Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 19/11/2009 8:14'(GMT+7)

Trường Cao đẳng Múa Việt Nam 50 năm - một chặng đường

Ra đời chưa đầy sáu tháng, Bác Hồ đã về thăm trường. Cùng đi với Bác hôm ấy còn có Cụ Phan Kế Toại – Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Hoàng Minh Giám và nhiều cán bộ của Bộ, của Ban Tuyên huấn Trung ương. Mùa xuân 1961, Bác Hồ còn về thăm một lần nữa để động viên thầy và trò Trường Múa dạy tốt và học tốt. Vậy mà đã 50 năm!

Năm mươi năm xây dựng và phát triển (25/10/1959- 25/10/2009) .Trường Múa Việt Nam, nay là Trường Cao đẳng Múa Việt Nam luôn không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Những ngày đầu tiên xây dựng, trường gặp không ít khó khăn. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, giáo viên còn ít, nhà trường mới hình thành ba khoa ( Khoa Múa, Khoa Âm nhạc, Khoa Văn hóa.), hai phòng chức năng ( Phòng Tổ chức- Hành chính, Phòng Giáo vụ). Nhưng với tình yêu nghề, yêu trò và tâm huyết với nghệ thuật múa, các nhà giáo- nghệ sĩ như Lệ Cung, Ngân Quý, Hồng Quỳ, Hoàng Túc, Đoàn Long, Thái Ly, Bùi Đức Trực, Sa Kim Đóa, Đinh Thị Yến, Hoàng Điệp, Hồng Linh, Bích Nghĩa… đã không quản đêm ngày dạy chữ, dạy nghề cho bao thế hệ học sinh. Vào những năm sáu mươi, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều học sinh ưu tú của trường đã được gửi sang Liên Xô (cũ), Trung Quốc học tập. Nhà trường cũng chủ động mời các chuyên gia Nga, Triều Tiên, Trung Quốc… sang giảng dạy tại Việt Nam. Chương trình giảng dạy của nhà trường ngay từ đầu đã có các bộ môn : Múa dân gian dân tộc, Múa cổ điển Châu Âu, Múa cổ điển Việt Nam, Âm nhạc và các môn Văn hóa-Lý luận. Với phương châm học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiển, môn thực tập biểu diễn của nhà trường cũng đã ra đời.


Trong những kỷ niệm sâu sắc của nhiều thầy cô giáo đã từng giảng dạy tại trường Múa, những năm tháng khó khăn, sôi động, đáng nhớ nhất chính là những năm cả nước tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hà Nội và nhiều thành phố trên miền Bắc đã bị máy bay Mỹ bắn phá. Theo yêu cầu của Bộ văn hóa, thầy trò nhà trường đã hai lần phải đi sơ tán; có lúc ở Phú Bình, Thái Nguyên(1965-1969), có khi lại qua Cổ Tiết, Tam Nông, Phú Thọ(1972-1973). Trong những phòng học nửa chìm nửa nổi; ẩn khuất giữa rặng tre xanh, dưới tàu lá cọ của làng quê, những chiếc máy bay Mỹ luôn rít gào; xé nát bầu trời nhưng thầy trò Trường Múa vẫn âm thầm luyện tập. Những năm tháng ấy người nghệ sĩ múa cũng là những người chiến sĩ. Đã có nhiều học sinh ngày ra trường cũng là ngày theo chân các đoàn nghệ thuật vượt Trường Sơn vào chiến trường. Lịch sử ngành Múa sẽ không bao giờ quên những gương mặt tên tuổi như: Nguyễn Thanh Tùng, Đỗ Hùng Thạch, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Nhiếp, Nguyễn Khánh Hùng, Huỳnh Hữu Hạnh... Các anh, các chị ấy đã anh dũng hy sinh trong chiến trường trong tư thế là người nghệ sĩ- chiến sĩ.

Trong sự nghiệp đổi mới, đánh giá đúng vai trò là một trường đầu ngành trong cả nước, ngày 07/05/2001 Trường Múa VN chính thức được Bộ Văn hóa- Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) quyết định nâng cấp thành trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của nhà trường. Mặc dù công tác giáo dục đào tạo nói chung, đào tạo nghệ thuật nói riêng vẫn chưa hết những khó khăn, nhưng với sự quan tâm đúng mức của Đảng, Nhà Nước, trước hết là của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam đã có nhiều cơ hội phát triển, hội nhập với nghệ thuật múa đương đại của thế giới..

Các thế hệ lãnh đào của nhà trường từ cô Đoàn Kim Bình, thầy Lê Đức Vân, thầy Hoàng Điệp, cô Thanh Thủy. thầy Quốc Cường , thầy Văn Quang…luôn kiên trì phấn đấu, đổi mới các mặt hoạt động, tăng cường công tác quản lý đào tạo, từng bước hoàn thiện nội dung chương trình, mở rộng qui mô đào tạo (đào tạo diễn viên múa hệ 6 năm và diễn viên múa dân gian dân tộc hệ 4 năm, các lớp ngắn hạn 3 năm, 2 năm, chuyên tu 1 năm, 18 tháng và các lớp tạo nguồn…).

Trong quá trình xây dựng và phát triển, việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ và giáo viên là vấn đề luôn được đặt biệt chú trọng. Tới nay, 100% giáo viên của nhà trường đã có trình độ Đại học và trên Đại học. Nhiều giáo viên trẻ đang được nhà trường cử đi nâng cao chuyên môn ở các trường Đại học trong và ngoài nước. Đứng trên bục giảng của nhà trường đã có nhiều nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú, nghệ sĩ Ưu tú: Cô Thanh Thủy, thầy Quốc Cường, cô Song Thủy, cô Kiều Thị Cậy, cô Minh Phương, cô Kim An, cô Bích Lam, thầy Dương Dũng, thầy Văn Quang, thầy Quốc Minh, thầy Anh Quân, thầy Danh Long, … và kế cận là một đội ngũ giáo viên trẻ có năng lực: cô Thu Hằng, cô Minh Khánh, cô Thúy Nga, cô Ly Ly, cô Quỳnh Lan,... . Cở sở vật chất của Trường cũng đã được, nâng cấp ( có 1 sân khấu, 12 sàn tập, 9 phòng học văn hóa và âm nhạc, 1 phòng học tin học đạt tiêu chuẩn ..) Nhà trường luôn chú trọng hoạt động thực tập biễu diễn, nghiên cứu khoa học và đối ngoại ( tổ chức, liên kết và tham dự nhiều hội thảo, hội nghị do Nhà trường,Vụ đào tạo, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội nghệ sĩ Múa VN tổ chức… tham gia nhiều hội diễn nghệ thuật toàn quốc. Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cho các nhiệm vụ tuyên truyền chính trị của đất nước đã được các khóa học sinh của nhà trường phối hợp cùng với các nghệ sĩ múa ở các đoàn nghệ thuật trong cả nước tích cực tham gia: SEA GAMES XXII, PARA GAMES II, KỶ NIÊM 50 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ, INDOOR GAMES III VÀ NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH QUẢNG BÁ DU LỊCH TRÊN CẢ NƯỚC…)

Nhà trường hiện nay có bốn khoa ( Khoa Múa Dân tộc, Khoa Múa Nước ngoài, Khoa Âm nhạc, Khoa Văn hóa và Kiến thức cơ bản) và một Nhà hát Thực nghiệm và Biểu diễn, bốn  phòng chức năng: ( Phòng đào tạo công tác học sinh, sinh viên, Phòng Tổ chức Cán bộ, Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Nghiên cứu Khoa học và thư viện). Trong quá trình hội nhập và phát triển, nhà trường cũng đã kết nghĩa với trường múa Kieps (Ucraina), giao lưu hợp tác với trường múa Vic- to- ri-a ( Úc), đoàn múa Phương Bắc(Úc), Học viện Múa Bắc Kinh, Quảng Tây(Trung Quốc), trường Múa Lion (Pháp) …


Với phương châm: đổi mới toàn diện trong quá trình đào tạo cũng như học tập, ngày nay, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam hằng năm vẫn không ngừng đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ. Hiện nay, phần đông trong số này đều là lực lượng nòng cốt của các đoàn nghệ thuật trong cả nước; một số đã trở thành cán bộ lãnh đạo của các đoàn nghệ thuật. Trong số hàng ngàn nghệ sĩ múa do trường đào tạo, đến nay đã có nhiều người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú; nhiều người như Vương Linh, Đặng Hùng, Cao Chí Thành…đã trở thành lớp nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước... Họ là những hạt nhân gieo mầm và nuôi dưỡng, phát triển nghệ thuật múa Việt Nam.

50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam đã được Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương. Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, Chủ tịch nước đã có quyết định trao tặng Trường Huân Chương Độc Lập hạng II. Và cũng trong dịp này, để ghi nhận công lao đào tạo của nhà trường đối với nhiều thế hệ học sinh Lào, chính phủ Lào cũng quyết định trao tặng nhà trường Huân Chương Lao Động hạng II - Đó là những phần thưởng cao quý của Nhà nước ta và bạn bè quốc tế khẳng định công lao đóng góp to lớn của Trường cho ngành nghệ thuật múa Việt Nam trong nửa thế kỷ qua.

  • Trần Thái Phan
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất