Thứ Bảy, 5/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 11/7/2009 11:2'(GMT+7)

Những đổi mới tiêu biểu của ngành giáo dục trong năm học 2008-2009

Học sinh TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới (Ảnh minh họa)

Học sinh TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới (Ảnh minh họa)

Đây là năm học được thực hiện với chủ đề "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Toàn ngành Giáo dục triển khai nhiều nhiệm vụ trong đó có những yêu cầu lần đầu tiên được đặt ra đáp ứng nhu cầu phát triển bức thiết của sự nghiệp giáo dục và sự mong đợi của dư luận xã hội.

1. Từ cuộc vận động “Hai không” đến phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”:

Qua ba năm thực hiện, cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" (gọi tắt là cuộc vận động "Hai không"), với sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả cụ thể và có ý nghĩa. Chất lượng giáo dục cơ bản từng bước được nâng lên. Tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học trong học kỳ I năm học này là 0,56%, giảm hơn 40% so với học kỳ I năm học 2007-2008 (0,94%). Trong đó tỷ lệ học sinh tiểu học bỏ học là 0,13% (năm trước là 0,28%), tỷ lệ học sinh THCS bỏ học là 0,7% (năm trước là 1,14%) và tỷ lệ học sinh THPT bỏ học là 1,29% (năm trước là 2,02%). Đặc biệt vùng đồng bằng Sông Cửu Long tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học giảm xuống còn 0,88% (năm học 2007-2008 là 3,1%).

Toàn ngành quyết tâm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 thực sự nghiêm túc, an toàn. Các biện pháp được thực hiện là nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, học sinh chăm chỉ học tập hơn, thầy cô giáo tăng cường bồi dưỡng học sinh yếu kém, khắc phục hiện tượng học sinh "ngồi sai lớp". Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009, Bộ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện quy chế thi như tổ chức coi thi theo cụm trường, chấm thi bài tự luận đổi chéo tỉnh... mục tiêu hướng tới giảm bớt một kỳ thi quốc gia, lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm một căn cứ quan trọng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng và TCCN.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, được sự phối hợp chặt chẽ của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, của cha mẹ học sinh và các em học sinh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 đã được tổ chức nghiêm túc và an toàn nhất trong các năm gần đây: Tỷ lệ thí sinh bỏ thi thấp nhất so với 3 năm trước đó, riêng so với năm 2008, số thí sinh bỏ thi giảm 3.111 em (giảm 35,7%); Số thí sinh vi phạm quy chế thi phải đình chỉ thi là 299 em, giảm 64% so với năm 2008 (833 em) và giảm 88,5% so với năm 2007 (2.612 em); Số giám thị vi phạm quy chế thi là 3, giảm 80% so với năm 2008 (15 giám thị) và giảm 90,6% so với năm 2007 (32 giám thị); Số thí sinh bị tai nạn giao thông là 73 em (năm 2008 là 84 em và năm 2007 là 85 em). Năm 2008 tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông (lần 1) là 76%, tăng hơn 9% so với năm 2007. Năm 2009 là 83,7 % tăng 7,7% so với năm 2008.

Từ năm học 2008-2009 toàn ngành triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng nhu cầu xã hội, hình thành và phát huy tính chủ động, tích cực, sự sáng tạo của thầy cô giáo và học sinh trong giảng dạy, học tập và các hoạt động xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Chỉ thị với 5 yêu cầu và 5 nội dung cụ thể, xác định các tiêu chí đánh giá đối với từng cấp học mầm non, tiểu học, THCS và THPT để các trường tự cho điểm mức độ đã đạt được khi triển khai phong trào thi đua này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức ký kết Kế hoạch liên ngành giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Trung ương Đoàn TNCSHCM; ký kết Chương trình phối hợp thực hiện phong trào thi đua này với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam. Sự phối hợp của 5 tổ chức trong phong trào thi đua này chính là cơ chế chính trị, xã hội để thực hiện giáo dục toàn diện học sinh vì sẽ huy động được nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất của các bộ, ngành; sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội khi triển khai phong trào, phát huy vị trí hết sức quan trọng của gia đình trong việc tạo điều kiện học tập và giáo dục nhân cách cho các em đồng thời khai thác tốt nhất mọi chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của cá nhân hoặc đơn vị để thực hiện cho được yêu cầu “3 đủ” đối với mỗi học sinh: “đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo”, đạt yêu cầu “1 có”: “Có chỗ học tập ổn định, thuận tiện” và yêu cầu “3 biết”: “biết các chính sách của Nhà nước hỗ trợ việc học tập của con em các gia đình thuộc các vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh gia đình khác nhau, trong đó có chính sách khuyến khích học nghề đối với con em nông dân; biết nhu cầu lao động và việc làm ở địa phương và vùng lân cận để từ đó quyết định việc học nghề, học đại học, cao đẳng, trung cấp một cách hợp lý; biết chọn các cơ sở học tập và đào tạo phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình”.

Ngay từ khi triển khai phong trào, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận đỡ đầu chăm sóc 5 di tích lịch sử văn hoá tiêu biểu cấp quốc gia: Đền thờ Nhà giáo Chu Văn An và nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ ở xã Văn An, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương; Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc (Thân sinh Bác Hồ) ở TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; Nhà lưu niệm nơi Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại Phường Vạn Phúc, TP. Hà Đông; Khu tưởng niệm Liệt sỹ ngành giáo dục ở huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh; Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bộ đã triển khai xây dựng cụm tượng đài 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, dự kiến hoàn thành vào dịp 2/9/2009. Đến tháng 12/2008, 100% các tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và văn bản phối hợp của các ngành liên quan trong tỉnh để triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, 5.940 trường đã chủ động đăng ký tham gia phong trào thi đua, 8.446 công trình, di tích lịch sử, văn hoá cách mạng, trong đó có 1.016 di tích cấp quốc gia đã được các trường nhận chăm sóc và phát huy giá trị.

2. Tiếp tục tổ chức đánh giá chương trình và sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục:

Thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội (Khóa X) về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình mới và thay sách giáo khoa mới lớp 1, lớp 6 từ năm học 2002-2003 và đến năm học 2008-2009 đã hoàn thành triển khai chương trình và sách giáo khoa mới từ lớp 1 đến lớp 12. Từ năm 2008, Bộ đã chỉ đạo các trường học, các địa phương tổ chức đánh giá chương trình và sách giáo khoa mới và sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá trong một số năm. Từ kết quả đó, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa và điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp trên nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục phổ thông. Đồng thời, Bộ chỉ đạo tích cực đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp giáo dục theo định hướng "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm thúc đẩy xây dựng môi trường sư phạm thân thiện và phát huy vai trò tích cực của học sinh trong giáo dục phổ thông.

Năm học 2008-2009, Bộ chỉ đạo các Sở GD&ĐT chủ động tổ chức biên soạn, hướng dẫn giảng dạy các nội dung về giáo dục địa phương; đi sâu đổi mới kiểm tra đánh giá thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân. Việc đổi mới kiểm tra đánh giá của giáo viên được tiến hành theo hướng: khắc phục tình trạng học sinh thiên về ghi nhớ kiến thức máy móc, học thuộc lòng, học tủ, học vẹt, ghi nhớ máy móc nhưng chưa nắm vững bản chất vấn đề, thiếu kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Yêu cầu giáo viên tăng cường ra đề "mở" nhằm đòi hỏi khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng biểu đạt chính kiến của học sinh khi trình bày, giải quyết vấn đề đặt ra trong học tập và trong thực tiễn. Kết hợp việc đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh; rèn luyện kỹ năng tư duy độc lập và giáo dục thái độ, hành vi của học sinh.

Đối với các bộ môn yêu cầu năng khiếu (Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật) Bộ chỉ đạo các trường lựa chọn hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất ... Việc kiểm tra đánh giá phải đổi mới theo hướng khuyến khích học sinh nắm kiến thức, kỹ năng cơ bản, tích cực rèn luyện phù hợp với năng khiếu, sức khỏe của bản thân, không yêu cầu các kỹ năng tiêu chuẩn chuyên nghiệp của nghệ sỹ, vận động viên.

