Công tác tư tưởng có nhiều nội dung, có nhiều mối quan hệ, chỉ xin có một số ý kiến nhỏ chung quanh mối quan hệ giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận như Nghị quyết Đảng đã đề cập
1- Hoạt động lý luận luôn luôn là một bộ phận quan trọng nhất của công tác tư tưởng. Bộ phận nào của công tác tư tưởng cũng như các lĩnh vực khác của xã hội đều có lý luận như lý luận về báo chí, lý luận văn hoá văn nghệ, lý luận về Nhà nước pháp quyền… trong đó lý luận chính trị là bộ phận quan trọng nhất.
Làm cách mạng thì phải có lý luận cách mạng chỉ đường. Ngay ở đầu tác phẩm “Đường Kách mệnh”, một cuốn sách giáo dục cho lớp thanh niên cách mạng đầu tiên ở nước ta để chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã trích lời V.Lênin: “Không có lý luận cách mạng thì không có cách mạng vận động… Chỉ có lý luận cách mạng tiên phong, Đảng cách mạng mới làm nổi trách nhiệm cách mạng tiên phong”, đã chỉ rõ tầm quan trọng hàng đầu của lý luận cách mạng đối với cán bộ đảng viên cũng như đối với mọi hoạt động của Đảng.
Lý luận là hệ thống những tri thức đã được khái quát, hình thành một quan niệm hoàn chỉnh về các quy luật và về mối liên hệ cơ bản của hiện thực. Chính vì lẽ đó mà lý luận chỉ đường cho hoạt động thực tiễn. Đồng thời cũng cần thấy rõ là lý luận được hình thành từ khái quát hoá thực tiễn để quay trở lại chỉ đạo thực tiễn, đồng thời thực tiễn là nơi kiểm nghiệm đúng sai của lý luận. Đó là sự khái quát chung về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên thực tiễn luôn luôn phát triển, do đó tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận và lý luận có phát triển mới có khả năng chỉ đạo thực tiễn phát triển rất sôi động. Thực tiễn luôn luôn đi trước. Sách viết theo đời mới là những sách có giá trị góp phần cống hiến vào kho tàng tri thức của nhân loại.
2- Trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta khởi đầu từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng, Đảng ta nêu rõ, trước hết phải bắt đầu từ “đổi mới tư duy” tức là khẳng định vị trí hàng đầu của công tác tư tưởng, lý luận; nhưng tư duy mới mà Đại hội nêu lên lại bắt đầu từ tổng kết thực tiễn đất nước chủ yếu trong 12 năm hoà bình, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc tự phê bình và phê bình. Đại hội lần thứ VI của Đảng đã xác định đường lối, phương hướng đổi mới đất nước nhưng cũng chỉ rõ đó là sự nghiệp “chưa có tiền lệ trong lịch sử”, phải “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Do đó vấn đề tổng kết thực tiễn vốn đã có ý nghĩa quyết định trong mối quan hệ giữa tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận, lại càng có ý nghĩa quyết định việc phát triển lý luận trong thời kỳ đổi mới.
3- Ngay từ khi đổi mới, Đảng ta đã khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Phải kiên định lý luận cơ bản và niềm tin lý tưởng nhưng Đảng lại chỉ rõ không những phải vận dụng sáng tạo mà còn góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để tiến kịp sự phát triển của thực tiễn đất nước. Không kiên định sẽ đi lạc mục tiêu nhưng không phát triển thì không thể kiên định. Sự phát triển lý luận chỉ có thể chủ yếu từ tổng kết thực tiễn. Nghĩa là không thể mang lý luận trong sách ra chụp vào mọi tình hình đang phát triển rất phong phú và đa dạng, mà phải từ phát triển của thực tiễn vừa hướng đúng mục tiêu vừa phù hợp với sự phát triển mới của thế giới để bổ sung và phát triển lý luận.
Trong gia tài rất cơ bản và quý giá là chủ nghĩa Mác-Lênin thì người học trò trung thành Nguyễn Ái Quốc, ngay từ năm 1924 đã tỏ rõ chính kiến muốn bổ sung từ những tổng kết của Phương Đông. Đồng thời những tư tưởng lớn khi thâm nhập vào mỗi quốc gia đều qua bộ lọc của truyền thống văn hoá, lịch sử của quốc gia, dân tộc đó, vì vậy bên cạnh những cái chung lại có nét đặc thù rất phong phú. Vả lại, những tư tưởng của các tác giả về khoa học xã hội nổi tiếng có dấu ấn lịch sử thì bao giờ cũng có bộ phận mãi mãi đúng, một bộ phận đúng vào lúc đó và có bộ phận chưa được kiểm nghiệm qua thực tiễn; kết luận đó theo tôi cũng đúng cả với chủ nghĩa Mác-Lênin. Do đó, việc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, theo tôi nghĩ phải vừa đề phòng sự dao động niềm tin khi tiếp cận nhiều trường phái lý luận và thực tiễn phong phú, mới mẻ lại cần đề phòng chủ nghĩa giáo điều mới đóng cửa trong giao lưu, làm ngơ trước thực tiễn mới làm trì trệ tư duy, hạn chế sự phát triển lý luận.
4- Như trên đã đề cập vai trò tổng kết thực tiễn trong việc phát triển lý luận, đồng thời cũng cần quan tâm tới ý kiến của một số nhà khoa học nêu lên những điều kiện cần phải có để các tổng kết thực tiễn có chất lượng. Đó là:
Thứ nhất, tất nhiên là phải lăn lộn trong thực tiễn để nghiên cứu thực tiễn, không chỉ ngồi đọc, nghe báo cáo hoặc đi thực tiễn theo kiểu thăm hỏi. Tuy nhiên hành trang để đi vào nghiên cứu, phân tích thực tiễn là kiến thức, tư duy khoa học và năng lực khái quát hoá để khỏi mắc cái bệnh mà một số nhà khoa học gọi là “chủ nghĩa thực tiễn tầm thường”.
Thứ hai, cần có tinh thần thẳng thắn, trung thực và ý thức tự phê bình, phê bình nghiêm túc. Thực tiễn có mặt tốt, mặt chưa tốt, có cách làm đúng có cách làm không đúng, có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân sai lầm chủ quan, nhưng khi nêu ra có thể động chạm tới các vấn đề lịch sử cá nhân tế nhị cho nên không nói hết. Sự thật bị che lấp bởi bệnh thành tích hoặc các lý do tế nhị nào đó cho nên không được phản ảnh đúng. Tổng kết trên điều không thật hoặc chưa đầy đủ sự thật thì chỉ là những tổng kết giả, không có giá trị. Đó là lý do mà nhiều cuộc gọi là tổng kết thực tiễn gần đây có người đề nghị nên gọi đúng tên là những cuộc liên hoan, gặp mặt tốn tiền bạc, thời gian và không có nhiều ý nghĩa.
Thứ ba, phải mở rộng dân chủ và công bằng trong quá trình tổng kết. Tiếp cận thực tiễn đã không dễ, đánh giá đúng thực tiễn còn khó hơn, nhưng thực tiễn được khái quát hoá là cơ sở cho việc phát triển lý luận thì rất khó cho nên không chỉ biểu quyết bằng phiếu mà phải lắng nghe phản biện, tranh luận dân chủ khi tiếp cận chân lý.
Như trên tôi đã trình bày, trong mối quan hệ giữa tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận thì phải rất coi trọng tổng kết thực tiễn. Tuy nhiên chỉ có tổng kết thực chất mới có thể phát triển lý luận để lý luận không mang mầu xám như có nhà thơ nào đó đã thành kiến mà nó xanh tươi như thực tiễn, như cây đời.
5- Nêu một vài ý kiến nhỏ ở trên, tôi muốn nói tới ý nghĩa thực tiễn trong việc lựa chọn, bồi dưỡng, quy định các chế độ công tác gắn với thực tiễn, với các bộ phận và cán bộ làm công tác tư tưởng, công tác lý luận, thực ra đó cũng là truyền thống trong công tác cán bộ của ngành tư tưởng./.