(TCTG) - Tháng 4 này, ai về Trà Vinh, Sóc Trăng - nơi cư trú đông nhất đồng bào Khơmer trong tổng số 1,1 triệu người Khơ mer của cả nước - sẽ cảm nhận rất rõ không khí vui tươi, phấn khởi và được thưởng thức những lời ca điệu múa đậm đà bản sắc của bà con Khơmer nơi đây.
Hàng năm, vào trung tuần tháng tư dương lịch, đồng bào dân tộc Khmer lại tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây truyền thống,
Chôl Chnăm Thmây còn được gọi là "Tết chịu tuổi" của đồng bào Khmer. Từ xa xưa, đồng bào Khơmer vẫn quan niệm đây là thời kỳ tiếp giáp giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi, thiên nhiên trỗi dậy, sức sống hài hòa giao thoa, nên coi đây như là sự khởi đầu của một năm mới. Chôl Chnăm Thmây còn có nghĩa là vào năm mới.
Những ngày thượng tuần tháng tư, chúng tôi về Trà Vinh, trong suốt hành trình từ Càng Long xuống thị xã, trong những khóm ấp, bên những ngôi chùa cổ kính, chúng tôi đều chứng kiến không khí đông vui, nhộn nhịp của bà con Khơmer chuẩn bị đón "Tết chịu tuổi".
Càng gần đến ngày Tết, các phum sóc, chùa chiền và các gia đình đồng bào Khơmer dường như càng rộn ràng phấn khởi hơn trong niềm hân hoan đón mừng ngày hội cổ truyền.
Tại mỗi ấp, từ đường đi lối lại đến nhà cửa đều được bà con dọn dẹp và sửa sang sạch sẽ, chu tất để cúng năm mới về. Các cổng chào đầu phum sóc được được trang trí cờ hoa, khẩu hiệu rực rỡ. Cờ hội và cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Tất cả đều được đồng bào chuẩn bị với tinh thần hồ hởi, thành tâm để chúc cho nhau năm mới may mắn, mưa thuận, gió hòa.
Ngoài việc trang hoàng nhà cửa, đồng bào còn giúp nhau chuẩn bị gạo nếp, đậu để xay bột, cùng lá chuối, lá dừa, dây buộc, củi... để làm các loại bánh trái như: num chruk (bánh tét), num tean (bánh ít), num knhậy (bánh gừng), num trom, num tom be (bánh men)... Tất cả sẽ được gói cẩn thận, đẹp mắt rồi nấu chín để dâng cúng bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà trong mỗi gia đình; ngoài ra bánh trái còn được bà con dùng làm lễ đi chùa và để tiếp khách trong những ngày Tết, khi mọi người đến thăm nhau.
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khơmer thường kéo dài từ 3 đến 4 ngày vào giữa tháng 4 dương lịch. Những ngày đó, mọi công việc ruộng rẫy đều dừng lại để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, viếng ông bà tổ tiên và thăm hỏi nhau. Vào dịp này, con cháu dù đi công tác, làm ăn xa xôi mấy cũng trở về để sum họp cùng gia đình.
|
Chùa Âng - một trong nhữ trung tâm văn hóa lớn của đồng bào Khơ mer tại tỉnh Trà Vinh. |
Trong ngày tết đầu tiên (khoảng 13/4 dương lịch), trong mỗi phum, sóc, mọi thành viên trong các gia đình đều tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo đẹp, mang theo nhang đèn, lễ vật đi lễ chùa. Ngày này, mỗi ngôi chùa trong vùng đều tổ chức tụng kinh, rắc nước có hương thơm với niềm tin: tiễn đưa vị thần năm cũ, xua đuổi tà ma, tẩy rửa điều xui xẻo, cũng là gột rửa để tâm hồn và tinh thần con người được trong sạch, chào đón vị thần năm mới trong sự trang trọng, kính cẩn. Tại mỗi gia đình, con cháu thường tổ chức đi thăm và dâng quà, bánh trái với các bậc ông bà, cha mẹ, hoặc biếu những người thân và những người có ân đức với mình thời gian qua. Giống như phong tục ngày Tết của các dân tộc anh em trên cả nước, những việc làm này của đồng bào Khmer nhằm thể hiện sự cung kính với ông bà, cha mẹ. Đồng thời gửi gắm ước nguyện, cầu mong vị thần năm mới cùng tổ tiên phù hộ độ trì, giúp cho việc làm ăn được phát đạt, đời sống gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa cho cháu con.
Sau đêm tiễn đưa năm cũ của ngày đầu, ngày thứ hai (14/4), bà con sẽ tổ chức nghi thức để rước năm mới. Đầu tiên là rước Mahasoongkran (cuốn Đại nông lịch Khmer). Dẫn đầu đoàn rước là Ông chằn mang mặt nạ oai vệ, tay cầm gậy múa mở đường, theo sau là đội trống Ch.hay dăm hoặc dàn nhạc ngũ âm sôi động. Sau khi đoàn rước đi ba vòng quanh ngôi chùa chính của phum, sóc, bà con phật tử sẽ vào chính điện cùng tụng kinh và rước vị thần năm mới về cùng cháu con.
Với thanh thiếu niên, những ngày này sẽ được tham gia vào các trò vui chơi dân gian như: Kéo co, bịt mắt, đá gà, nhảy bao, đánh bóng... hoặc tham gia vào các tiết mục văn nghệ với những bài hát, điệu múa mang đậm bản sắc của đồng bào Khơmer như: Rom vong, hát Aday đối đáp, chơi Ch.hay dăm, xem Rô băm, Du kê, phim ảnh…
Cũng trong ngày này, bà con còn tổ chức lễ đắp núi cát hoặc núi lúa xung quanh ngôi chính điện của chùa chiền, để cầu ước cho năm mới giàu có, của cải chất cao như núi... đây đều là những nghi lễ được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ của đồng bào Khơmer .
Ngày tết thứ ba (15/4), sau khi dâng cơm sáng và trưa cho các vị sư trong chùa, bà con mang nước ướp hương thơm cùng nhang đèn đến nơi thờ Phật để làm lễ tắm tượng Phật, sau đó là tắm cho các vị sư sãi cao niên. Trong mỗi gia đình, con cháu cũng tắm rửa cho ông bà, cha mẹ và thay bộ quần áo mới do con cái dâng tặng. Ngoài cúng vong linh cho người sống, các nghi lễ cầu siêu cho vong linh người quá cố cũng được tiến hành trang trọng tại nghĩa trang và trong mỗi gia đình trong ngày này.
Tết Chôl Chnăm Thmây là một trong những sự kiện thiêng liêng và có ý nghĩa nhất đối với đời sống tinh thần của đồng bào Khơmer. Với quan niệm về thời gian và chu kỳ vận chuyển của năm, đây là dịp để bà con Khơmer cầu mong năm mới luôn mưa thuận, gió hoà; bày tỏ niềm tin vào đức Phật và các bậc thần linh cũng như sự tôn kính với sư sãi nơi chùa chiền; đồng thời cũng là dịp để con cháu bày tỏ lòng kính trọng với ông bà, cha mẹ, tưởng nhớ tổ tiên, gia đình sum họp, đoàn kết.../.
Phạm Bá Nhiễu