Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 16/3/2014 22:14'(GMT+7)

Đánh giá tác phẩm nghệ thuật không tách rời bối cảnh lịch sử



Trước hết phải ghi nhận là chương trình đã chọn lọc được những ca khúc hay, dàn dựng công phu, ca sĩ thể hiện tốt, có một số cách điệu mới, thu hút được số lượng khán giả bình chọn cao. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói về một số người bình luận, vì sẽ không có gì cần bàn nếu các "bình luận viên" làm tốt vai trò của họ là giúp người nghe hiểu sâu hơn, cảm sâu hơn về ý nghĩa, về cái hay của ca khúc. Tham gia bình luận trong chương trình gồm hai nhóm: nhóm lớn tuổi có nhà báo Hữu Thọ, NSND Trung Kiên, PGS Văn Như Cương, diễn viên Minh Châu, nhà văn Trần Thị Trường,... và các nhạc sĩ là tác giả của ca khúc được trình bày; nhóm trẻ gồm các nhà văn, ca sĩ, hoa hậu, kiến trúc sư, bác sĩ... với những cái tên nổi tiếng và mới xuất hiện. Sau khi chương trình số 1 phát vào ngày 25 Tết Giáp Ngọ, đã có nhiều ý kiến phản hồi trên các diễn đàn, trang mạng về sự "bình loạn" của cánh trẻ. Chương trình số 1 có chủ đề Bài ca năm tấn gồm các ca khúc: Bài ca năm tấn, Tôi là người thợ lò, Cô thợ hàn, Những ánh sao đêm, Quảng Bình quê ta ơi, Tiến lên chiến sĩ đồng bào. Ngay từ ca khúc đầu là Bài ca năm tấn, không một lời khen, sau một hồi tán hươu tán vượn rằng, ca khúc này đã lỗi thời so với thời đại và xã hội, Trang Hạ nhận xét:"... xuyên suốt bài hát là hình ảnh người phụ nữ trên ruộng lúa, con trâu đi trước cái cày theo sau là một cái hình ảnh đẹp đẽ nhưng mà nó làm tổn thương xã hội này. Bởi vì suốt hơn 50 năm qua thì điều đấy nó không thay đổi, thậm chí là nói xin lỗi một số thanh niên nông thôn vẫn nói rằng là chúng tôi chẳng khác gì đời cha anh, tức là lấy mông con trâu làm thước ngắm... nếu như chúng ta coi rằng cái sự nghèo đói của thôn quê mà con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp và chúng ta coi vẻ đẹp của những cái mái rạ khói lên trong chiều mơ màng thì đó là cái vẻ đẹp mà chúng ta phải có trách nhiệm với cái sự nghèo đói đấy của xã hội. Có lẽ chính những cái người thành phố được ăn học như chúng ta và có hiểu biết và có nhiều sự lựa chọn phải có trách nhiệm với những người nông thôn mà vẫn đi đằng sau lưng con trâu đó" (!?).

