Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 18/11/2009 14:23'(GMT+7)

Hội Văn học - nghệ thuật Bắc Giang: Bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng sáng tác

Lễ hội Yên Thế - Bắc Giang

Lễ hội Yên Thế - Bắc Giang

Quán triệt đường lối xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, hội đã tổ chức các lớp nghiên cứu, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của T.Ư Ðảng và của Tỉnh ủy. Qua các đợt học tập đã giúp cho hội viên nâng cao bản lĩnh chính trị, có nhận thức đúng đắn về những thuận lợi và thách thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động VHNT của Hội mà nòng cốt là chi hội Văn học luôn dẫn đầu về số lượng đầu sách xuất bản. Chi hội văn học với 51 hội viên đủ các lứa tuổi đã hình thành một đội ngũ sáng tác vững vàng, sung sức. Hội viên của chi hội đã có hàng trăm tác phẩm in trên Tạp chí Sông Thương, các tuyển tập văn, thơ... và trên các sách, báo, tạp chí VHNT. Nội dung các tác phẩm lành mạnh, đúng định hướng, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân, biểu dương các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương. Một số tác giả, tác phẩm đã được Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang khen thưởng.

Các chi hội chuyên ngành của Hội VHNT Bắc Giang hoạt động khá đồng đều. Chi hội Mỹ thuật với 24 hội viên, sáng tác nhiều tác phẩm, tổ chức ba cuộc triển lãm tại Hà Nội và tại tỉnh, tham gia 5 cuộc triển lãm Mỹ thuật khu vực miền núi phía bắc, do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Một số tác phẩm của hội viên đã được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được tặng giải thưởng trong các cuộc triển lãm mỹ thuật. Ở chi hội Âm nhạc, các nhạc sĩ, ca sĩ hăng hái sáng tác và biểu diễn những tác phẩm, ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi Ðảng và Bác Hồ kính yêu. Hội viên chi hội Nhiếp ảnh cũng tích cực đi thực tế, bám sát cuộc sống lao động của nhân dân, sáng tác hàng nghìn tác phẩm ảnh nghệ thuật phục vụ công chúng tại các cuộc liên hoan ảnh khu vực phía bắc và triển lãm tại địa phương đăng trên các báo và tạp chí. Ðặc biệt, chi hội Văn nghệ dân gian trong nhiệm kỳ qua đã tập trung công sức nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản được hàng chục đầu sách giới thiệu về văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần khai thác, giữ gìn, phát triển những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí... làm phong phú thêm nét văn hóa bản địa. Các chi hội Sân khấu, Kiến trúc đều có những hoạt động phong phú, sáng tác, biểu diễn, góp phần làm đẹp thêm đời sống văn hóa tinh thần công chúng trong và ngoài tỉnh. Tạp chí Sông Thương giữ vững định hướng hoạt động sáng tạo có nhiều cải tiến, nâng cao chất lượng, làm tròn trách nhiệm chuyển tải các sáng tác VHNT của hội viên tới người đọc.

ÐỂ nâng cao năng lực sáng tác cho hội viên, hội đã tổ chức năm cuộc hội thảo, tọa đàm; tài trợ cho 107 lượt tác giả với 361 triệu đồng; phối hợp Ðài Phát thanh, Truyền hình T.Ư và tỉnh tổ chức 68 chương trình văn hóa văn nghệ, giới thiệu tác phẩm, tác giả. Tổ chức 21 trại sáng tác, 27 đợt đi thực tế trong và ngoài tỉnh cho hơn 400 lượt hội viên, giúp hoàn thành hơn 200 tập bản thảo và hơn 1.000 tác phẩm đơn lẻ. Gần 150 cuốn sách của tập thể, cá nhân được xuất bản phục vụ nhu cầu của nhân dân. Hội thơ Nguyên tiêu được duy trì có chất lượng, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Thông qua các hoạt động sáng tác, phổ biến VHNT, hội đã kết nạp thêm 41 hội viên, giành 51 giải thưởng quốc gia và khu vực, 17 Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể và cá nhân. Có thể nói, Hội VHNT Bắc Giang đã thật sự là ngôi nhà chung, tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ, tạo được sự đoàn kết, dân chủ, làm cho từng hội viên phát huy khả năng sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

NGUYỄN TUẤN KHƯƠNG
Chủ tịch Hội VH-NT Bắc Giang( ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất