Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 14/7/2009 21:55'(GMT+7)

Đẩy mạnh giáo dục đào tạo cho con em đồng bào dân tộc Khmer


Sau 3 năm thực hiện Quyết định 20/2006/QĐ-TTg (QĐ 20) ngày 20/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2010, công tác đào tạo nghề, giáo dục và đào tạo ở các tỉnh thuộc ĐBSCL đã đạt được những kết quả nhất định.

Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông được củng cố phát triển. So với năm học 2005 – 2006, năm học 2008-2009 toàn vùng có trên 6.500 trường, tăng 10,5% số trường; toàn vùng có 11 trường đại học và 1 phân hiệu đại học Nha Trang (tăng 2 trường). Có 27 trường cao đẳng (tăng 8 trường), một số trường cao đẳng sư phạm chuyển thành cao đẳng đa ngành (Cao đẳng Bến Tre, Cao đẳng Cần Thơ) góp phần tích cực đào tạo đa dạng nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng.

Đối với giáo dục nghề nghiệp: Tổng số học sinh trung cấp chuyên nghiệp toàn vùng là trên 50.700 học sinh (tăng 24,4% so với năm 2005), trong đó hệ chính quy chiếm 72,3%, quy mô học sinh trung cấp chuyên nghiệp có bước tăng đáng kể trong 3 năm qua, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế và yêu cầu phân luồng học sinh sau THCS.

Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được xây dựng đồng bộ, cơ bản phủ kín các huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn vùng có 24 trường PTDTNT (tăng 7 trường).

Phấn đấu đạt chỉ tiêu QĐ 20 của Thủ tướng Chính phủ

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, lĩnh vực giáo dục đào tạo vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần đuợc khắc phục. Qua 3 năm triển khai QĐ 20 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chỉ tiêu chưa đạt được so với những mục tiêu đề ra.

Hầu hết các đại diện địa phương đều cho rằng, giáo dục đào tạo đối với vùng Tây Nam Bộ phải gắn với nhu cầu, có chính sách ưu tiên cho đồng bào dân tộc Khmer như về học phí, số lượng người lao động làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, một trong những khó khăn trong việc phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo tại Tây Nam Bộ là đặc điểm địa lý vùng sông nước, hệ thống trường học phân tán, cơ sở vật chất trường lớp thiếu thốn nhiều, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa lại càng khó khăn. Chính vì vậy, tỷ lệ huy động trẻ đi học mẫu giáo còn rất thấp. Hệ thống các cơ sở đào tạo từ TCCN, dạy nghề và cao đẳng, đại học tuy đã có bước tăng đáng kể về số lượng trường nhưng năng lực đào tạo còn rất thấp cả về quy mô và chất lượng.

Tình trạng học sinh phổ thông bỏ học ở vùng ĐBSCL vẫn cao so với cả nước 3,1%, trong khi tỷ lệ bình quân chung cả nước là 1,37%. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất (tháng 3/2009) của Bộ GDĐT, tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học, học kỳ I năm học 2008 – 2009 của các vùng đều giảm, đặc biệt vùng ĐBSCL, giảm xuống còn 0,88% (tỷ lệ bình quân chung cả nước còn 0,56%). Đội ngũ giáo viên, giảng viên còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng ảnh hưởng nhiều đến quá trình giáo dục, đào tạo của vùng. Đối với giáo dục phổ thông còn thiếu giáo viên các môn đặc thù (thể dục, công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, tin học, ngoại ngữ).

Để giải quyết tình trạng trên, nhất là vấn đề học sinh bỏ học ở vùng ĐBSCL, các địa phương cũng như Bộ GDĐT đã đưa ra một số giải pháp cụ thể :

Các địa phương, tiến hành xây dựng kế hoạch giúp đỡ, bồi dưỡng học sinh học lực yếu kém ngay từ đầu năm học. Phân luồng học sinh học tập tiếp tại các trung tâm giáo dục thường xuyên theo các hình thức học tập phù hợp.

Đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cần vận động học sinh trong trường, các tổ chức xã hội hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh dân tộc học tiếng Việt, vận động cha mẹ học sinh tạo điều kiện cho con em học tập.

Ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương để tuyên truyền vận động học sinh đến trường, nhất là đối với vùng kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế.

Đẩy mạnh việc thực hiện chế độ, chính sách ưu tiên phát triển giáo dục dân tộc: Tăng chỉ tiêu cử tuyển cho con em ở vùng khó khăn, vùng biên giới và con em đồng bào dân tộc Khmer vào các trường đại học (dự bị đại học), cao đẳng, tiếp tục hoàn thiện các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ đối với học sinh, giáo viên là người dân tộc nói chung và người Khmer nói riêng.

Tập trung triển khai tốt Chương trình kiên cố hóa trường học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, cùng với các chương trình, dự án khác nhằm hoàn thiện mạng lưới trường học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Tăng cường tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhất là đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú; hoàn thiện và mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh và cấp huyện./.
 
(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất