Chủ Nhật, 15/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 6/3/2015 10:13'(GMT+7)

Những “quả táo bất hòa”!

Không phải chỉ loài người dưới hạ giới mới có chuyện hung hăng gây sự đánh nhau mà trên thế giới của các vị thánh trong thần thoại Hy Lạp cũng rất nhiều lần chiến tranh căng thẳng. Trong một bữa tiệc do thiên đình tổ chức, vì bị quên mời nên giận dỗi, tức tối, nữ thần Bất hòa nghĩ cách gây sự. Thần bèn lăn ra bàn một quả táo vàng có khắc chữ “Tặng người đẹp nhất”. Các nữ thần đều muốn mà chẳng ai dám cầm, chỉ có ba tiên nữ nhất định muốn sở hữu để khẳng định mình là người đẹp nhất: Hê-ra - vợ Thần Dớt, vua của các vị thần; nàng A-tê-na - nữ thần Trí tuệ; nàng Vệ nữ - nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu. Chẳng ai chịu ai, thiên đình đành nhờ Pa-rit - chàng trai đẹp nhất châu Á phân xử. Là người trần nên Pa-rit dễ xiêu lòng trước lời hứa sẽ giúp mình làm chồng một người đẹp nhất châu Âu mà chàng xử phần thắng cho thần Vệ nữ. Không ngờ đấy là nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh mười năm giết hại biết bao sinh linh giữa hai bên là Tơ-roa và Hy Lạp. Từ đấy loài người lấy hình tượng “quả táo bất hòa” để chỉ nguyên nhân gây ra những xung đột, bạo lực…

Như vậy trên thiên đình thì nữ thần Bất hòa cũng là một “quả táo bất hòa”. Hậu duệ của thần dưới hạ giới cũng không hiếm, đó là những kẻ kém tài nên hay sinh chuyện, dựng chuyện gây mâu thuẫn nội bộ, rồi gièm pha, nói xấu, ghen ghét, đố kị người khác hơn mình.

Một “quả táo bất hòa” điển hình nữa là Đi-ô-ni-rớt - thần Rượu nho, con trai của thần Dớt với một công chúa người trần. Hình như để diễn tả cái tính khí bất thường mà thần thoại để cho “tiểu sử” nhân vật này rất đặc biệt: Mẹ chết khi chưa đủ tháng sinh nên được cha (Dớt) lấy ra từ bụng mẹ rồi tự khâu vào đùi mình. Do sinh ra từ đùi của cha, lại được phân công cai quản thứ nước uống gây say nên tính cách chàng cũng rất “dị”, thích chơi bời, đàn đúm, ăn chơi, nhậu nhẹt… thế là chàng phụ trách luôn cả mảng lễ hội, du lịch… Vì đạo đức không chuẩn mực, cho nên thần được các họa sĩ thời Phục hưng sau này hay vẽ trong bộ dạng như một trọc phú, một gã ăn chơi, một kẻ say xỉn… Đệ tử của thần này ở Việt Nam cũng không hề ít và dĩ nhiên cũng có tính cách hung hăng như “thầy”. Chả thế mà mấy ngày Tết Ất Mùi vừa qua, cả nước có tới 6.200 người nhập viện vì “ẩu đả”, trong đó nguyên nhân chính là do say rượu, say bia không làm chủ được bản thân.

Một “quả táo bất hòa” khác là thần Chiến tranh có tên Aret, mặc dù có diện mạo khôi ngô nhưng tính khí lại cuồng loạn hiếu chiến, thích gây gổ. Thần này luôn cầm một ngọn giáo có dính máu, ngự trên cái ngai bọc da người. Điều trớ trêu là tính cách ưa bạo lực thế nhưng vì rất đẹp trai với kiểu dáng phong trần nên Aret được rất nhiều nữ thần yêu say đắm, trong số này có cả thần Bất hòa đã nói ở trên. Học trò của thần này ở nước Việt ta cũng kha khá đông, đa số là những thanh niên mới lớn, đại để chỉ từ một va chạm nhỏ, thậm chí “một cái nhìn đểu” là lao vào nhau chửi rủa, đánh đấm…và đi viện.

 “Quả táo bất hòa” tiếp là A-tê-mit - nữ thần Săn bắn cũng có một tính cách nóng nảy đến cuồng nộ. Hậu quả là bao người vô tội bị chết oan. Thiên đình đã tìm được nguyên nhân: Vì thần phải tiếp xúc với quá nhiều cảnh bắn giết những con vật ngoan ngoãn. Chưa tìm được cách chữa thì do rừng bị tàn phá nặng nề nên lượng thú rừng giảm nhiều (cũng giống như hạ giới vậy), nhờ săn bắn ít đi mà thần cũng đỡ cục cằn hơn. Nhưng đệ tử của thần (cũng thường là các thanh thiếu niên) dưới trần gian thì ít thay đổi, vì thường xuyên chơi game với các trò bạo lực chém giết nên dễ bị kích động. Lại vào cái tuổi thích thể hiện cái tôi ngông cuồng, muốn gây ấn tượng để “khẳng định” nên ra ngoài đường, trái ý là sẵn sàng ẩu đả, không chỉ bằng tay không mà bằng cả gươm, dao, đao, gậy…

Có bao nhiêu chuyện không hay làm phiền lòng các đấng bậc thần linh ngay thẳng. Thế là một cuộc họp mang tính toàn Ô-lanh-pơ được tổ chức để tìm ra những giải pháp khả thi nhằm chấn chỉnh, vãn hồi văn hóa, đạo lý nơi thiên giới. Thần Tri thức là Thư ký hội thảo cố tình để lộ ra những ý quan trọng để người dưới trần tham khảo: Hoàn thiện pháp luật với chế tài đủ mạnh để răn đe, trừng phạt những kẻ lăng mạ, chống người thi hành công vụ; siết chặt quản lý sản xuất, buôn bán, sử dụng rượu, bia (như tăng thuế, hạn chế sử dụng); nhà trường phổ thông đặt việc giáo dục nhân cách lên hàng đầu, trong đó coi trọng việc dạy kỹ năng sống (chứ không nặng về kiến thức sách vở)… Rất phù hợp và rất mong những ý tưởng, giải pháp đó sớm trở thành quyết sách ở trần gian./.

Nguyễn Thanh (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất