IV. Khẳng định, bổ sung phát triển Cương lĩnh của Đảng năm 1991
Tin tưởng không gì lay chuyển nổi vào "quy luật tiến hoá của lịch sử" mà Cương lĩnh Đảng năm 1991 đã khẳng định, chúng ta càng vững tin vào con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân đã lựa chọn. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh "dĩ bất biến ứng vạn biến", kết hợp nhuần nhuyễn, khôn khéo và thông minh tính kiên định về nguyên tắc và mục tiêu không thay đổi với đầu óc uyển chuyển, tinh thần và khả năng thường xuyên đổi mới, sáng tạo phù hợp và đáp ứng tình hình quốc tế và đất nước giai đoạn đầy biến động khôn lường hiện nay - đó là bí quyết thành công trong công cuộc tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta cho đến đích cuối cùng.
a- Về góp phần bổ sung, phát triển Cương lĩnh Đảng năm 1991, đề nghị trước hết nên khẳng định rồi nói bổ sung, phát triển. Những điều cần khẳng định :
1- Giữ đúng tên Cương lĩnh là "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"
2- Tiếp tục khẳng định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
3- Tiếp tục khẳng định nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân, vì dân, thực hiện đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa.
4- Khẳng định và tiếp tục phát triển khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, toàn thể nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
5- Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục, đào tạo, văn hoá, xây dựng cho được nền tảng đời sống tinh thần xã hội cao đẹp.
6- Xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh. Loại trừ những phần tử cơ hội, tiêu cực, thoái hoá, biến chất. Nâng cao tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức và trí tuệ cán bộ, đảng viên ngang tầm đòi hỏi cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Phát huy cao độ dân chủ và kỷ luật trong Đảng. Số đảng viên nên "thà ít mà tốt"
b-Về những quan điểm cơ bản trên lĩnh vực kinh tế, tôi đề nghị thảo luận rõ những ý kiến sau đây về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
Để tham gia chuẩn bị cho đề án Hội nghị Trung ương 6 về "Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", đã có một số cuộc hội thảo khoa học. Các cuộc hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến phong phú vừa có tính quan điểm nguyên tắc, vừa là những đề xuất cụ thể. Tôi nghĩ: dù không phải mọi quan điểm đều thống nhất, song những đóng góp đó hết sức cần cho Bộ Chính trị và Trung ương, để từ đó Bộ Chính trị và Trung ương cân nhắc trên nhiều chiều khác nhau trước khi ra quyết định.
Về phần tôi, được dự một số cuộc hội thảo vừa rồi, tôi cũng có ý kiến của mình về các vấn đề đặt ra, trong đó tôi đặc biệt lưu ý những quan điểm lý luận cơ bản trên vấn đề quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa mà tôi cho rằng cần phải được nghiên cứu, trao đổi, tranh luận thẳng thắn, không để kéo dài sự thiếu thống nhất.
Tôi đặc biệt chú ý những ý kiến sau đây :
- "Thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa là đồng hướng (cùng véctơ) lịch sử chứ không phải là nghịch lý". "Căn gốc lý luận của công thức phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay đã có sẵn trong chính học thuyết Mác, trong các luận điểm cụ thể, rất xác định của ông chứ không phải của một ai khác". (ý kiến này hiểu học thuyết Mác thế nào?).
- "Thị trường, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… là thuộc tính nội tại của kinh tế trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
- "Định hướng xã hội chủ nghĩa là yếu tố nội sinh trong nền kinh tế thị trường Việt Nam chứ không phải đưa từ ngoài vào", nó “là một thuộc tính bản chất của nền kinh tế Việt Nam".
- "Nền kinh tế theo quan niệm và chủ trương phát triển bền vững do LHQ, trong đó có Việt Nam chấp nhận và thực hiện, về mục tiêu và đặc trưng đều rất giống 7 điểm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (có lẽ chỗ khác nhau duy nhất là về vai trò của kinh tế nhà nước, của các doanh nghiệp nhà nước)...
… Như thế có nghĩa là nền kinh tế thị trường đương đại trên thế giới là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (theo cách hiểu chủ nghĩa xã hội của Việt Nam), hoặc nói cách khác, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đương đại. Đó là xu thế của thời đại". Quan niệm này nghe rắc rối, lộn xộn, khó hiểu.
Trên đây là những ý kiến cần được thảo luận. Riêng tôi, tôi cho rằng kinh tế thị trường tự bản thân nó không mang thuộc tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Trái lại, thuộc tính tự nhiên của nó là tự phát triển lên chủ nghĩa tư bản; nó là kinh tế tư bản khi đạt trình độ cao nhất định. Tôi cho rằng: nếu không được định hướng bằng Cương lĩnh xã hội chủ nghĩa của Đảng, bằng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bằng tác dụng chủ đạo của kinh tế Nhà nước, bằng các chính sách, quy hoạch, kế hoạch được vạch ra đúng đắn, khoa học v.v…, nếu không có tất cả những nhân tố đó để xây dựng, sáng tạo ra nó, thì kinh tế thị trường không thể tự nó tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không thể đẻ ra định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường như "lực lượng nội sinh" ? Nói định hướng xã hội chủ nghĩa là thuộc tính bản chất vốn có trong nền kinh tế thị trường nước ta thì cắt nghĩa thế nào các hiện tượng giá cả leo thang, đầu cơ buôn lậu, mua gian bán lận, thậm chí thị trường còn len lỏi vào cả những chốn thâm nghiêm như mua bán chức quyền, mua bằng, bán điểm, buôn thần bán thánh v.v… Lênin nói một chân lý thật hiển nhiên: "Nền sản xuất nhỏ hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản trên quy mô lớn".
Với đường lối "đổi mới có nguyên tắc", kinh tế thị trường được Đảng và Nhà nước ta vận dụng mặt tích cực của nó đã đưa lại những thành quả không ai có thể phủ nhận, và được cả thế giới ca ngợi về tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Có điều, tôi nghĩ chúng ta vẫn nói có mặt trái của kinh tế thị trường nhưng thật sự chưa nghiêm túc đặt vấn đề, chưa ngăn chặn, hạn chế được nó. Phải chăn chúng ta có phần say sưa vì thắng lợi tăng trưởng kinh tế mà coi nhẹ các mặt tiêu cực xã hội, văn hoá, con người và quan hệ con người, nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường, những mặt trái này đang tàn phá các giá trị xã hội tốt đẹp trong một bộ phận dân cư và cán bộ, công chức, kể cả không ít đảng viên, được phản ánh đầy rẫy trên báo chí hàng ngày, khiến nhân dân vô cùng bức xúc, lo lắng.
Ở đây thiết tưởng phải trở về làm rõ một nhận thức cơ bản. Lâu nay chúng ta thường nói (theo cách nói nước ngoài) rằng kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, chủ nghĩa tư bản dùng được, chủ nghĩa xã hội cũng dùng được. Vậy nó mang trung tính chăng? Tôi băn khoan nhiều về điều đó. Nói nó là sản phẩm của văn minh nhân loại là đúng, nhưng không vì thế mà cho rằng nó không là sản phầm của chủ nghĩa tư bản; nhớ rằng bản thân chủ nghĩa tư bản cũng là sản phẩm của văn minh nhân loại trong một giai đoạn lịch sử nhất định và chính chủ nghĩa tư bản đã phát minh ra kinh tế thị trường.
Tôi nghĩ: cần phân biệt thị trường với kinh tế thị trường. Trước chủ nghĩa tư bản, trong các chế độ nô lệ, phong kiến, thậm chí cuối chế độ công xã nguyên thuỷ, đã có thị trường (hiện tượng trao đổi hàng hoá ngẫu nhiên, đơn giản, vật đổi vật, chưa có tiền) nhưng chưa có kinh tế thị trường, sản xuất còn mang tính tự nhiên, tự cấp, tự túc. Kinh tế thị trường chỉ có với chủ nghĩa tư bản khi trên thị trường xuất hiện phổ biến một hàng hoá đặc biệt là hàng hoá - sức lao động, tức một thứ hàng hoá mà khi sử dụng sẽ tạo ra rất nhiều sản phẩm hàng hoá vì lợi nhuận của các ông chủ nắm sức lao động. Vì vậy không phải ngẫu nhiên nhiều khi chỉ nói kinh tế thị trường có nghĩa người ta nói chủ nghĩa tư bản. WTO không thừa nhận nước ta có kinh tế thị trường vì lẽ ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa, họ cho ta 12 năm nữa để cắt bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa mới được công nhận là kinh tế thị trường! Mặc họ, ta độc lập, tự chủ, đường ta ta cứ đi, không cần xin họ để có kinh tế thị trường "đầy đủ”! Kinh tế thị trường có nhiều dạng thức, nhiều hình thái khác nhau. Có kinh tế thị trường tự do cổ điển, có kinh tế thị trường chủ nghĩa tự do mới, có kinh tế thị trường xã hội của chủ nghĩa xã hội dân chủ, có kinh tế thị trường chỉ huy v.v… Mỗi kiểu thị trường ấy lại có nhiều mầu sắc khác nhau. Ở nước ta, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng là một hình thái kinh tế thị trường chứ sao, vậy ai được phép cấm? Thực chất họ ép ta từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa để có kinh tế thị trường tư bản mới được hội nhập thế giới. Ta không thể chấp nhận như thế dù trước "lý và luật của kẻ mạnh", ta cần phải khôn khéo, mềm mỏng trong sách lược vì lợi ích thực tiễn làm ăn kinh tế, nhưng căn bản không thể từ bỏ nguyên tắc kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tôi hoàn toàn ủng hộ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và ủng hộ ngay từ đầu bởi một khuyết tật của mô hình kinh tế cũ là chối bỏ một cách chủ quan, duy ý chí nền sản xuất hàng hoá và cơ chế thị trường, thực hiện chế độ bao cấp tràn lan làm triệt tiêu động lực lợi ích trực tiếp, do đó, triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị kinh tế và cá nhân người lao động. Hậu quả là kinh tế trì trệ, đời sống nhân dân khó khăn. Bởi vậy, sự nghiệp đổi mới của chúng ta bắt đầu chính từ khẳng định mạnh mẽ có thể bỏ qua chế độ tư bản nhưng dứt khoát không thể bỏ qua sản xuất hàng hoá và kinh tế thị trường. Với chuyển hướng căn bản đó, nền kinh tế nước ta thoát dần khủng hoảng, được phát triển tiến lên rất nhanh như toàn dân ta và cả thế giới đã thấy rõ.
Về đường lối kinh tế cơ bản của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với thiển ý của tôi, xin đề nghị vắn tắt như sau, coi là một đề xuất để trao đổi, thảo luận:
"Đó là nền kinh tế nhiều thành phần cùng phát triển (trong một thời gian dài) trong đó kinh tế Nhà nước là chủ đạo; kinh tế Nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của kinh tế quốc dân; đó là nền kinh tế thị trường có kế hoạch, có điều tiết, có sử dụng chủ nghĩa tư bản Nhà nước dưới nhiều hình thức thích hợp; đồng thời thông qua hội nhập kinh tế quốc tê, ra sức tranh thủ những thành quả của cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại và kinh tế tri thức; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hoá tinh thần của nhân dân”.
Tôi cho rằng, đường lối kinh tế nếu được phác họa như vậy xác định rõ định hướng xã hội chủ nghĩa, không chung chung, trừu tượng. Xin làm rõ nội dung một số điểm trong đó, mặc đù nhiều nội dung đã quá quen thuộc.
Một nền kinh tế nhiều thành phần trong đó kinh tế Nhà nước chỉ đạo là đặc trưng rõ nhất và có tính quy luật của kết cấu kinh tế thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản hay từ một nước kém phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội. Có đồng chí không muốn nói "Kinh tế nhiều thành phần" mà chỉ nói "đa sở hữu' hoặc "nền kinh tế hỗn hợp". Thật ra không có gì mâu thuẫn giữa mấy khái niệm đó, vấn đề là tuỳ trường hợp đề cập, có điều nếu vì dị ứng với khái niệm "thành phần" mà tránh nói thì e quên mất ở đây là thực tiễn chính trị, là khoa học. Bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không thể không phân tích rõ điểm xuất phát của nền kinh tế trên quan điểm kinh tế-chính trị, xã hội-giai cấp. Nếu không rõ đi từ đâu thì làm sao vạch được chính xác con đường đi tới đích? Nếu chỉ trên quan điểm một nền kinh tế hỗn hợp đơn thuần, không phân biệt tính chất xã hội giai cấp, thì đường lối kinh tế nhiều lắm chỉ còn là tăng trưởng và tăng trưởng thuần tuý về sản xuất, về GDP. Vậy định hướng xã hội chủ nghĩa chỗ nào? Chẳng lẽ chủ nghĩa xã hội, lại đang ở thời kỳ quá độ, là phi giai cấp. Về vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước cũng có ý kiến không đồng tình. ở đây lại càng phải hỏi định hướng xã hội chủ nghĩa thế nào nếu không có vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước? Có đồng chí chủ trương Nhà nước chủ đạo chứ không phải kinh tế Nhà nước chủ đạo. Vậy Nhà nước lấy gì mà chủ đạo? Đại hội X đã khẳng định "kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế cùng phát triển". Chú ý rằng ngay thực tiễn kinh tế tư bản chủ nghĩa dù tự do mấy cũng không thoát được vai trò can thiệp nhất định của Nhà nước. Có một thời kinh tế Nhà nước tư bản chủ nghĩa rất thịnh hành, ngày nay, nhiều nước tư bản phát triển vẫn giữ một bộ phận nào đó kinh tế Nhà nước, còn giai cấp những người lao động làm thuê thì kiên quyết đấu tranh chống tư nhân hoá các doanh nghiệp Nhà nước. Trong tự do hoá thương mại hiện nay, chủ nghĩa tư bản toàn cầu hoá đâu chỉ biết có thị trường và tự do thị trường mà không có vai trò Nhà nước trong việc sử dụng công cụ WTO và trong việc bảo hộ mậu dịch, dựng lên các rào cản đối với hàng hoá nước ngoài.
Không một giai cấp cầm quyền nào lại không chăm lo xây dựng và bảo hộ cơ sở kinh tế của nó. Với nhà nước xã hội chủ nghĩa lại càng phải như vậy vì kinh tế xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội nói chung, không thể hình thành một cách tự phát mà phải được xây đựng lên một cách chủ động, có ý thức. Không những phải có vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, mà phải tiến dần lên kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của kinh tế quốc dân. Trước đây có gì sai chẳng hạn nóng vội, quản lý kém, v.v…, nay phải sửa và rút kinh nghiệm nhưng không thể thiếu hai thành phần kinh tế đó trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nền kinh tế mới, đó là “nền kinh tế thị trường có kế hoạch, có điều tiết”. Kinh tế thị trường ở đây được thực hiện có kế hoạch chứ không vô chính phủ, tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội; có sự quản lý của Nhà nước chứ không thả nổi cho "bàn tay vô hình" điều khiển tất cả nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường thuần tuý kể từ phân phối tài nguyên, các nguồn lực, giá cả, cho đến xuất nhập khẩu v.v…
Những bài học kinh nghiệm thiếu cân nhắc và làm theo phong trào về phát triển nhà máy mía đường, về xi măng lò đứng, xây cảng biển, sân bay, về mở sân gôn, về tình trạng nông nghiệp nhiều nơi khi được mùa thì mất giá, khi được giá lại mất mùa phải chặt cây trồng khác v.v… và v.v… tất cả hiện tượng đó nói lên phát triển kinh tế không thể không có kế hoạch, tất nhiên trong điều kiện kinh tế thị trường, lại là thị trường toàn cầu đầy biến động nhanh nhậy, kế hoạch hoá không thể cứng nhắc mà phải rất linh hoạt.
Cơ chế cũ kế hoạch hoá tập trung, bài xích thị trường là sai. Đã có lúc điều chỉnh theo hướng kết hợp kế hoạch với thị trường, lấy kế hoạch làm chính. Nay thì nên đổi mới thế nào trong quan hệ giữa kế hoạch với thị trường, điều này xem ra rất cần phải nghiên cứu, tổng kết sâu sắc thực tiễn và lý luận để làm sáng tỏ chứ nếu nói lấy thị trường làm chính hay kế hoạch hoá làm chính đều chưa tất đã đúng. Không nên vì sai lầm trước đây mà thành kiến với kế hoạch hoá; ngay nhà nước tư bản cũng không phải không có kế hoạch kinh tế. Đương nhiên, họ làm kế hoạch vì lợi ích các tập đoàn tư bản. Còn kế hoạch nhà nước dưới chế độ ta nhằm dân giàu, nước mạnh, lợi ích nhân dân. Sẽ không đúng nếu cho rằng hễ nói kế hoạch là phạm chủ quan duy ý chí. Vấn đề là phải kế hoạch hoá trên cơ sở phản ánh đúng quy luật kinh tế khách quan trong đó có quy luật của thị trường.
Nền kinh tế nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội tất yếu bao hàm trong nó một yếu tố có tính tự nhiên là sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước. Kinh tế tư bản nhà nước có thời bị gạt khỏi kết cấu các thành phần kinh tế. Nhưng thực tế đang tồn tại một khu vực kinh tế tư bản Nhà nước. Và, dù nói ra hay không nói ra, thừa nhận hay không thừa nhận chính thức, thực tế kinh tế Việt Nam (cả Trung Quốc) đã, đang thực hành và tiếp tục thực hành rộng rãi tư tưởng của V.I.Lênin về chủ nghĩa tư bản Nhà nước. Sự tình không thể khác. Đấy là một tất yếu kinh tế không những phổ biến mà còn tự nhiên đối với các nước kém phát triển tiến lên chủ nghĩa xã hội. Các nước này chưa qua chủ nghĩa tư bản như một hình thái kinh tế thống trị. Về lịch sử mà nói, không có chủ nghĩa tư bản tạo tiền đề, thì không thể đi lên chủ nghĩa xã hội. Những nước như nước ta đau khổ vì chủ nghĩa tư bản thì ít mà vì thiếu chủ nghĩa tư bản thì nhiều, đau khổ không những vì ách phong kiến từng đè nặng, mà còn vì thiếu chủ nghĩa tư bản, do đó mà thiếu những tiền đề vật chất kỹ thuật cần thiết làm cơ sở tiến lên chủ nghĩa xã hội, để lại gánh nặng lớn cho thời kỳ quá độ.
Lênin chỉ ra cho nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười: "Vì chúng ta chưa có điều kiện để chuyển trực tiếp từ nền tiểu sản xuất lên chủ nghĩa xã hội, bởi vậy trong mức độ nào đó, chủ nghĩa tư bản là không tránh khỏi, nó là sản vật tự nhiên của nền sản xuất và trao đổi; bởi vậy chúng ta phải sử dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường của chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng lực lượng sản xuất lên"(11). Với các nước kém phát triển, Lênin chỉ rõ: "Trong một nước tiểu nông, trước hết các đồng chí phải bắc những chiếc cầu nhỏ, vững chắc đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội"(12).
Trong thực tế, nền kinh tế nước ta, đang tồn tại chủ nghĩa tư bản Nhà nước dưới hàng loạt hình thức đa dạng: các loại hình công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối hay không chi phối; các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước. Sử dụng tư bản nước ngoài dưới các hình thức FDI, liên doanh, liên kết, đặc biệt tập trung trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thông qua các hình thức này giúp thu hút vốn, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý - những nhu cầu hết sức cần thiết đối với nước ta. Trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế thế giới, tham gia WTO - hoàn cảnh này khác hẳn thời Lênin, không gian mở ra hết sức rộng cho việc vận dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước, cho phép ta "dùng" cả tư bản thế giới vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Song, cũng không nên nhận thức vấn đề này quá đơn giản, quá lạc quan, một chiều vì bên cạnh điều kiện thuận lợi, thách thức cũng hết sức lớn bởi trong sâu xa đây là cả một cuộc đấu tranh gay go: chúng ta tranh thủ, sử dụng được chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội hay ngược lại chính chủ nghĩa tư bản nó chuyển hoá được chúng ta? Đừng quên quy luật "ai thắng ai" ! : Điều cần thiết hiện nay khi phát triển kinh tế tư nhân là chính thức thừa nhận chủ nghĩa tư bản nhà nước như một thành phần quan trọng trong kết cấu kinh tế để có chính sách sử dụng, phát triển, quản lý, kiểm soát và điều tiết nó một cách thật có ý thức và khôn khéo vì mục đích chủ nghĩa xã hội, nếu để "thả nổi" không có định hướng căn cơ thì nó sẽ tự phát đi con đường tư bản chủ nghĩa.
Để tránh những khía cạnh tế nhị nào đó có thể có về tâm lý, nước ta không nhất thiết phải tuyên truyền rộng rãi về chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nhưng trong nhận thức lý luận chính trị và tư tưởng đường lối, chính sách, đặc biệt trong Đảng, trong cán bộ lãnh đạo và quản lý, phải được trang bị vững chắc tư tưởng Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm Đảng ta về chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo thuộc về giai cấp công nhân. Mặt khác, cũng có thể nghĩ đến khả năng : một khi đường lối chính sách rõ ràng, minh bạch và được giải thích kỹ càng thì ngay các nhà tư sản yêu nước, tiến bộ cũng có thể yên tâm, phấn khởi đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, đi vào con đường chủ nghĩa tư bản Nhà nước. Nhà nước ta giúp họ làm giàu theo con đường đó.
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cái thiếu lớn nhất của nước ta là lực lượng sản xuất công nghiệp. Trước đây có Liên Xô và khối SEV giúp đỡ. Nay tình hình đã khác, ta có thể khai thác mặt có lợi trong toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế, trong gia nhập WTO để tranh thủ lực lượng sản xuất mới, hiện đại. Tất nhiên, vươn ra làm ăn với thế giới không dễ, chớ quá lạc quan, ảo tưởng. Chúng ta còn phải học tập nhiều, phải biết cách làm khôn ngoan, linh hoạt, mềm dẻo, đồng thời khi cần, phải nhớ lời Lênin "đi với sói phải biết gào thét như sói nhưng không bao giờ tự biến mình thành sói”. Đặc biệt phải có nội lực, phải tạo ra cho được nội lực cạnh tranh đủ mạnh - nội lực vật chất, kinh tế, nội lực quản lý, nội lực trí tuệ, chính trị và tinh thần - rốt cuộc nội lực là chính kèm theo bản lĩnh chính trị vững vàng (bản lĩnh cũng là nội lực, hơn nữa đây là nội lực căn bản) để có kinh tế độc lập tự chủ, đó là điều kiện cơ bản để biến ngoại lực thành sức mạnh bên trong để thoát tình trạng một nền kinh tế gia công, lắp rắp, không có sức sáng tạo, chế tạo và để giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn.
Hội nhập toàn cầu, vào WTO tự nó không là mục đích (dường như có đồng chí hiểu nhầm) mà chỉ là phương tiện, điều kiện, con đường kết hợp sức mạnh dân tộc, với sức mạnh thời đại; nhất là cốt để tranh thủ lực lượng sản xuất và công nghệ hiện đại, những thành tựu mới của kinh tế tri thức nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội - nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Kỳ sau: Chớ ảo tưởng vào chủ nghĩa xã hội dân chủ, vào “con đường thứ ba”