Giáo viên được dự giờ đánh giá; tổ chuyên môn dự và thảo luận; các hội thảo chuyên đề ở cấp tỉnh và cấp toàn quốc đã được tổ chức định hướng được mục đích, yêu cầu của việc đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, đề ra nhiều giải pháp khắc phục những khó khăn của địa phương. Năm học này, Bộ cũng chỉ đạo đánh giá sâu hiệu quả dạy học môn Thủ công-Mỹ thuật (ở Tiểu học) và môn Giáo dục công dân (ở THCS và THPT) để chuẩn bị cho những điều chỉnh cần thiết phù hợp trong các năm học sau. Các vấn đề cụ thể như việc thiếu giáo viên bộ môn, còn giáo viên dạy chéo môn; sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, thiết bị và đồ dùng dạy học còn hạn chế đã từng bước được tháo gỡ; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học các môn học xã hội được quan tâm khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên thực hiện khi giảng dạy.

3. Triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong giáo dục:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như: kiện toàn công tác tổ chức và chỉ đạo quản lý của ngành về công nghệ thông tin từ Bộ đến các Sở GD&ĐT, trường học và đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT; kết nối mạng Internet băng thông rộng về giáo dục và phát triển các dịc vụ công về giáo dục; thiết lập mạng EduNet kết nối tất cả các cơ sở giáo dục toàn quốc; thiết lập hệ thống email cho toàn ngành; phát triển hệ thống thông tin giáo dục; xây dựng các ứng dụng, dịch vụ công, các nguồn tài nguyên trong giáo dục để chia sẻ và dùng chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel tổ chức lễ khởi công Kết nối mạng giáo dục. Viettel tài trợ miễn phí việc kết nối Internet băng thông rộng, thiết bị kết nối và thuê bao hằng tháng tới tất cả các trường phổ thông, mẫu giáo, mầm non, phòng GDĐT, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục cộng đồng (trị giá hỗ trợ khoảng 330 tỷ/năm), đến nay đã có khoảng 16.000 trường trong tổng số 39.000 trường được miễn phí lắp đặt và phí truy cập Internet. Xây dựng thư viện giáo trình đại học trên trang web của Bộ, đã có hơn 350 giáo trình và mười hai triệu lượt người truy cập trong một năm. Đến nay đã hoàn thành hơn 1000 giáo trình điện tử đưa lên mạng. Triển khai hệ thống họp qua cầu truyền hình video, qua web và qua mạng điện thoại. Tổ chức được nhiều cuộc hội nghị, họp, giao ban toàn quốc qua mạng, tiết kiệm khoảng mười tỷ đồng/ năm. Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị cấp Bộ đầu tiên nối cáp quang trực tiếp về 63 sở GDĐT, đã tổ chức kết nối họp giao ban với 63 sở GDĐT qua mạng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp cho toàn ngành các phần mềm quản lý quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, hỗ trợ xếp thời khoá biểu, hệ thống họp và đào tạo qua mạng, e-Learning... giúp toàn ngành sử dụng nhanh và mạnh mẽ về CNTT trên phạm vị rộng lớn. Nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành đã chọn tỉnh Điện Biên để ưu tiên và tập trung đầu tư về kinh phí, trang thiết bị về công nghệ thông tin. Viettel và Bộ GD&ĐT đã tập trung huy động nhân lực rải cáp quang, trồng cột điện khắp tỉnh, đến cả những huyện xa xôi và khó khăn nhất, đến những trường chưa có điện và chưa có máy tính ở Mường Nhé, Mường Phăng... Đến 30/4/2009 cơ bản nối mạng xong cho 80% số trường trong tỉnh, trao tặng 80 máy tính của công ty Intel tài trợ cho các trường thuộc huyện Điện Biên. Thiết lập website của ngành giáo dục tỉnh Điện Biên, thành lập hệ thống email của riêng Điện Biên cung cấp cho giáo viên và học sinh sử dụng, tập huấn các phần mềm quản lý trường học, phần mềm soạn bài giảng và hỗ trợ nhiều hoạt động khác của ngành giáo dục tỉnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT và Hội Tin học Việt Nam bình chọn xếp thứ nhất trong danh sách các Bộ ngành có mức độ cao về sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.

4. Thực hiện các bước đi vững chắc trong đổi mới quản lý tài chính giáo dục:

Thực hiện Kết luận số 20-KL/TW ngày 28 tháng 01 năm 2008 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục với mục tiêu xây dựng cơ chế chính sách mới cho giáo dục nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực sự coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu; xây dựng hệ thống các chính sách để thực hiện công bằng trong giáo dục, tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao.

Ngày 09 tháng 6 năm 2009, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tưóng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã trình Quốc hội Tờ trình về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014. Ngày 19 tháng 6 năm 2009 Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.

Năm học 2008-2009, toàn ngành thực hiện 3 công khai trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để người học và xã hội giám sát, đánh giá: công khai chất lượng đào tạo; công khai các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai thu, chi tài chính và 4 kiểm tra: kiểm tra việc phân bổ và sử dụng ngân sách giáo dục đào tạo; kiểm tra việc thu và sử dụng học phí trong các nhà trường; kiểm tra việc sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường; kiểm tra việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc Hội về việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 1/2/2008 về phê duyệt Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 với mục tiêu đầu tư kiên cố hóa 141.285 phòng học và 1.358.616 m2 nhà công vụ cho giáo viên. Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn các địa phương triển khai, đảm bảo việc thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng của Đề án được phê duyệt. Ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Năm 2008 các địa phương đã chủ động thực hiện, cơ bản đáp ứng mục tiêu và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều địa phương đã huy động được nguồn vốn xã hội hóa rất lớn trong dân và từ ngân sách địa phương để thực hiện. Tính đến ngày 14/5/2009, các địa phương đã phê duyệt danh mục đầu tư 29.357 phòng học và 9.726 phòng công vụ cho giáo viên; số phòng học đã được triển khai xây dựng là 25.720 phòng và 8.944 phòng công vụ cho giáo viên; số còn lại các địa phương cam kết đến hết tháng 6 năm 2009 hoàn thành 100% dự án thuộc kế hoạch năm 2008 được triển khai từ tháng 6/2008.

Năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp và báo cáo dự kiến phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 24/3/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo chính thức kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện đề án năm 2009 là 3.000 tỷ đồng. Các địa phương rút kinh nghiệm năm 2008 đã chủ động phê duyệt danh mục, phân bổ vốn cho các dự án và hoàn thiện các thủ tục sớm hơn so với năm 2008 để triển khai xây dựng và sẽ phấn đấu giải ngân 100% vốn được Trung ương hỗ trợ trước ngày 31/12/2009.

5. Tích cực triển khai cuộc vận động quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng khó khăn: Với truyền thống tương thân, tương ái, ngày 24/9/2008 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có lời kêu gọi gửi tới các nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc cha mẹ học sinh, các em học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng khó khăn. Đây là cuộc vận động (sẽ được tổ chức hàng năm từ tháng 6 đến tháng 9) mang tính nhân văn sâu sắc đã được sự hưởng ứng sâu rộng của nhà giáo, học sinh trong toàn ngành và nhân dân ở mọi miền đất nước. Trước tết Nguyên đán vừa qua, toàn ngành đã quyên góp được hơn 21 tỷ đồng, 1.816.639 sách giáo khoa, vở viết, 35.254 kg quần áo, 496.007 bộ quần áo, 21.086 hiện vật khác. Các đơn vị đã tổ chức quyên góp được nhiều là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Lào Cai, Phú Yên, Hà Giang,... đại học Huế, đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh...

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đảm bảo cung ứng đầy đủ cho mọi học sinh đều có sách giáo khoa để đến trường, tổ chức quyên góp được trên 2,5 triệu bản sách giáo khoa cũ trị giá trên 3 tỷ đồng tặng học sinh nghèo có sách để học tập. Năm 2008, Nhà xuất bản Giáo dục đã tặng 70.000 bộ sách giáo khoa mới trị giá khoảng 7 tỷ đồng cho con em thương binh, liệt sỹ; phát phiếu giảm giá cho học sinh nghèo học giỏi trị giá khoảng 7 tỷ đồng tạo điều kiện cho học sinh cả nước, đặc biệt là học sinh vùng khó của đủ sách đến trường.

Trong dịp Tết nguyên đán Kỷ Sửu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi thư kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ các thầy cô giáo ở các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn và yêu cầu các địa phương quan tâm, hỗ trợ đời sống của các nhà giáo trong dịp Tết. Kết quả đã ủng hộ được trên 3,4 tỷ đồng và nhiều địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ cho các thầy cô giáo có một cái tết vui hơn.

Nghĩa cử cao đẹp của cán bộ công chức, viên chức, các bậc cha mẹ học sinh, các em học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm đã làm vơi đi những khó khăn, tăng thêm nhiệt huyết cho đội ngũ giáo viên và học sinh ở vùng khó khăn đang hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

  • PGS.TS Trần Quang Quý

Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và đào tạo

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất