"Gắn” và “sẵn” mới đọc thì thấy chúng phát âm na ná nhau, nhưng ngữ
nghĩa và hoàn cảnh sử dụng lại mang những thông điệp rất khác nhau. Do
vậy, không ít người vô ý dùng nhầm hay cố ý dùng nhầm thành ra thiếu
trách nhiệm theo lối “cha chung không ai khóc”.
Chuyện sẽ không đáng nói nếu cái sự dùng nhầm vô tình hay cố ý ấy chỉ nhỏ thôi, trong phạm vi không gây ra một sự chú ý cần thiết của dư luận. Nhưng ngược lại, lúc đầu là những phán xét, đánh giá của cá nhân, sau là của nhóm rồi cộng đồng bàn tán về nó trong cái bối cảnh cần lắm sự cụ thể, minh bạch và rõ ràng về ngữ nghĩa nhất là trong luật hiện nay.
Xin đơn cử một vấn đề về quyết tâm “phòng, chống tham nhũng”, đẩy lùi một trong bốn nguy cơ làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa của cách mạng nước ta, được toàn xã hội quan tâm theo dõi. Vấn đề càng trở nên nóng bỏng trước dư luận xã hội về tình trạng và thực tế kết quả “phòng, chống tham nhũng” đạt được thời gian qua. Trong suy nghĩ của nhiều người xuất hiện câu hỏi: “Chống tham nhũng” là trách nhiệm có “sẵn” hay phải “gắn” với người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị?
Để có cái nhìn tổng quan trước khi đánh giá chúng ta cần tìm về nguyên nghĩa của hai từ “gắn”, “sẵn” và đặt trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân hiện nay.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nxb. Văn Hóa - Thông Tin, H, 1999), “gắn” nghĩa là: làm cho liền lại với nhau (bằng chất dính) sau khi đã bị vỡ hoặc bị hở; làm cho vật dính liền vào vật khác thành khối; mắc vào, cài vào; có liên hệ với nhau;… là làm cho có quan hệ chặt chẽ, không tách rời. Ở đây, vốn giữa chúng tách rời nhau nhưng dưới tác động của con người mà trở nên có quan hệ chặt chẽ.
Cũng theo từ điển trên, “sẵn” nghĩa là: có ngay do đã chuẩn bị từ trước; có nhiều và có ngay; nhân tiện có. Muốn diễn tả những hành động, những tình huống có thể diễn ra được ngay bất kỳ lúc nào, ở đâu. Như quần áo may sẵn có thể mặc được ngay khi nhắc tới nó, hay mùa này sẵn hoa quả thì muốn ăn lúc nào cũng nhiều.
Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do dân nhân và vì dân nhân mà chúng ta đang xây dựng là phương thức tổ chức dân chủ quyền lực nhà nước mà theo đó pháp luật là cơ sở cho việc thực hiện quyền lực cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể trong xã hội. Đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền là tính pháp chế, khẳng định vai trò, vị trí của pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội. Nhà nước pháp quyền, trong đó mỗi người dù là ai, làm gì, ở vị trí nào đều có quyền và nghĩa vụ nhất định. Nói cách khác, quyền và nghĩa vụ của mỗi người được luật pháp quy định và chúng song hành tồn tại với nhau. Có quyền này thì phải thực hiện nghĩa vụ kia, hoàn thành nghĩa vụ này thì được hưởng quyền kia.
Như vậy, trong nhà nước pháp quyền “phòng, chống tham nhũng” phải là nghĩa vụ có “sẵn” chứ sao lại phải “gắn” thêm vào vị trí người đứng đầu của mỗi cơ quan, đơn vị. Bất kỳ là ai khi “ngồi” vào vị trí “Người đứng đầu” thì phải tiếp nhận và thực thi nghĩa vụ “phòng, chống tham nhũng” trong cơ quan, đơn vị mình. Để xẩy ra “tham nhũng, lãng phí” dù ở mức độ nào thì “Người đứng đầu” đều không hoàn thành nghĩa vụ.
Nếu chỉ là thứ ở bên ngoài “gắn” thêm thì có lẽ rất lâu mới “dính chắc”, mà có “dính chắc” rồi thì mỗi khi biến thành ung nhọt người ta sẽ tìm trăm phương, nghìn kế mà bóc bỏ nó đi. Hay chí ít cũng sinh ra tư tưởng được chăng hay chớ, lúc tốt thì nhận vào mình, khi không thì phủi tay chối tránh.
Từ đó thêm thấm thía lời dạy của Bác “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Bởi quyền và nghĩa vụ ở mỗi vị trí trong xã hội đều được định sẵn, đã được nhân dân gắn chặt với nhau thông qua pháp luật của mình./.
Theo TCCS