Thứ Bảy, 30/11/2024
Chính sách
Chủ Nhật, 26/10/2008 9:56'(GMT+7)

Cùng hợp sức ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em

Công an đang xử lý một đường dây buôn bán trẻ em. Ảnh minh hoạ

Công an đang xử lý một đường dây buôn bán trẻ em. Ảnh minh hoạ

Ở nước ta, loại tội phạm này chỉ mới xuất hiện trong hơn 10 năm trở lại đây nhưng đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Nếu trong những năm trước buôn bán phụ nữ và trẻ em chỉ xảy ra ở một, hai tỉnh, thành phố thì nay đã lan rộng ra nhiều khu vực từ nông thôn đến thành thị và cả miền núi.

Theo báo cáo của công an các địa phương và của các cơ quan chức năng các nước trong khu vực, trong vòng hơn 10 năm qua đã có hàng chục ngàn phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị lừa gạt bán ra nước ngoài. Tính từ năm 1998 đến nay, công an các cấp đã điều tra, khởi tố hơn 1.430 vụ (trong đó có 1.112 vụ buôn bán phụ nữ, 322 vụ buôn bán trẻ em), bắt giữ gần 3.000 đối tượng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2008, đã có 160 vụ buôn bán phụ nữ trẻ em (PNTE) được triệt phá. Tuy nhiên, tình hình buôn bán PNTE vẫn diễn ra phức tạp, tăng 2% số vụ và số đối tượng so với năm 2007. Một trong những vụ điển hình nhất là đường dây buôn bán trẻ sơ sinh đã được công an Hà Nội, Quảng Ninh triệt phá. Nạn nhân không chỉ là những đứa trẻ sơ sinh mà cả những bào thai đang nằm trong bụng mẹ, cũng như chính những người phụ nữ mang thai. Đây là ổ nhóm tội phạm chuyên buôn bán trẻ em sang Trung Quốc theo đường biên giới Móng Cái, Quảng Ninh có phạm vi hoạt động rộng khắp trên toàn quốc. Bọn chúng thường nhằm vào các phụ nữ trót dại, bị phản bội tình yêu và quan trọng là không mong muốn giữ giọt máu này để tìm cách dụ dỗ, gạ gẫm và bán cho chúng những đứa trẻ ấy sau khi ra đời.

Theo báo cáo của Bộ Công an, các vụ buôn bán PNTE đang có chiều hướng tăng, đặc biệt đối tượng phạm tội đã áp dụng nhiều thủ đoạn dã man... Mặc dù, các cơ quan chức năng đã giải thoát cho hàng ngàn phụ nữ, trẻ em thoát khỏi cảnh nô lệ nhưng số lượng vụ việc điều tra, khám phá trong thời gian qua là còn quá khiêm tốn so với thực tế đã xảy ra. Trong những năm trước, nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em thường nhỏ lẻ và chủ yếu là buôn bán trong nước thì nay đã có biểu hiện của loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia và mang tính quốc tế. Phần lớn phụ nữ và trẻ em bị buôn bán sang các nước Trung Quốc, Campuchia, Đài loan, Malaysia, Thái Lan...

Xét trên phạm vi quốc tế và khu vực, Việt Nam được xem là nơi trung chuyển cho các tuyến buôn bán người tới một số quốc gia khác trong tiểu vùng sông Mê Kông. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam chủ yếu bị buôn bán ra nước ngoài, rất ít phụ nữ và trẻ em bị buôn bán ngược vào Việt Nam. Phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị bán sang Trung Quốc mục đích là để làm vợ, làm mại dâm, hầu hết là người dân thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ. Riêng phụ nữ và trẻ em Việt Nam ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị bán sang Campuchia rồi sau đó đưa sang một nước thứ ba chủ yếu nhằm phục vụ ngành công nghiệp mại dâm.

Dự báo tình hình buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong thời gian từ nay đến năm 2010, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em nhất là bán ra nước ngoài vẫn là một vấn đề nghiêm trọng và phức tạp. Nơi đến của các tuyến buôn bán phụ nữ và trẻ em chủ yếu vẫn là Trung Quốc và Campuchia.

Theo một con số đã công bố, qua điều tra khảo sát, hiện cả nước có trên 3.048 đối tượng, khoảng 235 đường dây, gồm 654 đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán PNTE, song công tác đấu tranh, khám phá còn nhiều hạn chế.

Toàn quốc hiện nay có 54 tuyến trọng điểm về buôn bán phụ nữ và trẻ em, trong đó có 5 tuyến quốc tế và 18 tuyến liên tỉnh, nổi bật nhất là các tuyến biên giới VN - Trung Quốc và VN - Campuchia.

Bên cạnh tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, tình trạng cướp đoạt trẻ em, buôn bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, buôn bán đàn ông và buôn bán nội tạng người cùng nhiều loại hình tội phạm liên quan đến buôn người cũng manh nha phát triển.. Tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em còn được thực hiện qua cả đường hàng không, đường biển, tập trung đến một số nước và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hồng Kông, một số nước châu Âu, châu Mỹ... phụ nữ và trẻ em được đưa đi theo đường này sẽ bị bán vào các động mại dâm của người địa phương hoặc cộng đồng VN nước sở tại, một số có thể bị đưa đi lao động cưỡng bức.

Rõ ràng, tình hình buôn bán PNTE đang là vấn đề nóng bỏng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em đòi hỏi sự nỗ lực ngăn chặn ở từng nước, nhưng cũng cần có sự hợp tác, thống nhất hành động của cộng đồng quốc tế.

Ngày 17- 6-1999, các nước trên thế giới đã thống nhất ngăn chặn và xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em - một hình thức bóc lột tồi tệ nhất, trong đó có tệ buôn bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột lao động. Đó là Công ước 182 về xoá bỏ lao động trẻ em đã được 174 nước thành viên Tổ chức Lao động quốc tế tham gia. Đây là một công cụ pháp lý quốc tế quan trọng về quyền con người. Trong khuôn khổ Công ước này cùng với các văn bản pháp lý quốc tế khác đã xây dựng Dự án phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại tiểu vùng sông Mê kông giai đoạn 2000-2003, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Dự án tập trung vào phòng ngừa buôn bán người thông qua xây dựng năng lực, tăng cường nhận thức, vận động và hỗ trợ trực tiếp bằng cách tạo việc làm, đào tạo kỹ năng, cung cấp tín dụng với nhóm đối tượng mục tiêu là nữ thanh niên và trẻ em có nguy cơ cao và gia đình họ. Ngày 11-1-2006, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 46/QĐ-LĐTBXH về phê duyệt Kế hoạch hoạt động Dự án “ Hỗ trợ phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em tại Việt nam”. Thực hiện Kế hoạch này, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai tích cực và đã hỗ trợ cho các địa phương trong việc phòng chống nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đạt một số kết quả quan trọng : Xây dựng và tăng cường các khuôn khổ luật pháp và chính sách về phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; Giám sát, chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các bộ, ban ngành... Đặc biệt là công tác thông tin tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức trong toàn xã hội được coi trọng. Với nhiều hình thức khác nhau, đến nay, có trên 80% người dân trong cộng đồng, phần lớn phụ nữ và trẻ em có nguy cơ cao được tiếp nhận thông tin, nâng cao nhận thức về nạn buôn bán người và mối nguy hại của việc di cư thiếu sự chuẩn bị...

Cùng với công tác hoàn thiện văn bản pháp lý và công tác tuyên truyền, Dự án đã trực tiếp hỗ trợ cho các đối tượng thông qua các địa phương trong công tác dạy nghề, hỗ trợ vốn. Đến nay, các địa phương đã tổ chức cho gần 700 phụ nữ có nguy cơ cao học nghề, cấp và cho vay vốn 250 lượt người với gần 150 triệu đồng, ngoài ra, nhiều địa phương còn vận động nhân dân cùng tham gia xây nhà tình thương cho các đối tượng này; trợ cấp học bổng, học phí cho các em... Kết quả bước đầu đã có nhiều người có nghề, tự nuôi sống bản thân và gia đình. Nhiều người đã trở thành các cộng tác viên tuyên truyền về phòng chống nạn buôn người. Mặc dù, chúng ta đã có nhiều hoạt động phòng chống buôn bán PNTE và đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, nhưng nạn buôn bán PNTE vẫn tiếp tục gia tăng. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 130/CP, nguyên nhân cơ bản đó là do yếu tố về kinh tế khó khăn, thiếu việc làm cũng như nhận thức kém, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dẫn đến họ dễ bị lừa gạt và trở thành nạn nhân. Mặt khác, do tội phạm buôn bán trẻ em ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi nên công tác phòng chống buôn bán trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như việc truyền thông về những thủ đoạn buôn bán, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa rất khó khăn...

Để phòng chống tệ buôn, bán phụ nữ và trẻ em có hiệu quả, đòi hỏi toàn xã hội, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân phải tham gia một cách tích cực với nhiều biện pháp hữu hiệu.

Trước hết, cần thông tin, tuyên truyền vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc phòng ngừa tệ buôn bán phụ nữ, trẻ em. Hệ thống chính trị ở các cấp cần quan tâm chỉ đạo và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về những thủ đoạn buôn bán phụ nữ và trẻ em dưới nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi như : dẫn đi tìm việc làm, dụ dỗ di cư, lấy chồng ngoại quốc... Chính quyền địa phương phải quản lý địa bàn chặt hơn, tạo việc làm…lưu ý đăc biệt các trường hợp có nguy cơ cao bị buôn bán, bóc lột như nghèo, thất học, cha mẹ thiếu trách nhiệm với con cái... Mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác, tự bảo vệ mình trước những thủ đoạn xảo quyệt của những kẻ buôn người.

Thứ hai là, các địa phương, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp cần quan tâm tích cực, tạo các cơ hội việc làm cho những người có nguy cơ cao. Đây là một biện pháp quan trọng hàng đầu. Theo Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB& XH trả lời Báo Diễn đàn doanh nghiệp về các biện pháp phòng ngừa nạn buôn người thì, để làm được điều này, vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là những chủ doanh nghiệp là rất lớn. Nếu doanh nghiệp không bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động thì rất dễ đẩy họ lâm vào tệ nạn trên, và ngược lại cũng làm cho các doanh nghiệp mất lao động. Tối thiểu, các doanh nghiệp cũng phải biết thế nào là buôn bán phụ nữ và trẻ em, bóc lột sức lao động…

Thứ ba là, với loại tội phạm buôn bán người, chúng ta cần phải tăng cường triệt phá và phạt nặng hơn. Phải đẩy mạnh tuyên truyền trong toàn xã hội, lồng ghép các chương trình phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em với các chương trình liên quan đến cuộc sống con người như xóa đói giảm nghèo, vay vốn tạo việc làm, phòng chống HIV… Chính quyền địa phương phải quản lý địa bàn chặt hơn, tạo việc làm... lưu ý đặc biệt các trường hợp có nguy cơ cao bị buôn bán, bóc lột như nghèo, thất học, cha mẹ thiếu trách nhiệm với con cái. Cần để trẻ em hiểu rõ những nguy cơ có thể bị buôn bán, giúp các em có thể tự bảo vệ mình và tuyên truyền cho các bạn cùng trang lứa. Điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ nâng cao nhận thức cho toàn dân mà còn giúp cho các em có cơ hội được bày tỏ và chia sẻ bằng hành động./.

 Nguyễn Chu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất