Thứ Sáu, 13/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Năm, 12/3/2015 15:22'(GMT+7)

Nghịch lý trong tiêm chủng

Vậy mà hiện tại, vắc-xin dịch vụ đang thiếu nghiêm trọng, trong khi vắc-xin miễn phí luôn bảo đảm theo yêu cầu. Khu vực tiêm chủng phải trả tiền đông đúc, khu vực tiêm chủng mở rộng miễn phí lại thưa thớt… Đó là những nghịch lý đang diễn ra trong lĩnh vực tiêm chủng.

Tiêm chủng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả, được thực hiện bằng cách đưa vắc-xin vào cơ thể người chưa từng bị nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn, để kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại vi sinh vật trước khi chúng gây bệnh cho cơ thể. Chương trình Tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 và hiện nay, chương trình này đã được triển khai hoàn toàn miễn phí ở tất cả các xã, phường, thị trấn của các tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng sử dụng hằng năm gần 40 triệu liều vắc-xin. Riêng trong năm 2014 và đầu năm 2015, chiến dịch tiêm vắc-xin Sởi-Rubella lớn nhất từ trước đến nay đã được tiêm cho hơn 19 triệu trẻ an toàn. Nhờ có tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm được hàng triệu trường hợp tử vong ở trẻ em do các bệnh truyền nhiễm.
Ảnh minh họa/danviet.vn.

Thế nhưng gần đây, sau một vài sự cố trong tiêm chủng và các sự cố này lại được một số người “thổi lên” khiến một bộ phận người dân ngại cho trẻ đi tiêm chủng “miễn phí” mà đổ xô đến các điểm tiêm chủng dịch vụ sử dụng vắc-xin nhập ngoại. Tình trạng này đã làm cho hoạt động tiêm chủng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu, nhất là ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ…, gây bức xúc cho người dân và dư luận. Tình trạng này còn tạo nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Để chấn chỉnh, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các địa phương, yêu cầu giám đốc các sở y tế chỉ đạo các cơ sở y tế của Nhà nước có tổ chức tiêm chủng dịch vụ phải triển khai tiêm vắc-xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng thay thế cho loại vắc-xin tiêm dịch vụ đang bị hết. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng vừa ký Quyết định thành lập 11 đoàn đi kiểm tra, đánh giá công tác tiêm chủng tại 4 khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên.

Sự vào cuộc kịp thời của Bộ Y tế để giải quyết nghịch lý trong lĩnh vực tiêm chủng lúc này là cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến, tư vấn về lợi ích tiêm chủng, các loại vắc-xin, chất lượng các loại vắc-xin và tổ chức thật tốt Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Bộ Y tế cũng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm nếu phát hiện trường hợp trục lợi từ tiêm dịch vụ do vắc-xin khan hiếm, đồng thời nhập khẩu ngay lượng vắc-xin dịch vụ đáp ứng yêu cầu của một bộ phận nhân dân.

Bài học đau xót từ dịch sởi năm 2014 cho thấy, phần lớn trẻ nhiễm bệnh là không hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi vì gia đình “chờ thuốc từ tiêm dịch vụ”, vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo, các gia đình nên chuyển sang tiêm chủng mở rộng nếu thời gian đó vắc-xin dịch vụ hết. Không nên chờ đợi vào tiêm phòng dịch vụ mà làm lỡ lịch tiêm chủng của trẻ, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nếu trẻ không được tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh, đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất