Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 6/4/2012 21:18'(GMT+7)

“Hát cho đồng bào tôi nghe” - nhiệt huyết của sinh viên miền Nam một thời chống Mỹ

Sinh viên trình bày ca khúc "Hát trên đường đấu tranh" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. (Ảnh minh hoạ).

Sinh viên trình bày ca khúc "Hát trên đường đấu tranh" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn. (Ảnh minh hoạ).

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập

Những ngày đầu tháng tư lịch sử, tôi gặp lại người nhạc sỹ xứ Huế - Tôn Thất Lập, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam, trong câu chuyện về "một thời hoa lửa" sục sôi tinh thần yêu nước và đấu tranh của sinh viên miền Nam, Nhạc sỹ tâm sự: Tháng 10/1966, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Phong trào Bảo vệ Văn hóa Dân tộc đã được khởi nguồn. Phong trào này do Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định tổ chức với sự tham gia của các đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn. Từ Phong trào này, nhiều chương trình văn hóa - văn nghệ gắn với chủ đề hòa bình - độc lập - tự do cho dân tộc đã được tổ chức ngay tại trung tâm của Ngụy quyền Sài Gòn, sau đó đã lan tỏa ra khắp các đô thị ở miền Nam.

Nói về những ngày tháng đấu tranh đầy sôi động đó, Nhạc sỹ Trần Xuân Tiến, Uỷ viên Hội Nhạc sỹ TP. Hồ Chí Minh, một trong những thành viên chủ chốt của Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, nhớ lại: sáng ngày 12/12/1966, tại Trường Quốc gia Âm nhạc, Đoàn Văn nghệ học sinh, sinh viên đã biểu diễn một chương trình văn nghệ với nhiều tác phẩm thể hiện tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, kêu gọi đấu tranh cách mạng, như: các nhạc phẩm "Việt Nam gấm vóc"; "Hội nghị Diên Hồng"; điệu múa kháng chiến "Nông, tác, vũ"; kịch "Đường vào lòng dân", vũ khúc "Tiếng trống hào hùng"... Những tác phẩm này sau đó tiếp tục được trình bày trong các buổi biểu diễn văn nghệ của nhiều trường đại học ở Sài Gòn, được đông đảo sinh viên và giới trẻ nhiệt liệt hoan nghênh.

Từ Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, Báo Sinh viên trực thuộc Tổng Hội sinh viên Sài Gòn được thành lập, nhằm mục đích lôi kéo, hướng sinh viên vào các phong trào đấu tranh chống Mỹ-Nguỵ, bảo vệ nền văn hóa dân tộc...

Đây được coi là những hoạt động mở đầu của Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, làm tiền đề cho cao trào đấu tranh thông qua hình thức văn hóa - văn nghệ của học sinh, sinh viên trên các đô thị miền Nam những năm đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng “Việt Nam hóa chiến tranh” tại Việt Nam.

Từ những năm 1967 - 1970, phong trào văn hóa - văn nghệ của học sinh, sinh viên tại Sài Gòn và các đô thị miền Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang tầm vóc lớn và có ảnh hưởng, tác động đến nhiều mặt đời sống chính trị-văn hoá-xã hội trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ ở Sài Gòn thời đó. Thông qua các phòng trào văn hoá-văn nghệ của sinh viên, đã tập hợp được đông đảo lực lượng yêu nước, phản đối chiến tranh, kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hoá nước nhà và hoà bình cho dân tộc... tạo nên một làn sóng "khuấy động" cả Sài Gòn và các đô thị miền Nam. Từ phong trào này, dần dần không chỉ có văn nghệ ca hát, múa, kịch trên sân khấu hay trong cộng đồng những người tham gia đấu tranh, mà còn lôi kéo, kết nối với các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật khác như thơ, truyện, họa, báo chí... tạo nên một cao trào đấu tranh "hợp pháp" và "nửa hợp pháp" ngay giữa lòng Sài Gòn và các đô thị miền Nam.

Cũng ở thời điểm này, với 2 câu thơ của Trần Quang Long, đã góp phần khích lệ không khí đấu tranh đầy nhiệt huyết của sinh viên tại Sài Gòn, giữa những đòn áp bức ngày càng gia tăng của chính quyền tay sai:

“Con sẽ vót thơ thành chông, xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài văn thành kiếm thép, chặt đầu văn nghệ tay sai..."

Không khí đấu tranh của sinh viên và giới trẻ càng trở nên sôi động khi xuất hiện những ca khúc nổi tiếng với những ca từ thúc giục, khích lệ tinh thần tuổi trẻ: “Dậy mà đi! dậy mà đi!/Ai chiến thắng không hề chiến bại/Ai nên khôn không khốn một lần... Đừng tiếc nữa can chi mà khóc mãi/Dậy mà đi núi sông đang chờ... Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” ("Dậy mà đi" của Nguyễn Xuân Tân). Hay: “Ngày nào thênh thang dân đứng lên phá xiềng nô lệ/Ngày nao hiên ngang ta cùng nhau đứng chung đồng bào/Dành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/Dành lại thành phố đó Việt Nam nâng cao hòa bình…” ("Hát cho dân tôi nghe" của Tôn Thất Lập)... Những bài hát này như những ngọn lửa thổi bùng lên mạnh mẽ tinh thần và tấm lòng yêu nước của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn và đô thị miền Nam từ những 1966 - 1970, và kéo dài trong nhiều năm sau đó với mục tiêu hướng tới là giành độc lập - tự do cho dân tộc.

Góp phần cùng với không khí đấu tranh sôi nổi, tràn đầy khí thế đó, giới văn nghệ-báo chí đã "tiếp lửa" tạo nên sự lan toả rộng rãi của phong trào yêu nước, với những cây bút sinh viên "hừng hực lửa chiến đấu" như: Trần Quang Long, Ngô Kha, Trần Triệu Luật, Nhất Chi Mai, Hà Thạch Hãn, Chinh Văn, Hoàng Phủ Ngọc Phan...; Đội ngũ nhạc sĩ sáng tác ngày càng đông đảo hơn như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Trần Xuân Tiến, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Miên Đức Thắng, La Hữu Vang... Họ từ mọi miền quê đất nước tụ hội trong phong trào yêu nước học sinh, sinh viên ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam vì mục tiêu đấu tranh giành độc lập - tự do của nước nhà.

Vào tối 26/1/1968 tức ngày 25 Tết - cách 5 ngày đêm của giờ G đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - một đêm văn nghệ hoành tráng thời bấy giờ đón tết Mậu Thân với hình tượng Quang Trung đã được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hành chánh. Nhiều tiết mục văn hóa-văn nghệ do sinh viên trình diễn đã làm lay động hơn một vạn người tham dự. Đêm nhạc Quang Trung được coi như cuộc tổng diễn tập của lực lượng thanh niên học sinh-sinh viên trong lòng miền Nam, sẵn sàng trong tư thế nổi dậy, hòa cùng quân Giải phóng trong Tổng tiến công giải phóng miền Nam.

Đêm nhạc Quang Trung đó, những bài hát mang đậm tinh thần yêu nước, khát khao non sông thống nhất, dường như đã nói hộ "tiếng lòng" của hàng ngàn, hàng vạn bạn trẻ: “Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/Nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương... Là chim tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm/Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền” ("Tự nguyện" của Trương Quốc Khánh); hoặc: “Rồi hòa bình sẽ đến đến cho dân tộc Việt/Đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa… Ôi tay súng tay cày vì yêu quê hương” ("Tin tưởng ca" của Nguyễn Tuấn Kiệt).

Sau đó, tại đêm văn nghệ tối 27/12/1969 tại Trường Đại học Nông-Lâm-Súc đã đẩy cao phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trở thành dũng khí cách mạng đầy cuốn hút, không chỉ với học sinh, sinh viên mà còn cho nhiều thế hệ khác. Với những khúc hát của Nhạc sĩ Nhạc sỹ Tôn Thất Lập, tiếng hát như vút cao lên giữa lòng Sài Gòn lúc đó, cuốn hút người nghe, đem đến những thông điệp cho chính người dân Sài Gòn và bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của người Việt Nam:

“Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào.

Hát qua đêm thiên thu lửa cháy lên trại giặc thù…

Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang

Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang..."

("Hát cho dân tôi nghe" của Tôn Thất Lập).

Và: “Ôi Tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi/Trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời… Tổ quốc ơi ta đã nghe lời sông núi…” ("Tổ quốc ơi! ta đã nghe" - La Hữu Vang); “Em sẽ là chim tung đôi cánh trắng/Bay khắp trên bao cánh đồng xanh từ Cà Mau ra ngoài Việt Bắc... Đã mười mấy năm em bay chưa mỏi cánh/Đất nước ta vẫn nghèo, đồng bào ta đang sống lầm than… Em ngậm truyền đơn rải trên khắp phố phường..." ("Chim hòa bình" của Trần Xuân Tiến).

Đồng chí Nguyễn Trọng Xuất (Sáu Nhân), nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định lúc đó, cho biết: Ban Tuyên huấn Khu ủy đánh giá Phong trào“Hát cho đồng bào tôi nghe” có tác dụng rất lớn trong việc truyền bá sâu rộng về ý chí, phong trào yêu nước ở các đô thị. Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã kéo dài cho đến ngày Đại thắng Mùa Xuân 1975 với hàng trăm bài hát, bài thơ, múa, kịch mang đậm tinh thần yêu nước, đấu tranh vì hoà bình-tự do, thống nhất Tổ quốc; đã lay động trái tim và tinh thần dân tộc của nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi khác nhau ở Sài Gòn và các đô thị miền Nam từ những năm 1968 - 1975. Với “Những đêm không ngủ”, “Đêm đốt lửa căm thù”, “Những ngày tuyệt thực”, “Hát cho dân tôi nghe”... là những khúc ca rực lửa căm thù giặc, góp phần dâng cao tinh thần yêu nước, đấu tranh thống nhất Tổ quốc tại các đô thị, để từ đó cùng với quân giải phóng miền Nam vùng lên trên từng thế trận, đấu tranh vì lẽ phải và mục đích thiêng liêng: Thống nhất 2 miền Nam - Bắc, như ước nguyện của Bác Hồ trong lời chúc Tết, trước lúc Người đi xa: “Đánh cho Mỹ cút, Ngụy nhào, Bắc-Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong lòng Sài Gòn và các đô thị miền Nam những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là sự biểu hiện rực rỡ cao độ của tinh thần yêu nước, chí khí bất khuất của con người Việt Nam; như ngọn lửa thiêng của lòng yêu nước, của tuổi trẻ luôn sẵn sàng trong khí thế sức trẻ vùng lên. Để rồi từ đó tạo nên một sự lan toả rộng lớn trong đông đảo nhân nhân dân các đô thị miền Nam, vùng lên cùng với các lực lượng Cách mạng làm nên chiến thắng - đạt tới đỉnh cao chói lọi: Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.

Phạm Bá Nhiễu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất