vẹn có 1, 2 phim là nhiều. Nói chung sự xuất hiện của phim Việt Nam ở nước ngoài còn mỏng và lẻ loi lắm”, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ.

Có lẽ những thổ lộ của đạo diễn "Trăng nơi đáy giếng" - Nguyễn Vinh Sơn cũng là lời nhắn gửi cho các đạo diễn có phim dự liên hoan phim quốc tế sắp tới và cả những ai... chưa có phim đi “tỷ thí” ở nước ngoài.

(Theo: TT&VH)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất