Con đường bản quyền ở Việt Nam cho đến giờ vẫn trong quá trình khai hoang vỡ đất. Ðến khi nào nó trở thành đại lộ, chắc vẫn là chuyện của tương lai rất xa. Người vi phạm vì hiểu luật và không hiểu luật cũng có, chủ thể tác phẩm thì mù mờ, trông cậy vào trung tâm bảo vệ, trong khi trung tâm hoạt động cũng chưa quy củ.
Bản quyền - kẻ cười, người khóc
Bản quyền âm nhạc là lĩnh vực thu hút sự chú ý của dư luận nhiều nhất, khi... nhìn đâu cũng thấy vi phạm. Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) nhiều năm gần đây cũng hăng hái trong việc đi thu tác quyền, nhưng 90% các show diễn vẫn không nộp tiền tác quyền. Tất nhiên, còn có nhiều lý do liên quan đến việc không thanh toán tiền bản quyền, nhưng rõ ràng, ý thức về việc xin phép và trả tiền cho nhạc sĩ vẫn là... của hiếm trong giới bầu show. Ðĩa vừa ra mắt, có khi chỉ vài phút sau trên mạng, trong điện thoại, đĩa giả... đã ngập tràn. Ca sĩ Mỹ Linh từng thốt lên: Người ta nghe nhạc của tôi 10.000 đồng, thậm chí là miễn phí. Có những người còn nói thẳng trên diễn đàn: "Nghe nhạc cho các vị là may rồi!". Mỹ Tâm, Thái Thùy Linh... không chịu ngồi yên, xắn tay vào cuộc để làm cho ra nhẽ. Mỹ Tâm thì đã được đền bù, nhưng còn vô số ca sĩ khác đành khoanh tay đứng nhìn.
Phản ứng quyết liệt hơn cả có lẽ là họa sĩ Văn Thơ - người đã cầm dao rạch nát bức tranh giả Ông công nhân già của mình ngay giữa một gallery và mời công an phường tới làm biên bản. Tranh nhái được bán ở các gallery không còn là sự hiếm, chỉ cần một bức vẽ bán giá cao là ngay lập tức những bức na ná ra đời, được ký tên chính chủ và được bày bán với giá hàng hiệu. Không phải ai cũng có thể dễ dàng phân biệt được đâu là tranh giả, tranh thật. Trong số các họa sĩ được ưa chuộng, tranh Bùi Xuân Phái bị giả nhiều nhất.
Ðể tìm kiếm các tác phẩm văn học trên mạng bây giờ chẳng khó, nhất là khi các thiết bị điện tử hỗ trợ đọc sách như ipad, kindle fire, smart phone... ngày càng phát triển. Người ta đưa sách lên mạng rồi chia sẻ, bán cho nhau mà tác giả chẳng hề biết, nhà sách thì chỉ biết kêu trời. Sách lậu bán chạy hơn và dễ kiếm hơn sách thật.
Bức xúc trước tình hình bản quyền bị vi phạm nghiêm trọng, một số nhà sách đã tự tìm cách riêng để chống lại sách lậu. Nhiều tụ điểm in lậu sách đã bị chính nhân viên của các nhà xuất bản phát hiện và thông báo với cơ quan chức năng kiểm tra. Mới đây, nhà sách Trí Việt First News còn cắt cử nhân viên ra Hà Nội nằm vùng hàng tháng trời, lân la các cửa hàng "đại hạ giá" để tìm hiểu, tiếp cận các đầu nậu, từ đó theo dõi, phục kích hang ổ làm sách giả. Họ đã choáng váng khi thấy những cuốn sách Trí Việt chỉ được cấp phép in chính thức với số lượng vài nghìn bản, thì trên thị trường đã có tới hàng vạn bản.
Nhiều kẽ hở
Lỏng lẻo, sơ hở nhưng nhiều khi lại chồng chéo, đó là nhận định của nhiều người trong cuộc về cuộc chiến chống vi phạm bản quyền hiện nay. Có trường hợp nhà thơ, nhà văn bị chính các nhà sách xâm phạm bản quyền tác phẩm của mình. Nhắm thấy sách bán chạy, có đơn vị đã tự tiện in nối bản hoặc tái bản mà không trả nhuận bút cho tác giả. Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam đã thực hiện được một vài bước đi ban đầu trong việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực văn học, tuy nhiên, sau những ồn ào, quyết tâm buổi đầu ra mắt, vẫn chưa có chút khởi sắc trong lĩnh vực phức tạp này, một số người khởi xướng như Nguyễn Phan Hách, Trần Thị Trường cũng đã rời bỏ từ lâu.
Trong âm nhạc, hiện có RIAV, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, đơn vị bảo vệ bản quyền cho các hãng thu âm đã có ủy quyền. Việc thu phí tác quyền của VCPMC nhiều lần đã bị RIAV lên tiếng phê phán là chồng chéo và lấn sân.
Trong khi đó, nhạc sĩ Phó Ðức Phương cùng VCPMC đã nhiều lần vác đơn đi kiến nghị về sự bất cập trong cấp phép của Cục NTBD, cụ thể: Cục đồng ý cho chương trình ca nhạc diễn ra mà không cần biết chương trình đã hoàn thành nghĩa vụ tác quyền hay chưa. Về phía Cục NTBD lại "tố ngược", VCPMC muốn biến cơ quan quản lý nhà nước trở thành người "làm thuê" cho mình. Ðồng thời, Cục cũng chỉ ra rằng đơn vị này đã nhập nhèm trong thu - chi và có nhiều sai sót trong thủ tục thành lập cũng như quá trình hoạt động.
Một số nhà hoạt động âm nhạc như nhạc sĩ Phú Quang, Quốc Trung, NSND Trần Bình... cho rằng cần thiết phải có thêm một hoặc nhiều trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc khác để cạnh tranh, nhằm tạo ra sự sòng phẳng, công khai, minh bạch.
Với lĩnh vực mỹ thuật, bảo vệ bản quyền có vẻ chật vật hơn vì ở Việt Nam hiện chưa có trung tâm nào đứng ra đảm nhận việc này. Các nghệ sĩ đăng ký ở Cục Bản quyền tác giả, khi nào phát hiện sai phạm, có thể báo cho công an, thanh tra Bộ, Sở... để lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, người làm tranh rởm nếu có bị phạt cũng nộp tiền cho Nhà nước, chứ không trả tiền cho họa sĩ, trừ khi bị thua kiện ở tòa. Bản thân họa sĩ không có quyền lập biên bản, không có quyền tịch thu hay yêu cầu đền bù thiệt hại. Nếu có ai thành lập trung tâm, chắc chắn không có kinh phí để duy trì. Một họa sĩ tiết lộ, trước đây, phí đăng ký bản quyền tranh chỉ 40.000 đồng, nay đã lên tới 500.000 đồng/bức, do đó nhiều họa sĩ tên tuổi không đăng ký. Nhiều người tặc lưỡi, đành chịu, bởi "chờ được vạ, má đã sưng". Hơi sức, thời gian và tiền của đâu ra mà chạy theo kiện cáo. Thế là thôi.
Quá bức xúc trước nạn sách giả, ở lĩnh vực xuất bản, NXB Trí Việt đã gửi đơn đề nghị Quốc hội bổ sung tội danh làm giả vào Luật Hình sự, thay vì phạt hành chính như hiện nay vì không có tác dụng răn đe.
Rõ ràng, vấn đề bản quyền hiện nay đang rất "nóng", nhưng thực tế, việc bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể sáng tạo trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vẫn còn nhiều kẽ hở. Chừng nào còn chưa giải quyết được những bất cập đó, những sai phạm này sẽ ngày càng phát triển. Ðây là vấn đề đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà làm luật trong thời gian tới.
* Kẻ khóc, người cười vì bản quyền. Trường hợp được hưởng nửa tỷ đồng bản quyền như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là hiếm, còn khóc vì sản phẩm đầu tư mất hàng trăm triệu mà chỉ trong chớp mắt đã bị tung lên mạng như các ca sĩ là chuyện... thường ngày.
Nguồn: Nhân Dan