Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 20/3/2014 10:53'(GMT+7)

Hát bội vào mùa

Vở tuồng lịch sử Đào Duy Từ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM.

Vở tuồng lịch sử Đào Duy Từ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM.

Nhiều show nhưng tiền vẫn ít

Sau Tết Nguyên đán, nhất là tháng 2 và tháng 3 âm lịch, sân khấu nghệ thuật hát bội luôn sáng đèn với các suất diễn kéo dài từ tối đến khuya. Đây cũng là khoảng thời gian nghệ thuật hát bội nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Thông qua những suất diễn phục vụ nghi thức lễ cúng mang tính chất tâm linh, các suất diễn phục vụ theo chỉ tiêu hàng năm của Sở VH-TT-DL TPHCM, loại hình nghệ thuật hát bội vào những ngày này được dịp quảng bá rộng khắp. 

Tại điểm diễn ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, vở tuồng Dị nhân hầu soán đế thu hút rất đông khán giả đến thưởng thức. Bên cạnh những mái đầu bạc phơ còn có không ít bạn trẻ theo dõi suốt vở tuồng. Bạn Phương Thùy ở quận Bình Thạnh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi xem hát bội, thấy cũng hay hay. Mai mốt muốn đi xem nữa nhưng không biết sẽ đến đâu xem…”. Bà Nguyễn Thị Cúc, 61 tuổi, bộc bạch: “Tôi rất thích coi hát bội. Tôi thường đi coi hát bội dịp lễ cúng đình. Vở tuồng này hay, nghệ sĩ diễn suất cũng hay, nhưng chỉ diễn có một đêm nay thôi, thật tiếc!”. 

NSƯT Ngọc Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, cho biết: “Tuy đắt show với bình quân khoảng 25 suất/tháng, các suất diễn hợp đồng ký trong khoảng từ 12 - 15 triệu đồng/suất, nhưng lực lượng nhà hát đi diễn dao động đến 45 - 50 người/suất, vậy nên thu nhập của anh em nghệ sĩ, diễn viên vẫn rất thấp. Theo quy định chung, mỗi suất diễn, anh em nghệ sĩ được hưởng thêm 30.000 đồng/suất/một diễn viên - một mức hỗ trợ quá thấp so với thời buổi vật giá leo thang như hiện nay. Ban giám đốc nhà hát đã cố gắng tăng mức cát sê lên 100.000 đồng (vai chính), 60.000 - 80.000 đồng (vai phụ)/suất, đồng thời cũng tìm kiếm thêm nhiều hợp đồng biểu diễn để có thể tăng thêm 20.000 - 30.000 đồng/suất cho anh em. Tính tổng lại, mỗi suất diễn, anh em nghệ sĩ nhận mức thù lao cao nhất cũng chỉ ở khoảng 120.000 - 130.000 đồng/suất. Trong khi đó, hầu hết các nghệ sĩ đi diễn đều tự lo tiền xăng, xe, ăn uống... Để có được nhiều hợp đồng biểu diễn, anh em nghệ sĩ tăng thu nhập, ban giám đốc nhà hát phải tự ép mình ký nhận các hợp đồng biểu diễn, không dám tăng giá, vì sự cạnh tranh rất mạnh từ những đoàn hát bội tư nhân đang hoạt động khắp TP”.

        Nỗ lực làm nghề, hy vọng tương lai

Theo kế hoạch, năm 2014, nhà hát tiếp tục đầu tư dàn dựng 4 vở mới, trong đó vở tuồng lịch sử Đào Duy Từ (tác giả: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: Hữu Nhi) - vở diễn tận dụng hiệu quả kiến thức nghề nghiệp và kinh nghiệm làm nghề của anh em nghệ sĩ nhà hát. Cách thức chọn đề tài lịch sử để dựng tuồng là việc làm thường gặp nhiều khó khăn hơn là dàn dựng vở tuồng truyện, tuồng dân gian, vì dễ bị “bắt giò” nếu nội dung và tính cách các nhân vật lịch sử làm không ra, diễn viên thể hiện không đúng, không đạt. Nhưng trong buổi diễn phúc khảo, vở đã được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Tham gia tập luyện cả tháng để biểu diễn trong vở tuồng lịch sử này có NSƯT Hữu Danh, NS Thanh Trang, Linh Phước, Hữu Hòa, Quế Hương…

Tiếp sau vở tuồng lịch sử Đào Duy Từ, nhà hát sẽ dàn dựng vở mới Sơn Tinh Thủy Tinh, đây cũng là vở thi tốt nghiệp ngành đạo diễn của NSƯT Linh Hiền. Đến tháng 6-2014, nhà hát tập trung mở lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho diễn viên trẻ, dàn dựng nâng cao 2 vở tuồng để các diễn viên trẻ rèn nghề. Lớp tập huấn sẽ diễn ra trong 6 tháng. Từ lớp tập huấn này, nhà hát chọn 4 diễn viên trẻ tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu tuồng, chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2014, tổ chức vào trung tuần tháng 11 tại miền Trung.

Dù đã nhiều năm không nhà, phải kiếm sống tạm bợ ở các đình, miễu, lương thấp, thu nhập chẳng bao nhiêu, khán giả yêu mến nghệ thuật hát bội ngày càng vơi dần… nhưng các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM vẫn làm việc không mệt mỏi, tích cực, nỗ lực tập luyện, nghiêm túc rèn nghề, luôn đoàn kết gắn bó và sẻ chia cùng nhau để vượt qua bao khó khăn của nghề. 

Gạt bỏ mọi gian khó, vất vả, thiếu thốn, thua thiệt, nghệ sĩ hát bội lại hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn: có một mái nhà khang trang trong tương lai - Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo. Khi đó, anh em nghệ sĩ sẽ có điểm diễn ổn định, nhà hát có thể bắt tay thực hiện một số dự án đào tạo, góp sức bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống dân tộc hát bội.

THÚY BÌNH/SGGP



Trong tháng 3, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM sẽ biểu diễn loạt vở tuồng được nhiều khán giả yêu thích như: San Hậu 3, Phàn Lê Huê phá hồng thủy trận, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Ngũ biến báo phu cừu, Ngũ sắc châu, Tiêu Anh Phụng loạn trào, Dị nhân hầu soán đế… tại xã Thạnh An - huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 4, 10, 12, Phú Nhuận, Trảng Bàng - Tây Ninh…

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất