Thứ Sáu, 4/10/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Bảy, 26/6/2010 22:4'(GMT+7)

Cuộc vận động ”Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở Phú Yên đang đi vào cuộc sống

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Văn Phúc trao phần thưởng cho đại diện các tập thể xuất sắc làm theo gương Bác của huyện Đồng Xuân  tỉnh Phú Yên.  Ảnh: H.CHƯƠNG

Phó Bí thư Tỉnh ủy Vũ Văn Phúc trao phần thưởng cho đại diện các tập thể xuất sắc làm theo gương Bác của huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Ảnh: H.CHƯƠNG

Có thể điểm qua những hoạt động tiêu biểu của 3 năm để thấy rõ điều này. Năm 2007, tổ chức Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ cấp huyện và tương đương đến cấp tỉnh là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thành công ngoài sự mong đợi, có sức lan toả mạnh mẽ, góp phần bồi đắp ngày càng sâu sắc hơn tình cảm của mỗi người đối với Bác Hồ kính yêu. Sau hội thi, các địa phương chọn các thí sinh đạt giải tổ chức về các khu dân cư (tổ dân phố, thôn, buôn) để kể những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác cho nhân dân nghe, tổ chức ghi âm để phát trên sóng truyền thanh hàng tuần, đây là cách làm hết sức thiết thực được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần tạo sự chuyển biến thật sự về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng, tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác.

Một cách làm sáng tạo và riêng của Phú Yên tạo sức lan tỏa mạnh và hiệu quả cao đó là việc quyết định tổ chức chào cờ Tổ quốc đầu tuần, gắn chào cờ với việc tiếp tục học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng như nghe những mẩu chuyện về gương điển hình làm theo Bác. Năm 2007, Huyện uỷ Sông Hinh là đơn vị đầu tiên, năm 2008 các huyện uỷ: Tuy An, Đông Hoà, Tây Hoà tiến hành tổ chức chào cờ đầu tháng và tiến đến chào cờ đầu tuần. Trên cơ sở rút kinh nghiệm của các địa phương, ngày 20/3/2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo tổ chức chào cờ Tổ quốc vào sáng thứ hai đầu tuần ở tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, trường học… từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, gắn chào cờ Tổ quốc với học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ, việc thực hiện trong toàn tỉnh bắt đầu từ ngày 04/5/2009. Hiện nay một số xã đã triển khai việc chào cờ Tổ quốc gắn với học tập dưới cờ ở từng thôn, buôn, để nhân dân được tham gia chào cờ và nghe những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác. Năm 2010, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tiếp tục bổ sung nội dung học tập dưới cờ có nhận xét, đánh giá thực hiện việc “làm theo” tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương trong tuần, biểu dương việc làm tốt, nhắc nhở việc làm chưa tốt. Có thể nói sau một năm triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh cho thấy: việc tổ chức học tập dưới cờ đã tạo ra sức lan toả trong nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác và là một nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội.

Năm 2008, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh tập trung chỉ đạo chuyển Cuộc vận động từ “học tập là chính” sang “làm theo là chính”, thông qua học tập và làm theo “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí” gắn với sơ kết 02 năm thực hiện Nghị quyết TW3 (khoá X) về thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; và tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” của Bác. Năm 2009, học tập và làm theo “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, qua đó đã tạo nên chuyển biến cơ bản trên các lĩnh vực. Đặc biệt việc tổ chức Hội nghị gặp mặt, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ cấp huyện và tương đương đến cấp tỉnh đã có sức lan toả mạnh mẽ. Toàn tỉnh đã có 1.025 tập thể và cá nhân (360 tập thể, 665 cá nhân) xuất sắc tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác đã được tuyên dương, khen thưởng.

Việc tổ chức Hội nghị gặp mặt, giao lưu, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm và biểu dương, khen thưởng đã có tác động hết sức cơ bản và quan trọng, đẩy Cuộc vận động tiến lên một bước mới - “bước làm theo”; và cũng thông qua các hội nghị này đã tạo được sự thuyết phục, sức lan toả và khẳng định những kết quả thực sự trong đời sống xã hội về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Trong thực tiễn làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt và đạt hiệu quả thiết thực góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh… Qua hơn 3 năm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, có hiệu quả, thể hiện ở một số mô hình tiêu biểu:

Trong Đảng: Lãnh đạo, cấp ủy đảng đối thoại trực tiếp với dân theo phương châm “lãnh đạo huyện về từng xã, phường, thị trấn; lãnh đạo xã, phường, thị trấn về từng thôn, buôn, khu phố” để lắng nghe ý kiến và kiến nghị những vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân và kịp thời giải quyết, xử lý, góp phần tạo sự ổn định về tư tưởng, tâm trạng xã hội; thực hiện cơ chế chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng; cán bộ lãnh đạo, chủ trì đơn vị hàng tháng báo cáo việc thực hiện Cuộc vận động trước chi bộ đã có tác dụng tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đối với Nhà nước: Xây dựng cơ chế đối thoại trong dân, tiếp xúc trong dân, cải cách thủ tục hành chính… nhằm giảm sự phiền hà với dân, giải quyết công việc nhanh, đạt hiệu quả hơn.

Bằng nhiều việc làm khác nhau trong công tác đảm bảo an sinh xã hội gắn với Cuộc vận động, riêng năm 2009, toàn tỉnh đã xóa 1.547 nhà ở tạm cho hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 12,7 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 25.070 lao động, trên 80% lao động mất việc làm đã tìm được việc làm, đời sống người lao động từng bước ổn định.

Việc học tập chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” gắn với sơ kết hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và học tập, làm theo tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác cũng được đẩy mạnh. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình hành động, xây dựng các tiêu chí cụ thể trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí và sửa đổi lối làm việc. Tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quy định của Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đề ra kế hoạch giảm các khoản chi tiêu như: văn phòng phẩm, điện nước, đi công tác, xăng xe, hội họp, tiếp khách… kết quả đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng đã được chú trọng và tiến hành thường xuyên; chủ động trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; đã giải quyết nhiều vụ án tiêu cực, tham nhũng, thu hồi hàng chục héc-ta đất các loại và thu về cho Nhà nước nhiều tỷ đồng, khôi phục quyền lợi cho công dân…

Trong các lực lượng vũ trang: Các phong trào lớn gắn với Cuộc vận động như “Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ”; “Công an nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ”; “Bộ đội biên phòng học tập và làm theo lời Bác”, riêng mô hình “Mái ấm biên cương” của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng được 30 ngôi nhà tình nghĩa, mỗi ngôi nhà trị giá 15.000.000đồng.

Trong các ngành, hội, đoàn thể: Trong ngành y tế, ngày một thực hiện tốt hơn lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền”; “Cán bộ cần phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi nỗi đau của họ cũng như nỗi đau của mình” nhằm từng bước khắc phục tư tưởng “coi người bệnh là người chịu ơn, cán bộ là người ban ơn”, từ bảo vệ, lái xe, y tá, hộ lý, điều dưỡng đến bác sỹ đã có ý thức tạo điều kiện tốt nhất để cho bệnh nhân hài lòng theo khẩu hiệu hành động: “Sự hài lòng của bệnh nhân là niềm tự hào của cán bộ” để không ngừng đẩy mạnh phong trào “Rèn luyện nâng cao y đức” trong toàn ngành. Ngành giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”; “Xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực”; thực hiện hiệu quả khẩu hiệu học giỏi, chăm ngoan; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; thực hiện Cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung trong các trường học, vì thế tình trạng học sinh bỏ học đã giảm, có thêm 05 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số lên 47 trường trong toàn tỉnh. Toàn tỉnh đã được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2008.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với công tác bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, không tổ chức ăn uống linh đình trong việc cưới, việc tang, lễ hội… Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã có 180.428 hộ gia đình văn hóa, 403 làng và khu phố văn hóa; đẩy mạnh các phong trào “Tương thân, tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm là rách nhiều”; vận động nhân dân đóng góp quỹ xây dựng nhà đại đoàn kết, hiến, tặng đất để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo không có đất xây dựng nhà ở.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện có kết quả Cuộc vận động “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”; tổ chức các diễn đàn “Bác Hồ với thanh niên-Thanh niên với Bác Hồ”, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, một mặt tạo sân chơi cho thanh thiếu niên, mặt khác nhằm thu hút, tập hợp thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn, hội; xây dựng tủ sách thanh niên; thành lập các tổ “Thanh niên xung kích”, “Thanh niên tình nguyện” vì cuộc sống cộng đồng, làm nòng cốt trong các phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội… ở cơ sở.

Hội Phụ nữ các cấp thực hiện rất có hiệu quả những mô hình như: “Thùng gạo tình thương”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Heo đất tiết kiệm”, “Quả dừa tiết kiệm”-những mô hình này nhằm xây dựng quỹ và tiết kiệm được 217.397.000 đồng, 2.037kg gạo, 40 bộ sách cũ, hàng ngàn bộ quần áo cũ và các vật dụng gia đình thiết yếu khác giúp cho 5.810 gia đình hội viên, chị em phụ nữ nghèo, những gia đình gặp khó khăn đột xuất. Đáng chú ý là toàn tỉnh hiện có 2.397 nhóm “Phụ nữ tiết kiệm” với 30.117 thành viên xây dựng được quỹ tiết kiệm là 3.295.105.000 đồng. Điều đáng ghi nhận từ phong trào “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Hội Phụ nữ là, nhiều cơ sở hội chủ động lồng ghép việc thực hiện tiết kiệm với các hoạt động nhân đạo, từ thiện để tương trợ cho những hội viên, gia đình khó khăn, qua đó xã hội thấy được việc “làm theo” của mỗi hội viên tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa thiết thực.

Với Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh thực hiện các phong trào “Nông dân-Cựu chiến binh sản xuất giỏi”, “Trồng một cây nuôi một con gây quỹ ủng hộ gia đình khó khăn”; thành lập các “Tổ tình nguyện bảo vệ an ninh trật trự, bảo vệ môi trường ở các thôn, xóm”…

Thực tiễn ở Phú Yên khẳng định rằng, những việc làm trên được dư luận, nhân dân đồng tình cao. Đó là cơ sở tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây chính là kết quả, chuyển biến về chất do Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mang lại.

Những kết quả đạt được của việc “làm theo” trong quá trình triển khai, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn tỉnh Phú Yên là rất đáng tự hào và trân trọng. Đặc biệt là từ thực tiễn kết quả của những mô hình hay, việc làm tốt đã được dư luận đánh giá cao. Vì thế, Phú Yên đã có kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết về những mô hình, việc làm tốt như trên để từ đó tiếp tục nhân ra diện rộng và đẩy mạnh hơn nữa về chất trong việc thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.

Năm 2010, là năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của Đảng, của đất nước, của dân tộc, của tỉnh Phú Yên; đồng thời cũng là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Trên cơ sở các nội dung chung trong năm 2010 của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và từ thực tiễn những mô hình hay, cách làm tốt, những kinh nghiệm đã được đúc kết qua hơn 03 năm thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh xác định 09 nội dung cần triển khai thực hiện trong năm 2010, trong đó tập trung một số nội dung trọng điểm là:

1- Tổ chức học tập trong cán bộ, đảng viên, công chức, hội viên, đoàn viên Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân chủ đề Cuộc vận động năm 2010: “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” gắn với công tác tổ chức và tiến hành đại hội Đảng các cấp.

2- Tiếp tục đưa nội dung Cuộc vận động vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ, trong đó chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế chất vấn, trả lời chất vấn trong Đảng; trong kiểm điểm công tác của chi, đảng bộ hàng tháng có nhận xét đánh giá việc thực hiện Cuộc vận động, kiểm điểm tập thể và cá nhân cuối năm có đánh giá việc thực hiện Cuộc vận động; thực hiện nghiêm túc Công văn số 271-CV/TW, ngày 24/4/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng Cuộc vận động.

3- Tiếp tục duy trì và nâng lên một bước mới thực hiện có hiệu quả việc tổ chức chào cờ Tổ quốc vào sáng thứ hai hằng tuần. Ngoài nội dung học tập dưới cờ trong năm 2009, cần tổ chức đánh giá nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tuần, tự phê bình và phê bình dưới cờ, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp chủ trì. Cuối năm 2010, các địa phương, đơn vị tổ chức sinh hoạt đánh giá kết quả qua 02 năm thực hiện để đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng trong xã hội.

4- Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2010; tuyên truyền, biểu dương các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong việc “làm theo”; tổng kết Cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” 2009-2010 vào dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu.

5- Cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát định kỳ; công tác chỉ đạo điểm; sơ kết các mô hình hay, việc làm tốt để nhân rộng; sơ, tổng kết Cuộc vận động và biểu dương khen thưởng trong năm 2010.

Qua kết quả thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh Phú Yên thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động:

Thứ nhất, phải tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động trong Đảng, trong nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của Cuộc vận động, xem đây là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa thường xuyên, lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức và trong xây dựng đời sống tinh thần, xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội.

Thứ hai, sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục của cấp ủy Đảng, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là nhân tố quyết định thắng lợi của Cuộc vận động.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của Ban Chỉ đạo các cấp, thường xuyên có kế hoạch kiểm tra, giám sát, xây dựng đơn vị điểm, phân công, phân nhiệm cụ thể trong các thành viên Ban Chỉ đạo, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo, lấy việc làm theo làm đích đến của Cuộc vận động. Quan tâm phát hiện và nhân rộng những việc làm tốt, các gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nội dung Cuộc vận động với nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua khác của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, văn hóa văn nghệ và các loại hình thông tin cổ động trực quan khác về Cuộc vận động, chú ý phát hiện và biểu dương kịp thời các gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thứ bảy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên phải chủ động, tích cực, tự giác làm theo tấm gương đạo đức của Bác thường xuyên, liên tục, từ những việc làm cụ thể hàng ngày; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều./.

PGS.TS  Vũ Văn Phúc

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phú Yên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất