Dư luận đang rất quan tâm đến thông tin về bức tranh dài kỷ lục bao quanh tường ngoài của Văn Miếu - Quốc Tử Giám tái hiện những giai thoại thú vị về con người và lịch sử Thăng Long - Hà Nội sẽ được thực hiện từ ngày 4 - 6/12. Bức tranh do 28 họa sĩ của Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh cùng 2 nghệ sĩ người Đức thực hiện.
Trước những thông tin này, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã trao đổi với phóng viên.
Theo những thông tin gần đây, thì dự án vẽ tranh quanh bức tường bao Văn Miếu đã sắp triển khai. Tất nhiên, bức tranh này không giống như dự án Con đường gốm sứ mà được các họa sĩ vẽ trên toan. Đây có phải là một hoạt động hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long của Hà Nội không, thưa ông?
Ông Phạm Quang Long: Tôi cũng bất ngờ khi đọc những thông tin không chính xác này trên một số tờ báo đã đăng tải vừa qua. Đúng là Sở có nhận được văn bản do họa sĩ Trần Lâm Bình ký tên nói về việc sẽ có một bức tranh như thế.
Tôi không coi văn bản này như một đề nghị Sở cho phép vì theo quy định, những hoạt động kiểu này phải làm hồ sơ xin cấp phép và được cơ quan chức năng thẩm định, cho phép mới được triển khai. Tôi có giao cho một phó giám đốc xử lý nhưng chắc là sẽ không được đồng ý vì chúng tôi chưa có cơ sở gì trong tay để cấp phép.
Nói như thế là quá rõ để thấy đây không phải là hoạt động của Hà Nội hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Các hoạt động chính thức hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn các hoạt động khác cũng phải được lãnh đạo các địa phương lựa chọn, có quyết định chính thức chứ không phải cứ muốn là được, nhất là những hoạt động liên quan đến nhiều người, tới xã hội.
Theo quan điểm của ông, có nên có những dự án kiểu vẽ tranh quanh tường bao Văn Miếu hay không? Hoặc, thu hút khách tham quan bằng những hoạt động bề nổi kiểu như thế ở những điểm di tích?
Ông Phạm Quang Long: Không bao giờ tôi ủng hộ cách làm này vì nhiều lý do. Nhà nước có quy định muốn triển lãm phải đưa sản phẩm trước, có hội đồng chuyên môn thẩm định giá trị, nếu được thì cơ quan chuyên môn mới cấp phép và chỉ tổ chức ở các địa điểm chuyên dành cho triển lãm thôi.
Văn Miếu là nơi tôn nghiêm, là loại di tích đặc biệt, Luật Di sản đã cấm việc tổ chức các hoạt động gây hại cho di tích. Họa sĩ có quyền vẽ tranh nhưng treo ở đâu lại là chuyện khác. Khi đã hình thành nên một tổ chức thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định.
Còn vấn đề “sơn bóng” Văn Miếu thì thế nào? Có thông tin nói rằng các cột gỗ và toàn bộ khu Văn Miếu sẽ được sơn son thếp vàng với mục đích làm tăng tính thẩm mỹ và giúp bảo quản lâu dài. Dự án này đã được UBND thành phố Hà Nội giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư?
Ông Phạm Quang Long: Thành phố có nhận được đề nghị của một số đơn vị trong và ngoài nước xin làm lại một số hoành phi, câu đối đã bong, tróc các lớp sơn, mạ. Chúng tôi còn mới đang xin ý kiến các chuyên gia và thẩm định xem nên làm những gì, những gì không...
Việc trùng tu di tích là việc phải thường xuyên làm, không có gì lạ. Cái lạ là cách đưa thông tin “kỳ quá”, khiến người làm cũng thấy lạ vì nó không phải như mình đang làm.
Theo quan điểm của ông, để kỷ niệm 1.000 năm, nên “ứng xử” thế nào với Văn Miếu?
Ông Phạm Quang Long: Văn Miếu là loại di sản đặc biệt của quốc gia. Cách ứng xử tốt nhất với Văn Miếu là làm đúng Luật Di sản. Tôi thấy nhiều khi rất lạ vì có cơ quan nhà nước, doanh nghiệp coi Văn Miếu như là khách sạn, đề nghị hội họp, thậm chí chiêu đãi ở Văn Miếu.
Văn Miếu là nơi thiêng liêng, sao có thể làm thế được? Luật đã có, xin đề nghị mọi người tuân thủ pháp luật. Tôi đã phải chịu mắng mỏ của một số bậc cao niên, thức giả về việc này rồi.
Trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Văn Miếu cũng cần được sửa chữa, nâng cấp. Ban quản lý Văn Miếu đã có kế hoạch và các nhà chuyên môn cũng đã cho ý kiến tư vấn.
Tôi rất băn khoăn khi nhiều người không hiểu rõ sự việc nhưng hay có ý kiến “phải thế này, thế kia” theo kiểu “biết tuốt”. Đó không phải là ý kiến mang tính “xây dựng”.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(Theo: TT&VH)