Tôi không nghĩ hình ảnh "người phụ nữ trên ruộng lúa, con trâu đi trước cái cày theo sau" trong những năm 60 của thế kỷ trước (phải nhấn mạnh rằng đó là những năm mà nhân dân miền bắc phải căng mình chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ) vừa chiến đấu vừa thi đua lao động sản xuất để chi viện cho tiền tuyến, lại là cái gì đó "làm tổn thương" xã hội. Với người bình thường, khi được nghe giai điệu mượt mà, được xem lại những hình ảnh nhân dân miền bắc chắc tay súng vững tay cày trong ca khúc Bài ca năm tấn,hẳn không ai không bồi hồi xúc động và trào dâng niềm cảm phục. Ấy thế mà nhà văn lại cho rằng hình ảnh ấy "làm tổn thương" xã hội (!?). Và rằng "suốt hơn 50 năm qua thì điều đấy nó không thay đổi"! Không biết nhà văn căn cứ vào đâu để có thể đưa ra nhận định như vậy, bởi bất kỳ ai cũng có thể thấy những đổi thay rất đáng kể của nông thôn Việt Nam ngày nay. Dẫu nhiều nơi trên đất nước vẫn còn chưa thoát khỏi đói nghèo, nhưng sự thật thì Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện, đạt được thành tựu đáng tự hào trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Điều đó thiết nghĩ không cần chứng minh, vì ai cũng biết. Tôi không rõ nhà văn xuất thân từ đâu, nhưng cách đánh giá về người nông dân thoạt nghe có vẻ cảm thông song đằng sau đó lại mang nặng sự miệt thị mặc dù hằng ngày vẫn sử dụng những hạt gạo được làm ra từ mồ hôi và sự vất vả của nhà nông. Xem ra người nói chưa thuộc được câu tục ngữ giản đơn nhưng sâu sắc: "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Tiếp đó là ca khúc Tôi là người thợ lò của Hoàng Vân. Khi NSND Quang Thọ biểu diễn, nhiều khán giả đủ lứa tuổi say mê hào hứng hát theo. Khỏi phải nói, ai cũng công nhận giá trị của ca khúc. Ấy thế mà nhà báo Quỳnh Hương sau khi tỏ vẻ tôn vinh người công nhân của thế hệ trước đã nói ngay rằng: "Người công nhân của ngày hôm nay thì là những cái người mà cuộc sống ít an toàn nhất, khổ nhất và thu nhập thấp nhất, và họ có những cái gọi là, chúng ta có thể vẫn nói rằng cái xã hội này là xã hội của công nông binh đi vì đấy là XHCN, nhưng mà tôi nghĩ rằng đấy là những cái người mà họ không có một cái lựa chọn để mà cuộc sống họ tốt hơn và họ không có một cái gì để mà tự hào và kiêu hãnh về cái công việc, về cái nghề nghiệp của mình hết"(?!). Khi nghe câu này tôi đã rất phẫn nộ. Tuy tôi không phải là công nhân trực tiếp sản xuất nhưng công việc của tôi gắn liền với quá trình lao động và đời sống của người công nhân. Đành rằng công việc của họ rất nặng nhọc, đặc biệt là thợ lò, nhưng không vì thế mà phán bừa rằng người công nhân không có việc gì làm thì mới buộc phải làm công nhân, rằng họ chỉ biết cắm mặt mà làm chứ không có gì mà tự hào!

Vẫn chưa hết, đến lượt thạc sĩ, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nói: "Người thợ lò người ta rất muốn đổi nghề lắm nhưng người ta biết đổi cái gì, và thậm chí là đôi khi người ta cũng sợ và không dám đổi". Nhiều khán giả, nhất là người trong ngành than, đã bày tỏ sự bức xúc, thậm chí phẫn nộ khi nghe các lời "bình loạn" trên. Hết đá xéo, xỏ xiên, miệt thị nông dân, lại đến công nhân. Nông dân, công nhân là bộ phận xã hội phải lao động vất vả nếu so sánh với người làm văn phòng và các nghề khác, nhưng về sức khỏe tinh thần họ luôn lành mạnh. Ngoài ra khả năng thẩm âm của ông thạc sĩ - bác sĩ này cũng là một điều khập khiễng với vai trò của một người chơi, thậm chí là "nhà phê bình", trong một chương trình âm nhạc. Một ca khúc đỉnh cao như Tôi là người thợ lò mà anh ta cho rằng nó chỉ là bài hát "cổ động", rằng anh rất dị ứng với ca khúc cổ động (!?). Anh nghe ca sĩ Quang Thọ hát thì thấy nó hay nhưng không có cảm xúc gì cả, nó hay chỉ vì nó hay (?!), trong khi kết quả bình chọn hôm đó, ca khúc này đạt số phiếu bình chọn cao nhất! Lẽ ra khi gặp những hạt sạn như trên thì phải cẩn trọng hơn, nhưng với tiêu chí "sẽ không có bất kỳ giới hạn nào trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả ngay trên sóng truyền hình, để họ có quyền bộc lộ quan điểm của mình" nên những người làm chương trình tiếp tục mời người "bình loạn" trong chương trình số thứ 2. Đáng lo ngại nhất là bình luận của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương sau khi nghe bài hát Đất nước trọn niềm vui.Anh kể đã có lần ngồi cùng một người không cùng chiến tuyến với những người chiến sĩ ở miền bắc, và có một nỗi đau nó thầm lặng, cứ cứa đi cứa lại mỗi lần họ được nghe bài này vào dịp đó. Rồi anh đặt câu hỏi: "Chúng ta đang hòa nhập tất cả những người Việt Nam trên cả thế giới, thế nhưng nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại câu chuyện này mãi như thế liệu chúng ta có thể xóa đi được ranh giới mà chúng ta vẫn tự tạo ra hàng năm hay không?". Xem ra anh rất đồng cảm với "bên thua cuộc", anh sợ sự hân hoan sung sướng của cả dân tộc Việt Nam trong ngày vui thống nhất đất nước qua ca khúc sẽ làm "đau lòng" một số người khi xưa từng làm tay sai cho ngoại xâm? Lý lẽ này cũng giống việc một blogger cho rằng việc phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho những bà mẹ liệt sĩ sẽ làm đau lòng những bà mẹ lính ngụy?! Theo ý anh ta, thì chắc là để "hòa hợp, hòa giải" dân tộc, Nhà nước đừng tổ chức kỷ niệm Ngày chiến thắng 30-4 nữa, chúng ta cũng đừng hát bài Đất nước trọn niềm vuinữa, vì đây sẽ là rào cản cho việc hòa hợp dân tộc (?!). Chẳng lẽ nhận thức về lịch sử của anh lại đến mức đó ư?

Là một trò chơi trên truyền hình, phải chăng nhà tổ chức muốn "giăng bẫy" để nhận càng nhiều "gạch đá" của người hâm mộ càng tốt, và các vị kể trên như là được phân vai "ác" trong "sô" diễn này? Dù vậy chăng nữa, không ai có hiểu biết, có tấm lòng trong sáng về lịch sử dân tộc lại sẵn sàng xuất hiện trên truyền hình để nói năng như thế! Tạo ra "sô" truyền hình để tranh luận giữa những giá trị đã được khẳng địnhvới những suy nghĩ lệch lạc, lý luận nhạt nhẽo, có tính giật gân rẻ tiền là rất khập khiễng và "vô tình" nâng mấy thứ "rẻ tiền" lên "tầm vóc" mới! Đừng làm cho ranh giới giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và gian tà, giữa ánh sáng và tối tăm, giữa đẹp và xấu,... bị xóa nhòa với sự hỗ trợ của truyền thông. Việc nhân danh "giới trẻ" cắt rời các bài hát ra khỏi bối cảnh lịch sử và đưa vào bối cảnh hiện tại để bình luận liệu có phải là một cách làm bình thường? Như thế khác nào đưa một con cá lên cạn rồi bình luận về khả năng bơi lội và vẻ đẹp của nó vậy. Ngay cả việc tạo điều kiện để một số người trẻ tuổi đưa ra các câu nói gây sốc cũng là một sự xúc phạm (không biết cố ý hay vô tình) khả năng hiểu biết lịch sử - chính trị, cảm quan của giới trẻ. Hãy nhìn vào kết quả biểu quyết của khán giả trẻ sau mỗi bài hát thì sẽ thấy mấy người trẻ đã "diễn" chỉ đại diện cho thiểu số trên thực tế mà thôi. Hãy để cho giới trẻ đích thực nói lên những suy tư, cảm nghĩ khi nghe những "bài hát đi cùng năm tháng" để giai điệu ấy được ngân lên trong niềm tự hào tinh khiết của người Việt Nam.

Thái Vũ/Nguồn: Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất